Sinh viên Trung Quốc đến châu Âu du học

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Vấn đề địa chính trị, chí phí cao, khó xin thị thực là những lý do khiến sinh viên Trung Quốc rời bỏ điểm đến du học Mỹ, Anh.

Sinh viên Trung Quốc theo học tại Đức. Ảnh: DW
Sinh viên Trung Quốc theo học tại Đức. Ảnh: DW

Thay vào đó, Hà Lan, Đức hay Ireland... đang chứng kiến số lượng du học sinh Trung Quốc tăng vọt.

Trong 3 năm qua, số lượng sinh viên Trung Quốc tại Mỹ giảm. Nhiều sinh viên thành tích học tập tốt đã không chọn Mỹ mà nộp hồ sơ học tập tại các quốc gia châu Âu.

Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như vấn đề địa chính trị, chí phí học tập lẫn sinh hoạt cao, khó xin thị thực... Trong khi đó, người trẻ Trung Quốc được truyền cảm hứng học tập tại châu Âu từ những tấm gương thành công địa phương.

Đơn cử, ông Wan Gang, người được coi là “cha đẻ của xe điện Trung Quốc”, đã học tập tại Đại học Kỹ thuật Clausthal, Đức, năm 1985. Sau khi lấy bằng tiến sĩ và làm việc cho tập đoàn ô tô Audi, ông trở về nước và trở thành hiệu trưởng Đại học Tongji. Năm 2004, ông Wan được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ.

Tương tự, năm 1984, ông Chen Zhu học tiến sĩ tại Đại học Paris Diderot, Pháp. Sau này, ông về nước và trở thành Bộ trưởng Y tế.

Tại Hà Lan, theo dữ liệu của Bộ Giáo dục, khoảng 5.610 sinh viên Trung Quốc đang theo học trong năm 2022 – 2023, tăng 5,3% so với năm ngoái. Còn tại Tây Ban Nha, 12.571 sinh viên Trung Quốc theo học vào năm 2020, tăng gần gấp đôi so với năm 2015.

Theo dữ liệu của Cơ quan Trao đổi học thuật Đức (DAAD), trong 10 năm qua, sinh viên đến từ Trung Quốc là bộ phận quan trọng, đóng góp lớn vào số lượng sinh viên quốc tế tại quốc gia này. Một nửa trong số họ theo đuổi các ngành kỹ thuật.

Sinh viên người Trung Quốc Bian đang học tiếng Đức để chuẩn bị nộp hồ sơ học thạc sĩ tại đất nước này vào năm 2024. Nữ sinh cho biết cô đã loại Mỹ, Anh từ đầu vì học phí, chi phí sinh hoạt đắt đỏ. Ngược lại, Đức có nhiều điểm hấp dẫn như học phí thấp hoặc miễn học phí, môi trường xã hội ổn định, giàu văn hoá...

Bà Eva, quản lý các chương trình nghiên cứu châu Âu tại một cơ quan du học Trung Quốc, nhìn nhận so với những điểm đến du học phổ biến như Mỹ, Anh, các quốc gia châu Âu có lợi thế riêng về ngành học. Ví dụ, Đức nổi tiếng với các chương trình kỹ thuật cơ khí, điện tử trong khi Pháp dẫn đầu toàn cầu về giáo dục toán học, nghệ thuật. Hungary có chương trình đào tạo y khoa toàn diện.

Ngoài ra, trong các chương trình đào tạo bằng tiếng Anh tại châu Âu thì chương trình học của Ireland là hấp dẫn nhất vì tỷ lệ sinh viên trong nước lẫn quốc tế có việc làm rất cao. Đây là lợi thế đối với sinh viên Trung Quốc phải đối mặt với mức độ cạnh tranh gay gắt trong thị trường việc làm trong nước.

Sở hữu đặc điểm địa lý thuận lợi, thuế thấp, đội ngũ nhân tài công nghệ trẻ, Ireland đang là trung tâm sản xuất sinh học quốc tế. Nơi đây có hơn 85 công ty dược phẩm sinh học đa quốc gia và hơn 300 công ty công nghệ y tế địa phương, trao nhiều cơ hội việc làm.

Dù châu Âu hiện nay là địa điểm du học được nhiều sinh viên Trung Quốc lựa chọn nhưng việc ứng tuyển vào các trường đại học không dễ dàng. Sau khi trúng tuyển, sinh viên cũng phải trải qua quá trình rèn luyện, học tập khó khăn vì yêu cầu đầu ra nghiêm ngặt. Nhưng vì thế, chất lượng bằng cấp tại châu Âu có giá trị cao và được công nhận cho toàn cầu. Điều này khiến dù nhiều gia đình Trung Quốc không còn nhiệt tình với du học vẫn cho phép con ra nước ngoài.

Theo SCMP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiêm kích F-35B.

Loạt sai sót và lỗi gây tai họa cho F-35

GD&TĐ - Một báo cáo của Lầu Năm Góc tiết lộ chương trình F-35 đã gặp nhiều vấn đề, khó khăn về độ tin cậy và kéo dài thời gian khắc phục với lỗi nghiêm trọng.