Hợp tác giữa Nga và Triều Tiên - những người anh em cùng hứng chịu lệnh trừng phạt được cho là đã phát triển gần lên tới mức đồng minh, thể hiện rõ qua những chương trình trao đổi gần đây.
Chương trình hợp tác giữa Nga và Triều Tiên được cho là bắt đầu vào tháng 6 năm 2022, các quan chức Bình Nhưỡng khi đó đã tham dự cuộc họp tại Bộ Ngoại giao Nga.
Tại đây họ đã thảo luận về vai trò của mình đối với đối tác, trong đó đại diện của Bình Nhưỡng được cho là muốn tiếp cận với vũ khí phương Tây bị quân đội Nga thu giữ.
Trong số các điều khoản trao đổi, vào tháng 8 năm 2022, có thông tin cho biết Triều Tiên đề nghị cung cấp cho Moskva “100.000 tình nguyện viên”, báo chí quốc tế khi đó đã đăng tải thông tin này với sự quan tâm lớn.
Tới tháng 9 năm 2022, các quan chức chính phủ Mỹ cáo buộc Nga đang mua hàng triệu quả đạn pháo và tên lửa từ Triều Tiên.
Sang tháng 11/2022, Washington một lần nữa nói với báo chí rằng Bình Nhưỡng đang bí mật gửi một số lượng đáng kể đạn pháo cho Nga.
Ông John Kirby - người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho biết bản thân không rõ liệu đạn dược có đến Nga vào thời điểm đó hay không:
“Thông tin của chúng tôi chỉ ra rằng họ đang cố gắng che giấu phương thức cung cấp bằng cách chuyển chúng qua các quốc gia khác ở Trung Đông và Bắc Phi”.
Iran có thể là mối liên hệ, mặc dù Syria cũng là một khả năng khác. Khi đó Tehran đã bắt đầu cung cấp máy bay không người lái cho Nga, vậy tại sao họ không thể là trạm trung chuyển đạn dược của Triều Tiên vào Nga?
Tiếp theo, vào tháng 12/2022, hình ảnh được công bố rộng rãi cho thấy Triều Tiên có thể đã gửi các chuyến hàng đến Nga bằng tuyến đường sắt chạy giữa hai quốc gia.
Vì vậy theo các chuyên gia nhận định có vẻ như ít nhất là ở thời điểm hiện tại, Bình Nhưỡng đã chuyển vũ khí và nhận các khoản thanh toán trao đổi hàng hóa của Nga qua hai tuyến đường - Trung Đông (có thể qua Iran và/hoặc Syria) và trực tiếp qua hệ thống đường sắt.
Nhà Trắng xác nhận vào tháng 12/2022 rằng Triều Tiên đã thực hiện chuyến hàng vũ khí đầu tiên cho tập đoàn quân sự tư nhân Wagner và nhiều thiết bị hơn sẽ được giao trong tương lai.
Mảnh vỡ được cho là tên lửa đạn đạo KN-23 do Triều Tiên sản xuất được tìm thấy trên lãnh thổ Ukraine. |
Tháng 1 năm 2023, ông Kirby nói rằng Triều Tiên tiếp tục cung cấp đạn dược cho Nga và Hội đồng An ninh Quốc gia đã công bố hình ảnh các toa tàu chứa đầy vũ khí.
Theo ghi nhận, giao thông đường sắt giữa Triều Tiên và Nga gia tăng đáng kể. Bình Nhưỡng được cho là đang nhận dầu, khí đốt và bột mì của Moskva để thanh toán những đợt giao vũ khí ban đầu.
Vào tháng 8/2023, Bộ Tài chính Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với một số thực thể và cá nhân ở Nga bị cáo buộc hợp tác với Triều Tiên để nhập khẩu vũ khí.
Được biết, các cá nhân và tổ chức bị trừng phạt đã mua hơn hai chục loại vũ khí, đạn dược, và dùng hàng hóa để thanh toán.
Ngày 20 tháng 7, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục trừng phạt một số thực thể của Nga và một đại lý vũ khí của Triều Tiên, vì đã tham gia cung cấp vũ khí cho Tập đoàn Wagner.
Bắt đầu từ năm 2022, Triều Tiên và Nga đã thiết lập các thỏa thuận quân sự, dẫn đến việc giao vũ khí và đạn dược thông thường cho Nga. Hợp đồng này vẫn còn hiệu lực và có thể sẽ tiếp tục chừng nào Nga tiếp tục cuộc chiến tại Ukraine.
Triều Tiên bị cáo buộc đang sử dụng cả phương tiện vận tải đường sắt và hàng hải để đưa vũ khí và đạn dược vào Nga nhằm hỗ trợ đồng minh.
Như vậy, chúng ta đang chứng kiến một kiểu quan hệ mới giữa Triều Tiên và Nga. Moskva cung cấp tài nguyên và thực phẩm rất cần thiết cho Bình Nhưỡng, còn đối tác bán thiết bị quân sự cần thiết khi lực lượng Nga chịu thương vong nặng nề và mạng lưới tiếp tế đang gặp khó khăn.
Giới phân tích phương Tây cho rằng khi mối quan hệ này tiếp tục phát triển, các biện pháp nhằm ngăn chặn việc chuyển giao vũ khí phải được thảo luận kỹ.
Tên lửa đạn đạo KN-23 do Triều Tiên sản xuất được xem như bản sao từ Iskander-M của Nga. |