Linh hoạt, chủ động chuẩn bị triển khai chương trình, sách giáo khoa lớp 6

GD&TĐ - Theo chia sẻ của các thầy cô, đến thời điểm này mỗi nhà trường đều đã có những bước chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, sẵn sàng và chủ động thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 6 mới.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: INT)
Ảnh minh hoạ. (nguồn: INT)

Chủ động chuẩn bị

Năm nay là năm đầu tiên triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa (SGK) mới với học sinh lớp 6. Dù tình hình dịch Covid -19 diễn biến phức tạp tạp khắp nơi, song ngành giáo dục các địa phương, các nhà trường đều chủ động chuẩn bị các điều kiện tốt nhất cho năm học mới.

Ông Trịnh Ngọc Hải, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Than Uyên,  Lai Châu cho biết: Đến thời điểm hiện tại, cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết để triển khai chương trình SGK lớp 6 năm học 2021 – 2022 đã được các trường chuẩn bị cơ bản đầy đủ. 100% học sinh được trang bị SGK và đồ dùng học tập. Đội ngũ giáo viên đã được đào tạo, tập huấn để sẵn sàng giảng dạy theo chương trình mới.

Chúng tôi đã chỉ đạo các trường tiếp tục tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh Covid-19 trước khi cho học sinh trở lại trường. Tuyên truyền nhân dân, phụ huynh và học sinh thực hiện tốt thông điệp 5K, đảm bảo an toàn phòng chống dịch khi bước vào năm học mới.

Vấn đề hỗ trợ, tập huấn chuyên môn cho đội ngũ giáo viên đảm nhiệm công tác giảng dạy lớp 6 được các nhà trường đặc biệt lưu ý. Thầy Võ Thanh Phước, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Huệ, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng cho hay: Ở trường THCS Nguyễn Huệ, 100% thầy cô dạy lớp 6 năm học 2021-2022 được bố trí tham gia các khoá tập huấn trực tuyến, trực tiếp, ở nhiều cấp, về chương trình, SGK mới, trước khi bắt tay thực hiện chương trình.

Ngoài ra, nhà trường thành lập các tổ tư vấn chuyên môn giáo dục phổ thông để hỗ trợ các nhà trường, giáo viên trong quá trình triển khai Chương trình GD phổ thông mới. GV được tự chủ chuyên môn, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục.

Về công tác này, tại huyện Than Uyên,  Lai Châu, ông Trịnh Ngọc Hải chia sẻ: Do ảnh hưởng của dịch covid-19, để sẵn sàng nhân lực cho việc triển khai dạy học, phòng GD&ĐT Than Uyên đã chủ động bồi dưỡng bằng hình thức trực tuyến.

Việc tập huấn về chương trình SGK lớp 6, trong năm học 2020-2021, các giáo viên đã được tập huấn đại trà 3 modul. Từ ngày 11-13/8, cấp THCS đang tham gia tập huấn trực tuyến do Sở GD&ĐT tổ chức. Các đợt tập huấn tiếp theo, vừa tổ chức tập huấn trực tuyến kết hợp tổ chức tập huấn trực tiếp. Khi bố trí tập huấn trực tiếp, mỗi lớp tập huấn không quá 20 học viên và phải đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Ảnh minh hoạ. (nguồn: INT).
Ảnh minh hoạ. (nguồn: INT).

Khắc phục khó khăn – bắt nhịp Chương trình

Vì là năm đầu triển khai chương trình, SGK mới với lớp 6 cùng một số môn học mới, việc bố trí giáo viên sao cho hợp lý và hiệu quả là bài toán đặt ra với tất cả các nhà trường.

Theo ông Trịnh Ngọc Hải: Năm học 2021-2022, chương trình Giáo dục phổ thông mới đối với lớp 6 sẽ có một số môn học gộp thành các liên môn. Sự thay đổi này đòi hỏi các giáo viên phải được đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn để thay đổi phương pháp giảng dạy nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình mới.

Nhà trường sẽ gặp phải 2 khó khăn: Thứ nhất là giáo viên chưa được đào tạo để dạy tất cả cả môn thành phần. Thứ hai là một số môn chuyên như Tin học, Công nghệ, Mĩ thuật, Âm nhạc ngành Giáo dục huyện Than Uyên chưa đủ giáo viên theo yêu cầu, vẫn phải bố trí giáo viên dạy chéo ban.

“Hiện tại, chưa có hướng dẫn của các cấp về việc đào tạo giáo viên dạy liên môn nên nhà trường đã cử cán bộ quản lý, giáo viên dạy lớp 6 tham gia tập huấn theo môn ngay từ đầu. Tuy nhiên, chúng tôi thẳng thắn nhìn nhận rằng, do không được đào tạo chuyên sâu nên việc nắm vững kiến thức môn học một cách toàn diện rất khó khăn và cần phải có thời gian” - ông Trịnh Ngọc Hải bộc bạch.

Từ góc độ nhà trường, thầy Võ Thanh Phước cho biết: Trước những yêu cầu mới, căn cứ tình hình đội ngũ giáo viên của nhà trường, hiệu trưởng phân công giáo viên dạy học các nội dung của chương trình phù hợp với năng lực chuyên môn của giáo viên. Bên cạnh đó, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để giáo viên đáp ứng yêu cầu về chuyên môn đảm nhận việc dạy học toàn bộ chương trình môn học trong những năm học tới.

Ví dụ: Với môn Lịch sử - Địa lý, sẽ do 2 giáo viên đảm nhận theo chuyên môn được đào tạo. Ở học kỳ I, mỗi tuần lớp 6 có 2 tiết Lịch sử, và 1 tiết Địa lý. Học kỳ II sẽ phân thời khóa biểu ngược lại, 1 tiết Lịch sử và 2 tiết Địa lý.

Để giải bài toán về đội ngũ, theo tư vấn của PGS. TS Trần Xuân Bách, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng: Việc phân công giáo viên bảo đảm khả thi cho các giáo viên phụ trách dạy môn này đồng thời vẫn dạy các môn lớp 7, 8, 9. Một số nội dung mới, tổ/ nhóm chuyên môn tổ chức soạn bài và phân công giáo viên dạy phù hợp dựa trên năng lực thực hiện của giáo viên.

Căn cứ vào điều kiện thực tiễn nhà trường có thể tổ chức dạy học đồng thời các chủ đề trong từng học kì, đảm bảo tính khoa học, tính sư phạm, phù hợp với nội dung môn học. Các trường không bắt buộc phải dạy môn học ở tất cả các tuần, không bắt buộc phải chia đều số tiết/tuần để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, nhân viên của nhà trường.

Môn Khoa học tự nhiên có 140 tiết/1 năm thì tương ứng 4 tiết/1 tuần. Nhưng chương trình mới không nhất thiết dạy đều số tiết cho các tuần mà tùy thuộc vào cơ cấu giáo viên trong tổ. Tùy thuộc vào hoạt động giáo dục của tổ (Ví dụ: Tổ chức hoạt động trải nghiệm trong môn học).

“Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo hướng mở, trong đó quy định tổng số tiết trong một năm học cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục. Nhà trường chủ động bố trí thời gian triển khai kế hoạch giáo dục các môn học và hoạt động giáo dục trong năm học bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh.

Trong hướng dẫn soạn giảng dạy học ở khối lớp 6 theo chương trình Giáo dục phổ thông mới cho GV, chúng tôi nhấn mạnh GV được trao quyền chủ động trong kế hoạch dạy học. Vì vậy, trong soạn giảng có thể linh hoạt và sáng tạo, miễn sao thể hiện được tiết dạy sẽ như thế nào, các hoạt động dạy học trong một tiết học tổ chức như thế nào, HS làm việc thế nào, đánh giá nhận xét thế nào, sản phẩm mong muốn là gì” – thầy Võ Thanh Phước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ