Triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới ở vùng khó: “Liệu cơm gắp mắm”

GD&TĐ - Không chờ đợi sự đầu tư cơ sở vật chất (CSVC) từ nguồn kinh phí của địa phương, nhiều trường học vùng khó đã tận dụng tối đa nguồn lực, đặc biệt là nguồn xã hội hóa.

Điểm trường Tắk Rối được xây mới từ nguồn xã hội hóa.
Điểm trường Tắk Rối được xây mới từ nguồn xã hội hóa.

Từ nguồn hỗ trợ này, các trường học đã đầu tư đồ dùng dạy học, kiên cố hóa phòng học theo hướng đạt chuẩn, trang bị đầy đủ SGK cho HS…

Lo sớm

Trường Tiểu học và THCS Bình An (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đã chuẩn bị xong các bước để mua sắm tài sản, CSVC trang thiết bị dạy học cho cả khối lớp 2 và lớp 6 trong năm học mới sắp tới.

Thầy Phạm Công Thắng – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trường có cả 2 cấp học nên công tác chuẩn bị triển khai có phần vất vả hơn các trường một cấp học. Cũng chính vì vậy, nhà trường đã chủ động sớm trong triển khai một số phần việc trong khả năng của mình. Năm học 2020 – 2021, nhà trường đã được trang bị 3 ti vi cho các phòng học khối lớp 1 theo chương trình mới.

Kết thúc năm học, chúng tôi đã rà soát các thiết bị - đồ dùng dạy học của chương trình hiện hành có thể sử dụng lại được để tăng hiệu quả khai thác. Nhà trường đã lên danh sách đề xuất mua sắm trang thiết bị, nâng cấp CSVC để đáp ứng điều kiện dạy học chương trình SGK mới cho 3 khối lớp 1 – 2 và 6”.

Năm học tới, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (huyện Nam Trà My, Quảng Nam) sẽ có 2 phòng học tại điểm trường Tắk Rối được xây dựng kiên cố hóa với sự hỗ trợ gần 1 tỷ đồng từ sự huy động của một số nhóm thiện nguyện. HS lớp 1 - 2 của Tắk Rối sẽ không phải đi học nhờ ở nhà dân trong điều kiện thiếu ánh sáng và chật chội như trước. Địa điểm xây trường cũng được khảo sát kỹ, cao hơn điểm trường cũ để tránh bị lũ quét.

Thầy Lê Huy Phương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Ngoài những danh mục đồ dùng dạy học tối thiểu sẽ được mua sắm tập trung, trong mùa hè, bằng sự hỗ trợ của một số cá nhân, thầy cô giáo nhà trường đã đầu tư thêm cho thư viện nhà trường. Phòng đọc sách được thiết kế theo hướng gần gũi với tâm lý của HS. Các em có thể thoải mái nằm, ngồi đọc sách tùy thích”.

Trường PTDTBT THCS Trà Mai (xã Trà Mai, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) đã được các mạnh thường quân hỗ trợ 200 triệu đồng đầu tư xây dựng thư viện. Nhà trường còn đặt 3 – 4 máy vi tính có kết nối mạng Internet tại hành lang ở một số khu vực trường HS có thể sử dụng tìm kiếm thông tin hoặc đọc sách điện tử.

Nhiều trường học ở Trà Bồng (Quảng Ngãi), từ nhiều nguồn huy động, đã chủ động trang bị máy tính để đón đầu cho việc dạy học Tin học cho HS. Trường Tiểu học Trà Bình đã có một phòng máy với 25 máy tính, Trường Tiểu học Trà Giang cũng đầu tư xây dựng phòng Tin học với 24 máy tính.

Phòng đọc của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập được cải tạo trong dịp hè 2021.
Phòng đọc của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập được cải tạo trong dịp hè 2021. 

Chủ động xây dựng CT giáo dục địa phương

Ngành GD&ĐT Quảng Ngãi đã hoàn thành xong việc biên soạn xong sách “Giáo dục địa phương tỉnh Quảng Ngãi – lớp 6” và đang chờ ý kiến Bộ GD&ĐT để triển khai giảng dạy trong năm học 2021 - 2022.

Trước đó, chương trình đã được dạy thực nghiệm cho HS lớp 6 ở một số địa phương để đánh giá tính phù hợp về mặt nội dung, dung lượng kiến thức, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực phù hợp với HS. Ban biên soạn đã tiến hành nhiều lần chỉnh sửa trên cơ sở góp ý của các GV thực hiện dạy thực nghiệm và ý kiến góp ý của Hội đồng thẩm định.

Chương trình Giáo dục địa phương lớp 2 cũng đang được Quảng Ngãi gấp rút được hoàn chỉnh. Sách được xây dựng dựa trên yếu tố văn hóa địa phương, phù hợp với lứa tuổi HS tiểu học. Trong năm học 2020 – 2021, khi thực hiện nội dung giáo dục địa phương cho khối lớp 1, các trường học tại Quảng Ngãi đã có sự chủ động và sáng tạo trong việc tích hợp nội dung này vào các môn học khác nhau.

GV khối lớp Một của Trường Tiểu học số 1 Trương Quang Trọng (TP Quảng Ngãi) đã xây dựng góc trưng bày các sản phẩm đan lát của làng nghề đan lát Tịnh Ấn Tây ngay tại lớp học để dạy tích hợp nội dung giáo dục địa phương. Dù không có điều kiện tổ chức cho HS đi tham quan thực tế làng nghề, nhưng các em có thể “sờ, nắm” được các sản phẩm của làng nghề truyền thống Tịnh Ấn Tây qua từng cái rổ, thúng… được trưng bày tại góc lớp học.

Với nội dung lễ hội đua thuyền truyền thống, ngoài việc giới thiệu cho HS những hình ảnh về lễ hội đua thuyền diễn ra hàng năm vào dịp tết, lễ, trong giờ thể dục, GV tích hợp để hướng dẫn HS chơi trò đua thuyền trên cạn…. Sự chủ động, sáng tạo của GV trong tổ chức các hoạt động dạy học, trong sử dụng đồ dụng dạy học đã góp phần xây dựng được môi trường học tập tích cực cho HS.

Nhà trường luôn chủ động tìm kiếm các phương án, hướng đi để bắt nhịp chương trình – SGK mới. Ngoài chuẩn bị sẵn sàng về đội ngũ, chúng tôi cố gắng kết nối với các nguồn xã hội hóa để cải thiện điều kiện dạy – học của HS theo hướng hiện đại. - Thầy Nguyễn Khắc Điệp (Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Trà Mai)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ