Một số người lo ngại rằng đây là sự “bắt chước” chiến lược của Mỹ nhằm kiềm chế Trung Quốc. Tuy nhiên sự lo ngại đó có lẽ không có cơ sở. Hàn Quốc không có lý do để hạn chế quan hệ với Trung Quốc vì chính lợi ích của họ trong khu vực.
Chính quyền của Tổng thống Yoon Suk-yeol khi lên nắm quyền hồi tháng 5 đã hứa hẹn đưa ra chiến lược này. Trong bối cảnh các quốc gia toàn cầu đang gấp rút giành lợi thế trong một khu vực bị chi phối bởi sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc về các lợi ích kinh tế cũng như an ninh chiến lược, việc công bố chiến lược này là nhằm mở rộng các dấu ấn toàn cầu của họ.
Ý tưởng của Chính phủ đương nhiệm là mở rộng tầm nhìn sang toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thay vì chỉ giới hạn ở vấn đề Bán đảo Triều Tiên, Đông Bắc Á, hay các sáng kiến khu vực bó hẹp ở lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại như các Chính phủ tiền nhiệm; từ đó tăng cường hợp tác chiến lược tích cực hơn nữa trong các vấn đề song phương, khu vực và toàn cầu.
Bộ trưởng Ngoại giao Park Jin nói rằng Hàn Quốc là một bên tham gia trong số các quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương phải góp phần vì tự do, hòa bình và thịnh vượng trong khu vực để có bước nhảy vọt tiếp theo.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, chúng ta đang sống trong kỷ nguyên của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đang phát triển, nơi sinh sống của 65% dân số thế giới, 62% tổng sản phẩm quốc nội của thế giới và 46% thương mại quốc tế” - ông Park phát biểu tại một hội nghị thảo luận về chiến lược ở Seoul.
Ông Park cho biết vị thế quốc tế được nâng cao đòi hỏi Hàn Quốc phải đóng một vai trò lớn hơn, phải trực tiếp giải quyết các vấn đề toàn cầu, kêu gọi các quốc gia hợp tác và làm gương. Ông lưu ý rằng Hàn Quốc sẽ giúp thiết lập một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, tôn trọng pháp quyền và nhân quyền bằng cách khuyến khích tính toàn diện, tin tưởng và có đi có lại.
Tuy nhiên, kế hoạch đã vấp phải sự nghi ngờ từ những người chỉ trích. Họ đặt câu hỏi không chỉ về tính hiệu quả của cách tiếp cận sâu rộng như vậy mà còn đặt câu hỏi về thực tế là kế hoạch này bắt chước những khái niệm kinh tế và an ninh trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do rộng mở của Mỹ nhằm nỗ lực kiểm soát một Trung Quốc ngày càng quyết đoán.
Các nhà phê bình chỉ ra thực tế rằng chiến lược này có thể tạo ra sự chia rẽ giữa Seoul và Bắc Kinh. Trung Quốc vốn coi bất kỳ chiến lược nào bao gồm khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đều có khả năng đe dọa đến lợi ích của họ, đặc biệt nếu một chiến lược như vậy nhận được sự ủng hộ của Mỹ. Ngay sau khi Hàn Quốc công bố chiến lược, Mỹ đã lên tiếng hoan nghênh và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake
Sullivan công khai nói rằng hai đồng minh có “cam kết chung đối với an ninh và thịnh vượng ngày càng tăng của khu vực”. Park Won-gon, Giáo sư tại Đại học Phụ nữ Ewha, cho biết kế hoạch mới nhất của Tổng thống Yoon về cơ bản là sự chứng thực cho những gì Mỹ đang cố gắng đạt được trong khu vực, đó là thiết lập một liên minh để đối trọng với Trung Quốc, và báo hiệu rằng Hàn Quốc đang ủng hộ Mỹ.
Bộ Ngoại giao Seoul đã bác bỏ những lo ngại như vậy, nói rằng phiên bản của Hàn Quốc về một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương “tự do, hòa bình và thịnh vượng” vẫn dành chỗ cho sự can dự với Trung Quốc và Nhật Bản.
Một quan chức cấp cao tại văn phòng của Tổng thống Yoon nhấn mạnh sự khác biệt này, khẳng định rằng Seoul và Bắc Kinh sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ và sẽ không có việc việc gạt bỏ sự hợp tác với Bắc Kinh. Hàn Quốc cũng đã thảo luận trước về kế hoạch này với nhiều quốc gia khác bao gồm cả Trung Quốc để điều chỉnh các chi tiết.
“Chiến lược Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương của chính phủ Yoon Suk Yeol sẽ trở thành một cột mốc quan trọng trong việc đảm bảo các giá trị và lợi ích quốc gia mà Hàn Quốc tìm kiếm, đồng thời mở rộng phạm vi chính sách đối ngoại của chúng tôi trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có tầm quan trọng chiến lược đang tăng lên từng ngày” - văn phòng tổng thống Hàn Quốc cho biết.