Lễ chùa đầu năm-nét đẹp trong đời sống tâm linh người Việt

Lễ chùa đầu năm-nét đẹp trong đời sống tâm linh người Việt

(GD&TĐ) – Đã thành một nét đẹp truyền thống của người Việt, đầu năm mới, sau thời khắc giao thừa, nhiều gia đình đã cùng nhau đi lế chùa cầu chúc một năm mới nhiều điều an lành, may mắn.

Ở Việt Nam, đi lễ chùa vào thời khắc giao thời giữa năm cũ và năm mới được gọi là “Tống cựu nghinh tân” (tiễn năm cũ, đón năm mới). Theo tín ngưỡng của người Việt, đi chùa vào đêm giao thừa để cầu phúc cầu may, để xin Phật, Thần phù hộ độ trì cho bản thân và cho gia đình. Thông thường, sau khi vãn bữa cơm chiều tất niên, những người phụ nữ trong gia đình sẽ chuẩn bị lễ đi chùa. Nải chuối, một lễ trầu cau, thêm mấy đồng tiền mới, xôi hoặc oản... tất cả được bày lên mâm sẵn sàng. Khi đã chuẩn bị xong mâm lễ, các cụ, các bà khăn áo tươm tất đi trước, con dâu, con gái đi sau bê lễ cùng đến một ngôi chùa gần nhà cầu phúc. Cũng có rất nhiều Phật tử cao tuổi thường đến chùa từ sớm để cùng nhà chùa sửa sang, dọn dẹp cho đẹp để đón những du khách đến cửa chùa.

Với quan niệm đi lễ chùa trước tiên phải đến những chùa gần, chị Nguyễn Thị Kim Oanh (TP Thái Bình) cho biết: Việc đầu tiên gia đình tôi làm trong năm mới là đi lễ chùa. Đúng ngày mồng 3 Tết hàng năm, cả gia đình lên chùa Keo (Thái Bình) cầu phúc, lộc, bình an... Mong một năm mới thuận buồm xuôi gió. Bên cạnh đó, lễ chùa đầu năm còn là một nét văn hóa độc đáo của người Việt. Tôi muốn các con tôi biết được điều này, giúp chúng biết thêm nét văn hóa truyền thống của dân tộc, bổ sung thêm kiến thức lịch sử. Song, quan trọng nhất là mỗi người tìm được chút thư thái cho tâm hồn sau một năm làm việc bận rộn.
       
Người Việt tin rằng, đi lễ chùa không đơn thuần chỉ dừng lại ở việc ước nguyện, “cầu được, ước thấy”, mà ở đó con người ta có được giây phút quý giá để hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại sau lưng bao nhọc nhằn, vất vả của cuộc sống mưu sinh đời thường. Chính vì vậy, mỗi khi đặt chân đến chốn chùa chiền, bất kỳ ai cũng có cảm giác thong dong, nhẹ nhàng, tìm về với cội nguồn dân tộc.Từ lâu với người Việt, đi chùa đầu năm đã ăn sâu trong tiềm thức, đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống, tạo nên bức tranh đa sắc trong nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Đi lễ đầu xuân không chỉ để thỏa cõi tâm linh, còn là dịp để du ngoạn thưởng lãm cảnh đẹp, nét thanh tịnh chốn linh thiêng trong tiết xuân. Đi lễ đầu xuân đã trở thành hơi thở của cuộc sống, là thói quen, nét đẹp của nền văn hóa, là nơi thể hiện ước mơ ngàn đời của mỗi người, cầu mong mưa thuận, gió hòa, cầu mong một cuộc sống hạnh phúc, an vui, thái bình.

Những điều nên biết khi đi lễ chùa

 - Hãy tranh thủ thời gian để có một chuyến trẩy hội xuân như ý, nhưng cũng không vì ham mê lễ chùa, cầu tài lộc mà đầu tư quá nhiều công sức, tiền của, chiếm dụng cả thời gian thưởng thức các giá trị văn hóa. Tránh bỏ ra quá nhiều tiền của để sắm lễ, vàng mã, rồi lại tốn nhiều công sức để thuê người cúng bái, hóa vàng. -  Nên mặc quần áo gọn gàng, thanh lịch, tránh các trang phục rườm rà, hở hang quá đà, không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Điều này vừa thể hiện sự tôn kính của bạn dành cho tổ tiên, thánh thần vừa tránh những hệ quả xấu phát sinh do sự không hợp lý của trang phục đem lại. - Các nơi tổ chức lễ hội thường tập trung rất đông người, nên cần lưu ý bảo quản tài sản có giá trị. Tốt nhất không nên mang theo quá nhiều tiền, đề phòng trộm cắp, móc túi, thậm chí cướp giật.

-  Tránh xa các dịch vụ “ăn theo” biến tướng do các nhóm người xấu tổ chức như cúng lễ mê tín dị đoan, cờ bạc... Chú ý để không bị kẻ xấu lôi kéo, dụ dỗ, mời chào sử dụng các dịch vụ giá “cắt cổ”. Khi mua bán phải thỏa thuận rành mạch, nên tham khảo các thông tin về điểm đến và các lưu ý cần thiết.

- Mỗi ngôi chùa hay lễ hội nào cũng có những quy tắc ứng xử riêng biệt, căn bản mà bạn cần phải biết và đủ tinh ý, khéo léo để không phạm vào. Hãy tôn trọng và thực hiện các hướng dẫn ở các điểm đến. Ví dụ, vào chùa thì không nên nói chuyện to, đi lại lộn xộn. Chú ý không làm cản trở hoạt động của lễ hội, không chen lấn, xô đẩy hay vô ý có những hành vi bất kính.

Hải Hà

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.