Mặt tích cực mà Bộ GD&ĐT mang tới cho thí sinh và các trường là điều đã được ghi nhận. Tuy nhiên, trên thực tế, sự thiếu chủ động của các cơ sở GD đã khiến bức tranh phân luồng, hướng nghiệp cho HS (đặc biệt là cấp THPT) vẫn đầy bất cập.
Vẫn nặng tính hình thức
Như một guồng quay định kỳ, hàng năm cứ đến đầu tháng 2 là công tác tư vấn, hướng nghiệp, định hướng ngành nghề cho HS tại các trường THPT lại nở rộ.
Từ trung tâm tư vấn hướng nghiệp, các trường đến báo đài thi nhau tiếp thị, tư vấn bất chấp sự “bội thực” thông tin mà học sinh đang phải hứng chịu.
Thực tế, công tác hướng nghiệp tại các trường THCS, THPT hiện nay trên địa bàn TPHCM vẫn đã và đang thực hiện theo hình thức khoán gọn - tức là giao hẳn trách nhiệm cho giáo viên chủ nhiệm (rất ít trường có đội ngũ tư vấn viên) thực hiện thông qua các buổi sinh hoạt, ngoại khóa, chuyên đề nghề nghiệp với thời gian rất ngắn.
Giáo viên nào tâm huyết thì còn xây dựng hẳn chuyên đề hay cùng với học sinh chia sẻ những kênh thông tin nhân lực, các ngành nghề đang khát lao động trong tương lai, còn không thì vẫn giữ nguyên kiểu làm được chăng hay chớ thông qua vài giờ nói chuyện, thế là hết.
Cô N.H.L - Giáo viên Trường THPT Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM) - thẳng thắn: Nói là thực hiện công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, giúp các em chọn lựa ngành học phù hợp năng lực và sở thích nhưng kỳ thực bản thân giáo viên chúng tôi có được tập huấn gì đâu, mọi thứ cứ làm theo kiểu hiểu biết sao thì khuyên học sinh thế.
Vả lại bây giờ việc tư vấn hướng nghiệp, phân luồng gần như các trường dựa hẳn vào các chương trình tư vấn của các báo đài, trung tâm tư vấn hay các trường ĐH, CĐ… Vì thế, công tác hướng nghiệp khó ăn sâu, bén rễ khi mọi thứ vẫn cứ hời hợt.
Là người tâm huyết với công tác tư vấn hướng nghiệp nhiều năm nay, ông Nguyễn Quốc Cường - Chuyên viên tư vấn tuyển sinh của Bộ GD&ĐT tại TPHCM - cũng nhìn nhận:
Công tác hướng nghiệp, phân luồng tại TPHCM đang còn quá nhiều lúng túng. Nguyên nhân là các trường đang thiếu một hướng đi hay một mục tiêu cụ thể; quan trọng hơn nó thiếu sự định hướng từ ngành khi công tác phân luồng chưa thật gắn với các chỉ số, nhu cầu nhân lực các ngành nghề tại địa phương.
“Hiện nay, tại các buổi tư vấn, hướng nghiệp do các trường ĐH-CĐ hay các trung tâm tư vấn tổ chức, câu hỏi mà học sinh đặt ra nhiều nhất với ban tư vấn là học ngành ấy ra có việc làm hay không? Ngành ấy lương có cao và có cơ hội phát triển hay không?
Đặc biệt, phần nhiều vẫn là những câu hỏi hướng đến các ngành nghề hot, những ngành học của các trường ĐH-CĐ danh tiếng mà rất hiếm có câu hỏi hướng đến việc học nghề, học TCCN… Điều đó cho thấy, công tác hướng nghiệp, phân luồng sau THPT vẫn chưa thật hiệu quả” - Ông Cường chia sẻ.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM - thừa nhận công tác phân luồng HS sau THPT đã có chuyển biến nhưng hiệu quả mong muốn chưa thật cao, sự lúng túng vẫn còn.
Ông cho biết: Ngành GD TP cũng đã có kế hoạch cụ thể, chi tiết cho công tác phân luồng giai đoạn tới bằng đề án “Phân luồng HS sau trung học” chuẩn bị trình UBND TPHCM.
Trong đó, mục tiêu muốn hướng đến từ nay đến năm 2020 là có 30% HS sau THCS vào GD nghề nghiệp, 50% HS nghỉ, bỏ học ở THPT và 60% HS tốt nghiệp THPT vào hệ thống này.
Tới năm 2020, có 100% người lao động phải qua đào tạo, trong đó có 50% trình độ trung cấp trở lên. Nếu UBND TPHCM thông qua đề án này, công tác phân luồng, hướng nghiệp cho HS sẽ sớm được đẩy mạnh.
Cần những giải pháp “đúng” và “trúng”
Cũng theo ông Phạm Ngọc Thanh, để đẩy mạnh hiệu quả của công tác phân luồng đang giậm chân tại chỗ như hiện nay, ngoài việc xây dựng một đề án phân luồng riêng, ngành GD TPHCM cũng đang đẩy mạnh đồng bộ nhiều giải pháp.
Từ việc phối hợp với nhiều trường ĐH, CĐ thực hiện mô hình 9+4 (học nghề liên thông lên bậc CĐ), thành lập Ban chỉ đạo phân luồng HS, đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhà trường, nâng cao hơn nữa trách nhiệm và vai trò của người giáo viên, cán bộ quản lý trong công tác hướng nghiệp, phân luồng, hỗ trợ kinh phí cho HS khi theo học nghề, TCCN….
Bổ sung thông tin liên quan, ông Trần Anh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực (Sở LĐ,TB&XH TPHCM) - cho biết:
Hằng năm có 1/3 HS tốt nghiệp THPT chấp nhận “chờ” kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm sau chứ không học nghề. Một bộ phận khá lớn SV tốt nghiệp không tìm được việc làm (hơn 199.000 người) và có hơn 60% cử nhân, kỹ sư chấp nhận những công việc trái ngành. Điều này vừa tạo gánh nặng cho gia đình, xã hội vừa lãng phí nguồn nhân lực của đất nước.
Vì vậy, công tác hướng nghiệp cho HS là rất quan trọng. Nhưng hướng nghiệp hiệu quả là làm sao cho HS thấy tương lai đang rộng mở, nếu không đủ năng lực thi ĐH thì học cấp thấp hơn rồi sau này học liên thông lên ĐH. Để làm được điều này, không ai khác ngoài đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và bản thân các gia đình.
“Với phương thức tuyển sinh đề cao tính tự chủ cho các trường, sự linh hoạt và tính tự quyết cho HS hiện nay, vai trò của hiệu trưởng sẽ là rất quan trọng.
Hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm sẽ là những “nhạc trưởng” thực thụ - người trực tiếp tác động đến sự thay đổi nhận thức của phụ huynh, học sinh trong hướng nghiệp.
Bởi sẽ không có ai rành HS bằng lực lượng này khi nắm rõ sẽ có bao nhiêu phần trăm HS trường mình học lên THPT, CĐ, ĐH và có bao nhiêu phần trăm HS thích hợp với GDCN hơn” - Ông Tuấn nói.
Ông Huỳnh Anh Bình - Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TPHCM - cũng cho rằng, để giải quyết những trì trệ, lúng túng trong công tác phân luồng hiện nay tại các trường phổ thông, không cách nào khác là phải đánh vào ý thức của HS và phụ huynh.
Giúp họ hiểu hơn về xu hướng ngành nghề trong tương lai của xã hội, giá trị thặng dư và nền tảng mà giai cấp công nhân mang lại cho quá trình kiện toàn, xây dựng và phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng được một đội ngũ chuyên viên, giáo viên chuyên đảm trách công tác tư vấn, hướng nghiệp nhằm giúp họ có kỹ năng (được tập huấn) thuyết giảng, giúp cho HS thấy rõ cái mình cần sẽ đạt được là gì khi chọn con đường học nghề.
Mặt khác, khi phương thức tuyển sinh có nhiều biến chuyển, công tác tập huấn, định hướng, thông tin về thị trường lao động đến đội ngũ tư vấn viên, giáo viên thiếu và yếu… là nguyên nhân khiến công tác phân luồng rối và không hiệu quả.