Linh hoạt vì kiến thức

GD&TĐ - Năm học 2021 - 2022 - năm thứ 2 ngành Giáo dục triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới - diễn ra trong bối cảnh tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Có thể thấy rõ tinh thần chủ động, linh hoạt ứng phó, từ chỉ đạo của Bộ/sở GD&ĐT đến triển khai thực hiện tại các cơ sở giáo dục, nhằm hoàn thành mục tiêu kép: Phòng, chống dịch hiệu quả, bảo đảm an toàn trường học; khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục - đào tạo.

Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản, triển khai nhiệm vụ quan trọng để chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương, cơ sở giáo dục hướng đến mục tiêu củng cố, duy trì chất lượng giáo dục. Khung kế hoạch năm học 2021 - 2022 giao quyền chủ động cho các tỉnh/thành quyết định thời gian năm học của địa phương phù hợp với tình hình thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh có thiên tai, dịch bệnh.

Công văn hướng dẫn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông năm học 2021 - 2022 ứng phó với dịch Covid-19 xác định rõ mục tiêu hoàn thành chương trình theo kế hoạch năm học; dạy những nội dung cốt lõi kết hợp tổ chức ôn tập, củng cố kiến thức cơ bản đã học cho các nhóm một cách linh hoạt, phù hợp... Cho đến thời điểm này, việc triển khai kế hoạch năm học 2021 - 2022 tại các địa phương cơ bản diễn ra theo đúng kế hoạch. Ngay như Hà Nội, nơi học sinh phải học trực tuyến kéo dài khoảng 7 tháng, các cơ sở giáo dục vẫn kết thúc năm học chậm nhất trước ngày 31/5, đúng theo khung kế hoạch của thành phố.

Có thể nói, nỗ lực cố gắng của toàn ngành; sự động viên và tạo điều kiện của các cấp ủy, chính quyền địa phương; quan tâm, đồng thuận của cha mẹ học sinh đã góp phần giúp ngành Giáo dục hoàn thành nhiệm vụ năm học, đồng thời bảo đảm chất lượng giáo dục, sẵn sàng thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tuy nhiên, không thể phủ nhận những ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh trong năm học vừa qua. Nhiều học sinh qua 2/3 năm học vẫn chưa được gặp mặt, làm quen, trao đổi trực tiếp với thầy, cô, bạn học. Một số nhiệm vụ quan trọng của ngành không thể tiến hành theo đúng kế hoạch. Hoạt động dạy, học và bảo đảm chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng...

Năm học mới 2022 - 2023, việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ tiếp đến lớp 3, lớp 7, lớp 10. Một số ý kiến bày tỏ lo lắng do dịch bệnh sẽ khiến học sinh lớp 9 gặp khó khăn nhất định khi vào lớp 10, nhất là với những điểm mới trong chương trình học lần đầu tiên được triển khai. Đề nghị nên tựu trường năm học mới sớm hơn cũng bắt nguồn từ lý do trên. Dù không phải nhà trường, địa phương nào cũng có nhu cầu này, nhưng các ý kiến đều thống nhất quan điểm phải bù đắp, bổ sung kiến thức cho học sinh.

Liên quan đến nội dung này, ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang cho rằng, đây là trách nhiệm chính của từng giáo viên, nhà trường và của cả ngành Giáo dục. Giải pháp thực hiện phải linh hoạt theo thực tế mỗi địa phương, phù hợp với từng học sinh, đội ngũ giáo viên, đặc biệt là thời gian làm việc, chế độ, chính sách liên quan đến giáo viên giảng dạy.

Thực tế, có nhiều hình thức để bù đắp, ôn tập kiến thức cho học sinh, như bố trí thời lượng riêng hoặc bổ sung kiến thức còn thiếu ngay trong giờ dạy chính khoá… Lựa chọn hình thức nào nên giao cho từng trường quyết định để phù hợp với điều kiện về đội ngũ, tổ chức (cơ sở vật chất, khả năng cân đối nguồn tài chính…). Bởi, việc kéo dài năm học hiện tại, hay bắt đầu sớm năm học mới để bù đắp kiến thức cho học sinh đều liên quan đến các điều kiện bảo đảm tổ chức như trên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ