Vài suy nghĩ về sách giáo khoa lớp 6 mới

GD&TĐ - Tháng 3-2021, ngành giáo dục Hà Nội đã triển khai tiếp thu chương trình sách giáo khoa mới. Chương trình được thực hiện bài bản, công phu tại các điểm cầu của mỗi quận huyện.

Năm học tới học sinh lớp 6 sẽ được chọn học bộ SGK theo chương trình GDPT mới
Năm học tới học sinh lớp 6 sẽ được chọn học bộ SGK theo chương trình GDPT mới

Hiện đã triển khai đến 100% giáo viên dạy được tiếp cận với những bộ sách giáo khoa mới thông qua các tác giả trực tiếp giới thiệu.

Nên tiếp thu có chọn lọc

Việc tổ chức rất bài bản và đáng học tập. Nội dung các bộ sách đều có những ưu điểm và hạn chế nhất định. Nhưng tôi bận tâm đến rất nhiều điều khác.

Tôi là giáo viên THCS, đồng thời là một phụ huynh có con học lớp 1 năm trước. Khi nhà trường chọn sách giáo khoa mới, chúng tôi rất tin tưởng vào sự lựa chọn của thầy cô.

Bộ SGK lớp 6
Bộ SGK lớp 6

Nhưng khi đó, bộ sách Cánh Diều được giới truyền thông quan tâm đặc biệt, “vạch lá tìm sâu”, thì chúng tôi rất hoang mang: Liệu chương trình mới có vấn đề gì hay không? Sách mới khó học quá… Bởi những điều truyền thông nêu lên đều là sự thật về “sạn” của ngữ liệu bộ sách Cánh Diều. Nhưng qua một thời gian, chúng tôi cũng băn khoăn: tại sao chỉ có “Cánh Diều” có sạn? Vậy các bộ sách khác thì sao? Chả lẽ hoàn hảo đến mức không tì vết? Câu chuyện sách lớp 1 là chủ đề bàn tán sôi nổi của các phụ huynh trong mọi nơi, kể cả lúc ăn cỗ, hội họp, gặp mặt. Tôi có mấy người bạn con học lớp 1 của trường không chọn bộ Cánh Diều. Họ cũng kêu khó, kêu có vấn đề này vấn đề kia… Tôi mượn xem thì thấy đúng như vậy. Chúng tôi bảo nhau: Thôi thì chương trình mới ra, bao giờ chả có những điều cần chỉnh sửa. Miễn sao họ tiếp thu và chỉnh lý để khi tái bản sẽ tốt hơn. Nhưng dần dần, chúng tôi nhận thấy: tại sao sách nào cũng có “sạn” mà truyền thông lại chỉ tập trung vào “Cánh Diều”?.

Chợt nhớ năm ngoái, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống của NXB GDVN có tới 37 trang lỗi sai, cần phải sửa chữa ngay, nhưng cho đến nay, thầy trò lớp 1 của bộ sách này và ba bộ sách của NXB GD VN cũng chưa được sửa chữa như bộ Cánh Diều.

Và bây giờ, thầy trò dạy bốn bộ sách của NXB GD VN vẫn đang phải dạy và học sách lỗi. Đó là điều đáng tiếc. Từ băn khoăn đó, tôi rất nghiêm túc khi nghe tiếp thu chương trình sách giáo khoa lớp 6 mới, chăm chú theo dõi các tác giả giới thiệu tất cả các bộ sách lớp 6 dự kiến sẽ đưa vào giảng dạy trong năm học 2021-2022. Tôi nhận thấy một vài điều:

Thứ nhất: Trước khi tập huấn, các nhà trường được phát 2 bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo”. (Trong khi chương trình là tiếp cận cả 3 bộ sách, nhưng không thấy phát sách “Cánh Diều”). Chúng tôi muốn có sách “Cánh Diều” chỉ biết qua link sách mềm hoặc phải tự tìm nguồn khác.

Thứ hai: Khi cầm các cuốn sách, bìa sau của bộ “Cánh Diều” vị trí đề giá tiền đều ghi “Sách không bán” và vị trí ghi mã đều để trống, và “Chân trời sáng tạo” ghi giá… đồng (bỏ trống). Trong khi bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” đều in luôn giá tiền, in luôn mã số. Tuy nhiên, nhờ một người quen, tôi được biết ngày 19/3/2021, Bộ Tài chính mới duyệt bảng kê giá sách giáo khoa của tất cả các NXB. Điều đáng ngạc nhiên nhất là giá mà NXBGDVN đề nghị Bộ Tài chính duyệt cho bộ sách “Kết nối…” cao hơn hẳn giá mà chính NXB này thông báo về các địa phương khi các địa phương chọn sách. Ví dụ, NXBGDVN thông báo bộ SGK Toán 2 (2 tập) giá 41.000 đ, Tiếng Việt 2 (2 tập) giá 43.000 đ, nhưng trên thực tế, NXB này đề xuất và được duyệt giá bộ SGK Toán 2 là 46.000 đ, bộ Tiếng Việt 2 là 50.000 đ.

Hướng tới bộ SGK “hoàn hảo” nhất

SGK Ngữ văn lớp 6 Cánh Diều
SGK Ngữ văn lớp 6 Cánh Diều

Sau buổi tiếp thu trực tuyến, chúng tôi được tham dự rất nhiều buổi tiếp thu trực tiếp (đặc biệt bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” và toàn bộ 8 quyển sách Tiếng Anh). Bộ “Chân trời sáng tạo” giới thiệu qua loa khoảng 5 phút cuối cùng (trong thời lượng 1 ngày). Chúng tôi lại càng băn khoăn: sao không thấy “Cánh Diều” đi trao đổi trực tiếp?

Trong các buổi đó, người giới thiệu (hoặc tác giả) đều nói lên những ưu điểm của từng cuốn sách. Ngoài bản cứng, chúng tôi còn được tiếp cận bản mềm của tất cả các bộ sách. Phương châm của chúng tôi là bỏ qua hết những thắc mắc băn khoăn cá nhân, việc chọn sách điều đầu tiên là phải vì học trò. Tuy Cánh Diều không trao đổi trực tiếp, nhưng chúng tôi đã đọc và cảm nhận, đưa ra thảo luận trong nhóm, tổ chuyên môn, Hội đồng lựa chọn sách giáo khoa của trường bỏ phiếu và đã quyết định lựa chọn sách Cánh Diều.

Về hình thức: Tất cả các bộ sách đều hấp dẫn, bắt mắt. Khi lật mở bên trong, bằng cảm quan, chúng tôi nhận thấy bộ sách Cánh Diều gần gũi, cấu trúc hợp lý, sắp xếp khoa học, các ngữ liệu gần gũi với cuộc sống.

Nội dung có tính kế thừa bộ sách cũ, nhưng lại giảm tải và có nhiều đổi mới tích cực, giáo viên có thể vận dụng nhiều phương pháp dạy học tích cực hiệu quả phù hợp với xu thế chung, phần đổi mới cũng rất vừa sức với học sinh, dễ dạy dễ học. Nguồn tài nguyên giáo dục đa dạng phong phú, phù hợp với tâm sinh lý, lứa tuổi, thích hợp với mọi vùng miền.

Một lý do nữa: Trong giáo dục, chúng ta vẫn kêu gọi xã hội hoá để giảm bớt gánh nặng ngân sách cho Nhà nước. Thì Cánh Diều là bộ sách xã hội hoá đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm này, hoàn toàn không sử dụng vốn của Nhà nước. Điều này có thể lý giải phần nào việc “Kết nối tri thức với cuộc sống” đã in luôn giá tiền trên bìa sách, còn “Cánh Diều” thì đề “sách không bán”, và “Chân trời sáng tạo” để trống phần giá.

Chúng tôi thấy sách Cánh Diều do giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chủ biên (Ông cũng là tổng chủ biên chương trình sách giáo khoa mới) nên rất sát với yêu cầu của chương trình đổi mới. Cho con học sách Cánh Diều, chúng tôi hoàn toàn yên tâm. Sách Cánh Diều lớp 1 đã từng bị “đánh hội đồng”, nhưng các nhà biên soạn đã rất cầu thị tiếp thu và nhanh chóng khắc phục những nhược điểm để hoàn thiện hơn. (Có thể nói là “vàng ròng đã qua thử lửa”).  

Bộ sách nào cũng có những ưu nhược điểm nhất định, nhưng với quan điểm “một chương trinh nhiều bộ sách” như hiện nay, nguồn học liệu của giáo viên và học sinh rất mở, phong phú. Giáo viên có thể chọn 1 bộ để dạy nhưng vẫn có thể tham khảo bộ khác để làm phong phú thêm nguồn học liệu của mình. Mặt khác, quan điểm “một chương trình, nhiều bộ sách” cũng mang lại sự cạnh tranh lành mạnh, buộc các tác giả phải bỏ nhiều tâm huyết vào đứa con tinh thần của mình để đưa sách đến được tay thầy và trò các trường.

Chọn Cánh Diều, nhưng chúng tôi vẫn luôn mong muốn có thêm nhiều bộ sách thật sự đáp ứng được mong mỏi của thầy và trò, để việc dạy và học được thuận lợi, và cũng đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện về giáo dục, thực hiện được phương châm “một chương trình , nhiều bộ sách”.

Thời điểm lựa chọn sách giáo khoa đang ở giai đoạn nước rút, chỉ vài tháng nữa thôi, từng tỉnh thành sẽ biết con em mình được học bộ sách nào. Nhưng giá như chia nhỏ ra, mỗi quận huyện được quyền chọn lựa, thì sẽ sát với thực tế vùng miền, hiệu quả sẽ cao hơn nhiều.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ