Lo ngại tình trạng động kinh kháng thuốc

GD&TĐ - Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), bệnh động kinh có tỷ lệ mắc lên tới 120/100.000 dân, tập trung nhiều ở các lứa tuổi như sơ sinh, trẻ nhỏ và người già.

Lo ngại tình trạng động kinh kháng thuốc

Điều đáng lo ngại là trong thời gian gần đây, tỷ lệ các ca kháng thuốc chống động kinh đang có chiều hướng tăng lên mức 30 - 35%. Chính vì lẽ đó, dù tích cực điều trị nhưng người bệnh vẫn không thể làm việc và sinh hoạt bình thường.

Tỷ lệ người mắc bệnh tăng cao

Theo bác sỹ Anh Tuấn - Quyền Trưởng khoa Nội hồi sức thần kinh (Bệnh viện Việt Đức), bệnh viện vừa phẫu thuật thành công cho bé Tạ Thị Hồng N, 2,5 tuổi ở Thanh Hóa. Mẹ của bé N cho biết: Khi được 6 tháng tuổi, bé có biểu hiện rùng mình, sau đó giật nhiều cơn trong một ngày kèm co tay, co chân. Gia đình đưa bé đến Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa khám, xác định động kinh, bé được chuyển tuyến ra Bệnh viện Nhi Trung ương điều trị trong 2 năm. Dù đã dùng thuốc liều cao nhưng bé vẫn lên 4 - 5 cơn/ngày, thậm chí 6 cơn/ngày.

Sau đó các bác sỹ quyết định chuyển bé tới Bệnh viện Việt Đức, hồ sơ bệnh án của bệnh nhi N được Bệnh viện gửi sang Pháp, và được các chuyên gia về thần kinh tiến hành hội chẩn. Các chuyên gia kết luận, trường hợp bệnh nhi này cần phải mổ mới có thể cắt được cơn. Trước phẫu thuật, các chuyên gia từ Pháp đã bay sang Việt Nam để trực tiếp khám, hội chẩn cùng với các bác sỹ của Bệnh viện Việt Đức. Tính đến nay, sau hơn 2 tháng phẫu thuật, bệnh nhi đã cắt cơn hoàn toàn, phát triển bình thường.

Đề cập đến căn bệnh động kinh, bác sĩ Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Một thực tế đáng lo ngại hiện nay là tình trạng 80% bệnh nhân động kinh dùng thuốc không đúng chỉ định bằng cách tự ý dùng thuốc nam, thuốc bắc hay không tuân thủ điều trị khiến gia tăng tình trạng động kinh kháng thuốc.

Bác sỹ Anh Tuấn dẫn chứng về hai trường hợp dễ tổn thương, nguy cơ cao mắc động kinh là trẻ nhỏ và người cao tuổi. Tuy nhiên do quan niệm sai lầm của một số người cho rằng động kinh là bệnh vô phương cứu chữa nên có trường hợp không đưa đến cơ sở y tế can thiệp mà tìm tới mê tín dị đoan, nhờ thầy cúng giải hạn, dẫn đến khi đến cơ sở y tế, tình trạng bệnh đã nặng. Đáng báo động, số lượng bệnh nhân mắc bệnh động kinh ở Việt Nam gia tăng không ngừng, song đáng ngại hơn cả là tình trạng động kinh kháng thuốc do người bệnh không tuân thủ điều trị.

Cảnh báo nguy cơ

“Việc không tuân thủ phác đồ điều trị, tự ý giảm liều hay ngừng uống thuốc, sợ độc tính, thuốc khó mua, quá đắt, thấy bệnh đỡ nên không tiếp tục uống thuốc... đây là những sai lầm thường gặp ở các bệnh nhân động kinh khiến cho tình trạng kháng thuốc cao hơn, khiến cho hiệu quả điều trị chưa được như mong đợi”, bác sỹ Anh Tuấn lo lắng.

Ngoài ra, cũng do nhiều điều kiện khách quan ở cơ sở y tế tuyến dưới còn nhiều hạn chế nên việc chẩn đoán và điều trị động kinh cũng chưa đạt được kỳ vọng. Theo các chuyên gia y tế hiện nay cứ nhắc tới động kinh là người dân lại bất an, lo lắng cho rằng bệnh vô phương cứu chữa song thực tế cho thấy, bệnh vẫn được kiểm soát tốt nếu người dân tìm tới cơ sở y tế kịp thời và tuân thủ phác đồ điều trị cho nhân viên y tế đưa ra.

Đối với bệnh nhân động kinh, dùng thuốc chống động kinh là phương pháp được sử dụng phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, với những bệnh nhân kháng thuốc thì phẫu thuật là phương pháp tối ưu nhất, được thực hiện cho cả trẻ em và người lớn. Theo bác sỹ Trần Đình Văn - Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh, (Bệnh viện Việt Đức), đối với tổn thương gây động kinh như loạn sản vỏ não, u não, cavernome (u mạch thể hang), tỷ lệ thành công sau phẫu thuật trên 70%. Đối với các bệnh lý thùy thái dương như xơ hóa thùy thái dương, hồi hải mã - mỏm móc, tỷ lệ thành công 60 - 70%. Riêng tổn thương đa ổ vỏ não, nhiều tổn thương phối hợp trong não, di chứng sau viêm não - màng não, tỷ lệ thành công 30 - 50%.

Bác sỹ Văn khuyến cáo, khi nghi ngờ trường hợp bị động kinh thì nên sớm đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán bệnh. Khi bác sỹ chẩn đoán bệnh nhân bị động kinh, nên tuân thủ phác đồ điều trị, uống thuốc đúng liều, đủ thời gian, tuyệt đối không được bỏ thuốc, không tự ý đổi thuốc, không tự mua thuốc theo đơn người khác.

Trước đây, quan điểm trong xã hội vẫn coi một người bệnh bị động kinh là không thể chữa khỏi, bị xa lánh hoặc không có một vị trí công việc như người bình thường khác. Chúng tôi luôn muốn thay đổi quan điểm này, bởi bệnh lý động kinh hoàn toàn kiểm soát được bằng rất nhiều biện pháp điều trị khác nhau, trong đó phẫu thuật được coi như phương pháp mang lại hiệu quả khá cao cho bệnh nhân. Bác sỹ Trần Đình Văn, Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh, (Bệnh viện Việt Đức)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.