Theo nghề của làng
Cứ đều đặn mỗi sáng, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hằng, 23 tuổi ở Chương Mỹ (Hà Nội) lại mang khoảng 40 - 50 kg thịt lợn vào trung tâm thành phố để bán. Kể về nghề, chị Hằng cho biết, chuẩn bị hàng đi chợ, chồng chị phải dậy từ 3 giờ 30 sáng để thịt lợn, còn mình dậy sau đó là lúc 4 giờ sáng để phụ giúp và làm các công việc khác. Đến 6 giờ sáng là hai vợ chồng đã có mặt tại điểm bán hàng.
Điểm bán được thuê ở trong ngõ nhỏ, tuy nhiên đây là nơi tập trung khá đông dân cư, thuận lợi cho việc bán hàng. Nếu đắt hàng, thì chỉ 10 giờ - 10 giờ 30 là bán hết hàng, hôm nào chậm nhất thì cũng chỉ đến giữa trưa là kết thúc công việc. Sau bán hàng thì nhàn rỗi cả buổi chiều. Trong tương lai, hai vợ chồng dự định sẽ làm thêm các sản phẩm chả, giò.
Theo chị Hằng, ở địa phương có nhiều lò mổ tư nhân và tập trung nhiều đầu mối mua, bán thịt lợn, cung cấp loại thực phẩm này cho các nơi khác, người dân địa phương mang thịt vào trung tâm thành phố để bán như chị Hằng là khá đông. Ngay gia đình chị Hằng cũng có bà con thuê quầy ở phố Khâm Thiên để bán hàng.
Với lợi thế là mấy anh em trong gia đình làm nghề đã nhiều năm, nên chị Hằng có thể lựa chọn được những con lợn ngon, để thuận tiện cho việc bán hàng của vợ chồng chị. Theo nhu cầu tiêu dùng của khách ở khu vực này, mỗi ngày chị Hằng chỉ mang đi chợ khoảng nửa con, chọn chỗ ngon. Các loại thịt thủ, mông, thì không bán được vào ngày thường...
Công việc bán hàng của chị Hằng mới được gần nửa năm, ước tính mỗi tháng cũng thu nhập được khoảng 10 - 12 triệu đồng. Với mức thu nhập này ở địa phương là có thể tạm ổn cho hai vợ chồng. Tuy nhiên trong thời gian tới, nếu họ có con thì mức thu nhập này khó có thể đảm bảo được sinh hoạt của cả nhà.
Thiếu thông tin cần thiết
Trước khi đến với công việc này, chị Hằng đã tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm mầm non, nhưng khi đi làm không được vào biên chế. Chị cũng có thể đi làm tại các trường mầm non tư thục, nhưng ở vùng ngoại thành, lương cô giáo mầm non rất thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu chi tiêu sinh hoạt gia đình… Sẵn có nghề ở địa phương, chính vì vậy, chị Hằng quyết định chuyển nghề.
Mặc dù đã qua đào tạo ở trình độ cao đẳng, nhưng thực tế lại không thể sống được bằng nghề. Tuy nhiên, chị Hằng cho rằng, không phải cứ đi học nghề gì là phải làm nghề đó, làm gì chung quy lại cũng để kiếm tiền, miễn sao công việc chân chính là được. Với nghề bán thịt, chị Hằng chia sẻ, lúc đầu thì hơi bỡ ngỡ nhưng chỉ sau một thời gian ngắn là quen được, không có khó khăn gì lớn.
Thực tế cho thấy, việc làm trái ngành nghề được đào tạo không phải là chuyện hiếm gặp trong cuộc sống thường ngày. Vấn đề này cũng đã được đề cập rất nhiều trong các báo cáo, nghiên cứu về nguồn nhân lực ở tầm vĩ mô. Tuy nhiên, với câu chuyện của chị Hằng, có thể nhận ra tình trạng thiếu hụt thông tin về hướng nghiệp, việc làm đối với lao động trẻ vẫn còn hiện hữu. Người lao động vẫn đến với những công việc trái ngành một cách thụ động mà gần như thiếu hẳn một định hướng rõ ràng.
Thực trạng này cũng được xem là một bài toán dành cho các cơ quan quản lý chức năng, thúc đẩy công tác truyền thông, để những lao động trẻ có thể tiếp cận thêm nhiều thông tin định hướng, hướng nghiệp, việc làm với các góc độ khác nhau. Qua đó, người lao động có thể tự phân tích, đánh giá năng lực để đi đến sự lựa chọn nghề nghiệp thích hợp cho bản thân, tránh được tình trạng thụ động trong tìm kiếm nghề nghiệp, việc làm.