Chương trình giáo dục phổ thông mới: Gỡ khó khi triển khai

GD&TĐ - Năm đầu tiên triển khai Chương trình GDPT mới đối với lớp 6 trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh chưa thể đến trường, phải học trực tuyến, nỗ lực của các thầy cô giáo càng trở nên quan trọng.

Giờ học trực tuyến của cô Vũ Quỳnh Anh - giáo viên Trường THCS Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: TG
Giờ học trực tuyến của cô Vũ Quỳnh Anh - giáo viên Trường THCS Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: TG

Khó khăn trong sắp xếp thời khóa biểu

Trong tiết học Tiếng Anh lớp 6 của cô Vũ Quỳnh Anh - giáo viên Trường THCS Đống Đa (quận Đống Đa, Hà Nội), học sinh chăm chú nghe giảng, hào hứng phát biểu xây dựng bài. Lớp học sôi động với những trò chơi đuổi hình bắt chữ, luyện âm, học từ mới. Dù học trực tuyến nhưng các em học sinh đều tương tác với nhau như trên lớp học bình thường, cùng làm việc qua nhóm, học qua trò chơi...

Còn trong tiết học Lịch sử của thầy Đỗ Ngọc Long, học sinh hăng hái, sôi nổi tham gia vào bài giảng, tiếp thu và thực hiện khá tốt các yêu cầu của thầy cô. Ngoài ra, do được nâng cấp phần mềm nên hình ảnh và âm thanh của các bài giảng rõ nét hơn. Với sự hỗ trợ tối đa của bố mẹ, các em học sinh có thể gặp gỡ, trao đổi, tương tác với giáo viên về những kiến thức cần tìm hiểu.

Cô Đinh Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa cho biết: Năm đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp THCS, tuy cũng có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng nhà trường cũng gặp phải một số khó khăn. Đối tượng học chương trình là học sinh đầu cấp. Do tình hình dịch bệnh nên các em chưa được đến trường, chưa được làm quen với thầy cô và các bạn, chưa làm quen với phương pháp học cấp THCS.

Vì giáo viên được đào tạo đơn môn, giờ có môn tích hợp nên việc xếp thời khóa biểu cũng có khó khăn. Thời lượng dành cho việc tổng hợp kiến thức và ôn tập các môn hơi ít, do đó, các tổ nhóm chuyên môn cần tăng cường sinh hoạt, trao đổi tổ chức ôn tập cho học sinh.

Học sinh mới ở tiểu học chuyển cấp cho nên việc ghi chép bài kiểm tra, bài vở hàng ngày còn chậm. Giáo viên phải dày công đồng hành cùng học sinh, để các em cũng được tham gia vào tiết học một cách tự nhiên và nhẹ nhàng nhất. Việc học trực tuyến kéo dài cũng là một khó khăn, đường truyền mạng đôi lúc cũng gặp sự cố, khiến bài giảng bị gián đoạn

Còn cô Đào Thị Hồng Hạnh - Hiệu trưởng Trường THCS Bế Văn Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: Khó khăn của nhà trường có thể kể đến việc sắp xếp thời khóa biểu, phân công giáo viên, nhất là đối với môn Khoa học Tự nhiên. Các thầy cô có chuyên môn về môn Vật lý nhưng không có chuyên môn về 2 môn còn lại hoặc ngược lại.

Hiện, nhà trường tiến hành theo cách thức đồng thời chạy song song cả 3 phân môn, cũng bố trí thời lượng có sự thay đổi qua từng giai đoạn, từng thời kì. Ví dụ như bố trí môn Sinh 2 tiết/tuần, môn Vật lý, Hóa học 1 tiết/tuần. Trong quá trình 3 môn học song song vận hành, giáo viên được sinh hoạt trong cùng 1 tổ chuyên môn để thường xuyên có sự trao đổi nhằm có thể hỗ trợ bổ sung cho nhau.

Giáo viên Trường THCS Đống Đa, Hà Nội dạy học trực tuyến. Ảnh: TG
Giáo viên Trường THCS Đống Đa, Hà Nội dạy học trực tuyến. Ảnh: TG

Tăng cường tập huấn bồi dưỡng giáo viên

Nhấn mạnh giải pháp tăng cường các kỹ năng dạy học trực tuyến là rất quan trọng để thực hiện thành công chương trình mới, Hiệu trưởng Trường THCS Đống Đa Đinh Thị Vân Hồng cho biết: “Hiện nay chúng tôi liên tục cập nhật các ứng dụng, tổ chức tập huấn cho giáo viên các kĩ năng về dạy học trực tuyến và tổ chức lớp học, hướng dẫn học sinh về cách học an toàn”.

Nhà trường cũng tạo điều kiện và khuyến khích giáo viên có kế hoạch tự học, tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, đặc biệt đã có giáo viên học bồi dưỡng về dạy học môn tích hợp. Nhà trường đã mời các chuyên gia tập huấn cho giáo viên, tăng cường sinh hoạt chuyên môn dự giờ lẫn nhau, đặc biệt là trao đổi với nhau về việc soạn và lên lớp đối với chương trình mới.

Cô Phan Thị Thục Hạnh - Hiệu trưởng Trường THCS Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) nhấn mạnh: Ngay từ đầu năm học nhà trường đã xác định tâm thế, định hướng cho công cuộc đổi mới này, trong đó việc tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên là nhiệm vụ quan trọng nhất. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, học sinh phải học trực tuyến thì các kỹ năng về dạy học của giáo viên được đặt lên hàng đầu.

Khó khăn nhất là đối với môn Khoa học Tự nhiên lớp 6, môn mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhà trường đã xây dựng chương trình môn học theo chủ đề và dạy song song với thời lượng Hóa học, Vật lý, Sinh học 1 tiết/tuần; tổ chuyên môn phân công giáo viên phù hợp dạy phân môn này.

Để bảo đảm sinh hoạt chuyên môn, các thầy cô trao đổi trong nhóm của tổ Tự nhiên 2. Nhà trường phân công giáo viên dạy song song ở 2 tuần đầu của chương trình. Sau 2 tuần đầu, các nhóm chuyên môn sẽ dạy theo bài. Việc kiểm tra đánh giá mỗi học kỳ được thực hiện trong quá trình với toàn bộ môn học, bài kiểm tra định kì được xây dựng dựa trên các chủ đề đã thực hiện.

Thầy Nguyễn Cao Cường – Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: Với học sinh, thời gian vừa qua phải dừng đến trường nhưng không dừng học. Còn đối với các thầy cô là “dừng di chuyển nhưng không dừng tập huấn bồi dưỡng”. Tất cả thầy cô đều nhận thấy công tác tập huấn, bồi dưỡng lần này không đơn giản chỉ là cưỡi ngựa xem hoa mà phải học thực sự thì mới có đủ năng lực để triển khai chương trình mới

“Các thầy cô trăn trở và cũng kỳ vọng sau 4 năm thực hiện chương trình thì sẽ có lứa học sinh đầu ra khỏe về thể chất, có cảm thụ về nghệ thuật, cùng với đó là sự tự tin, thành thạo ngoại ngữ - tin học. Đặc biệt là nội dung giáo dục địa phương sẽ hình thành lớp học sinh có căn cốt, giữ truyền thống của địa phương” - thầy Cường bày tỏ. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ