Làng trẻ em SOS Việt Nam đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất

GD&TĐ -Ngày 9/1/2018, tại Hà Nội, Bộ LĐTBXH đã tổ chức Lễ kỷ niệm 30 xây dựng và phát triển Làng trẻ em SOS Việt Nam và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhất. Tới dự có Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung và các quý vị đại biểu.

Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động Hạng Nhất cho Làng trẻ em SOS Việt Nam
Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao Huân chương Lao động Hạng Nhất cho Làng trẻ em SOS Việt Nam

Ngày 22/12/1987, Bộ LĐTBXH cùng Làng trẻ em SOS Quốc tế ký Hiệp định về việc tiếp nhận tài trợ của Làng trẻ em SOS Quốc tế để xây dựng và phát triển Làng SOS tại Việt Nam, nhằm nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi theo mô hình gia đình thay thế với 4 nguyên tắc của tổ chức Làng SOS Quốc tế là bà mẹ, anh-chị-em, ngôi nhà và cộng đồng làng.

Từ 02 dự án ban đầu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đến nay đã phát triển với gần 70 chương trình và dự án tại 17 tỉnh, thành phố là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Điện Biên, Phú Thọ, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Gia Lai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bến Tre và Cà Mau. Đến nay, 17 Làng trẻ em SOS đã và đang nuôi dưỡng 5.969 trẻ. Trong số này, đã có 2.861 cháu đã trưởng thành, hoà nhập cộng đồng, có việc làm ổn định, trong đó có 806 cháu đã lập gia đình riêng và 3.108 cháu đang được nuôi dưỡng tại 237 nhà gia đình và 12 khu lưu xá thanh niên.

Văn nghệ chào mừng Lễ kỷ niệm
Văn nghệ chào mừng Lễ kỷ niệm

Trong thời gian nuôi dưỡng tại Làng trẻ em SOS, các cháu không chỉ được tạo điều kiện tối đa để học văn hoá, mà còn được tạo điều kiện tham gia học các câu lạc bộ năng khiếu và nhiều hoạt động khác. Điều này nhằm tạo điều kiện cho các cháu phát triển toàn diện, phát huy tốt năng lực, khả năng của mình. Khoảng 70% các cháu sau khi rời sự chăm sóc của Làng trẻ em SOS đều được đào tạo chuyên môn nghề nghiệp ở các trình độ khác nhau. Trong số các cháu đã trưởng thành hòa nhập xã hội có 32,24% cháu có trình độ cao đẳng trở lên, 28,09% có trình độ trung cấp nghề, 22,00% có trình độ sơ cấp nghề, số còn lại (17,67%) lao động phổ thông.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung đã nhấn mạnh: Trong thời gian tới, Làng trẻ em SOS Việt Nam cần nghiên cứu, tổng kết, đánh giá đúc rút những kinh nghiệm hay, thực tiễn tốt, những vẫn đề còn tồn tại, các mặt mạnh, mặt yếu để từ đó có nhiều giải pháp phù hợp làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Các Làng trẻ em SOS cơ sở cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng chăm sóc các cháu, trong đó cần chú trọng trang bị tốt các kiến thức, điều kiện cần thiết cho các cháu trưởng thành trước khi rời sự chăm sóc của Làng trẻ em SOS để hòa nhập xã hội; Nghiên cứu để từng bước mở rộng công tác hỗ trợ tài chính cho công tác chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi tại cộng đồng. Bằng cách này nhiều trẻ em mồ côi sẽ được chăm sóc, nuôi dưỡng và các em sẽ tiếp tục có cơ hội được sống cùng với cha, mẹ hoặc thân nhân.

Cũng theo ông Đào Ngọc Dung, bên cạnh việc quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn tài trợ của Làng trẻ em SOS Quốc tế, Làng trẻ em SOS Việt Nam cần đẩy mạnh các hoạt động vận động quyên góp từ các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong nước. Song song với đó, các tỉnh, thành phố cần có những sự hỗ trợ nhất định về kinh phí cho nuôi dưỡng thường xuyên trẻ em trong các Làng trẻ em SOS cơ sở để chia sẻ với những khó khăn, hạn chế hiện nay của Làng trẻ em SOS quốc tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ