Làng ngư phủ khốn đốn vì giá xăng dầu: 'Nhà giàu cũng khóc'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Xăng dầu tăng giá khiến không chỉ những ngư dân vươn khơi đánh bắt trên biển bị ảnh hưởng mà những cơ sở kinh doanh, chế biển hải sản – được xem như “nhà giàu” cũng phải khốn đốn trăm bề.

Những dòng chữ nhắc lại những kỷ niệm, quyết tâm của lão ngư được viết trên chiếc chân giả.
Những dòng chữ nhắc lại những kỷ niệm, quyết tâm của lão ngư được viết trên chiếc chân giả.

“Nhà giàu cũng khóc”

Về xã Ngư Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) tròn 1 tháng kể từ khi xăng dầu đạt ngưỡng kỷ lục (ngày 21/6, giá dầu Diesel lên 30.019 đồng/lít; dầu hỏa tăng lên 28.785 đồng/lít), dù đã 12 giờ trưa nhưng khu bến Giã Nghệ của xã vẫn đông nghịt người.

Họ tụ tập từng tốp 5 đến 10 người trên những chòi canh được dựng nhô ra ngoài bãi biển để bàn tán một chủ đề xuyên suốt đó là giá xăng dầu thời điểm lúc 15 giờ chiều hôm đó (ngày 21/7) sẽ được điều chỉnh ra sao? Tăng hay giảm như nào? Mức giá ấy có thể đưa tàu vươn khơi được không?

Nhóm người chờ tàu đánh bắt trong ngày về để thu mua hải sản.

Nhóm người chờ tàu đánh bắt trong ngày về để thu mua hải sản.

Qua những cuộc trò chuyện với người dân, PV nhận thấy, giá xăng dầu tăng phi mã thời gian trước không chỉ khiến những ngư dân vươn khơi, bám biển khốn đốn mà ngay cả những người làm về nghề chế biến hải sản cũng đau đầu.

Những người này chuyên thu mua hải sản sau mỗi chuyến đi biển của ngư dân sau đó chế biến bán lại cho các đầu mối để ăn phần chênh lệch. Một ngư dân cho biết, những người làm nghề chế biến hải sản không vất vả, nguy hiểm như những ngư dân bám biển mà kinh tế lại ổn định hơn, giàu hơn. Tuy nhiên, kể từ thời điểm xăng dầu tăng giá thì “nhà giàu cũng khóc”.

Xăng dầu tăng mạnh kéo theo các cơ sở kinh doanh, chế biển hải sản cũng bị ảnh hưởng.

Xăng dầu tăng mạnh kéo theo các cơ sở kinh doanh, chế biển hải sản cũng bị ảnh hưởng.

Một người dân làm nghề chế biến hải sản ở Ngư Lộc nói rằng, giá xăng tăng cao đồng nghĩa với việc số lượng ngư dân vươn khơi hạn chế đáng kể, dẫn đến nguồn hàng cung cấp cho những người làm nghề chế biến cũng bị sụt giảm nghiêm trọng.

“Chưa kể, nhiều ngư dân nói do giá xăng dầu tăng cao nên giá các loại hải sản cũng bị đẩy lên từ đó dẫn đến việc chúng tôi cũng phải tăng giá theo gây ảnh hưởng đến các mối làm ăn lâu năm. Thậm chí, có cơ sở chế biến phải chấp nhận giữ giá để giữ mối làm ăn. Chưa kể, đó là giá xăng dầu tăng cũng khiến chi phí vận chuyển hàng hóa cũng tăng lên theo”, người dân làm nghề chế biến hải sản cho hay.

Chế biến hải sản tại xã Ngư Lộc.

Chế biến hải sản tại xã Ngư Lộc.

Ông Thái Bá Quảng (60 tuổi, trú tại xã Ngư Lộc) nhiều năm nay không còn đi biển được thường xuyên. Để đảm bảo kinh tế gia đình, ông Quảng cùng vợ cũng chọn nghề chế biến hải sản để làm. Tuy nhiên, cũng giống như những người làm về nghề chế biến khác của xã Ngư Lộc, công việc, thu nhập của gia đình ông cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi “bão giá xăng dầu” càn quét qua.

“Công mua, công chế biến, rồi phơi 3 nắng mà tính ra mỗi yến chỉ lãi được vài trăm nghìn. Vất vả thế nhưng nếu không làm thì không có ăn, chẳng lẽ lại ngồi chơi”, ông Quảng Buồn bã.

Ông Thái Bá Quảng chia sẻ khó khăn, vất vả của các cơ sở chế biến hải sản khi giá xăng dầu tăng cao.

Ông Thái Bá Quảng chia sẻ khó khăn, vất vả của các cơ sở chế biến hải sản khi giá xăng dầu tăng cao.

Theo ông Nguyễn Văn Quang - Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, trên địa bàn xã hiện có hơn 50 cơ sở và hộ kinh doanh chế biến hải sản. Các sản phẩm chủ yếu là hải sản khô, đông lạnh, như: tôm nõn, cá thu nướng, nước mắm, mắm tôm... Trước đây, giá nghiên liệu ổn định, các cơ sở kinh doanh, chế biến hải sản tạo điều kiện cho hàng trăm lao động địa phương có việc làm, thu nhập ổn định. Tuy nhiên, dưới tác động chung của giá xăng dầu những cơ sở này cũng bị ảnh hưởng không nhỏ.

Gửi máu, xương nơi biển cả

Xã Ngư Lộc hướng mặt ra phía biển. Đất chật, người đông, nhà ở chen chúc, không một đất canh tác nông nghiệp nên người dân nơi đây sống không thể thiếu biển, “ngừng chèo treo niêu”.

Biển cho cái tôm, con cá giúp đời sống người dân được cải thiện nhưng biển cũng lấy đi bao nhiêu mạng người. Đến giờ, người dân xã Ngư Lộc vẫn luôn lưu truyền một câu chuyện đầy tang thương vào năm Tân Mùi (năm 1931).

Miếu kỉ niệm năm bão gõ (thờ 344 ngư dân tử nạn trên biển năm 1931).
Miếu kỉ niệm năm bão gõ (thờ 344 ngư dân tử nạn trên biển năm 1931).

Năm ấy, trận bão kinh hoàng bất ngờ ập vào vùng biển Ngư Lộc phá hủy và nhấn chìm hầu như toàn bộ thuyền bè đánh bắt ngoài khơi của ngư dân. Trận bão khiến hàng trăm ngư dân vĩnh viễn không trở về. Người dân xã Ngư Lộc đã phải lập một miếu thờ cho 344 người con xấu số.

Ông Thái Bá Quảng trầm tư đẩy chất giọng nhanh và khó nghe của người dân Ngư Lộc: “Giờ phương tiện dự báo thời tiết hiện đại, cập nhật thường xuyên nên con số thương vong do tai nạn khi đánh bắt trên biển giảm xuống lắm rồi chứ không như trước kia”.

Người đàn ông 60 tuổi vừa nói vừa vén ống quần để lộ ra một chiếc chân bên trái được làm giả. Ông Quảng chỉ vào chiếc chân giả của mình và bảo đây là minh chứng rõ ràng nhất cho sự vất vả của nghề biển. 4 lần gặp nạn trên biển không quật ngã được ông Quảng nhưng đã vĩnh viễn lấy đi của ông một chiếc chân trái.

Mất 1 chân sau vụ tai nạn khi đi biển khiến ông Quảng không thể theo tàu vươn khơi.

Mất 1 chân sau vụ tai nạn khi đi biển khiến ông Quảng không thể theo tàu vươn khơi.

Hướng ánh mắt buồn ra phía biển cả bao la, ông Quảng kể bản thân bắt đầu ra khơi từ năm 16 tuổi. Hơn 40 năm lênh đênh trên biển, không ít lần ông chết hụt bởi gặp tai nạn và gió bão. Lão ngư vẫn nhớ như in từng ngày tháng bản thân gặp nạn, rồi bị thương ra sao, quãng thời gian phải điều trị sau mỗi lần như thế nào?

“Có lần gặp cơn bão lớn, tàu của tôi bị sóng đánh tả tơi. Chúng tôi bất lực mặc cho số phận, sau mấy ngày bị sóng gió quăng quật, tất cả lả đi. May mắn khi tỉnh lại, thuyền đã trôi dạt vào vịnh”, ông Quảng kể lại.

Hơn 40 năm đi biển, 3 lần bị thương và 18 tháng nghỉ đi biển để điều trị vết thương nhưng với biển cả, nghề đi biển, ông Quảng có một tình yêu mãnh liệt. Và rồi cũng chính chính thứ tình yêu không biết gọi tên sao cho đúng đó đã khiến ông vĩnh viễn mất đi một chiếc chân trái.

Ông Quảng chia sẻ về những khó khăn, vất vả của nghề đi biển.

Ông Quảng chia sẻ về những khó khăn, vất vả của nghề đi biển.

Đó là một buổi chiều cách đây 3 năm. Hôm đó, ông Quảng cũng 2 ngư dân khác vươn khơi đánh bắt tại vùng biển giáp với tỉnh Thái Bình. Khoảng 3h30’, ông Quảng đang đứng cào cá, do không có sự phối hợp tốt với người điều khiền tàu nên chân trái của ông đã bị cuốn vào dây chão.

Ông Quảng chỉ nhớ cả thân thể bị kéo vút lên cao cho đến khi rơi xuống. Khi tỉnh dậy, ông Quảng thấy một bên chân của mình đã nát bét, đau nhói. Ông Quảng sau đó được những tàu khác hộ tống đưa vào đất liền để cấp cứu. Mặc dù chiếc chân gặp nạn của ông được chẩn đoán có cơ hội phục hồi nhưng lão ngư phủ vẫn lựa chọn cắt bỏ chiếc chân này.

“Bác sĩ bảo rằng chân trái của tôi bị tổn thương nặng quá, sẽ có cơ hội phục hồi như mất rất nhiều thời gian. Trong khi đó, nguy cơ bị nhiễm trùng dẫn đến phải tháo khớp dễ xảy ra. Sau khi suy nghĩ, tôi đã quyết định cắt bỏ chiếc chân này”, ông Quảng nhớ lại.

Mỗi khi nhớ nghề, ông Quảng lại ra bờ biển ngồi nhớ về những ngày tháng theo tàu vươn khơi.

Mỗi khi nhớ nghề, ông Quảng lại ra bờ biển ngồi nhớ về những ngày tháng theo tàu vươn khơi.

Đối mặt với thực tế sẽ mất đi chiếc chân bên trái nhưng vào thời khắc đó, ông Quảng không buồn. Ông bảo bản thân đã chấp nhận chọn nghề biển là phải đương đầu với khó khăn, thử thách, thậm chí sẽ phải mất đi cả tính mạng. Ông Quảng may mắn khi vẫn còn được trở về thì “việc mất đi một phần thân thể có là gì”, lão ngư phủ bộc bạch.

Chứng kiến thương tích trên cơ thể ông Quảng, vợ và con ông khi vào thăm đã bật khóc nhưng lão ngư ngăn ngay lại. Ông Quảng bảo “nước mắt chỉ để dành cho thời khắc sinh ly, tử biệt, bản thân ông vẫn còn sống hà cớ gì vợ con lại phải rơi nước mắt”.

Tai nạn năm ấy khiến ông Quảng phải nghỉ dưỡng thương hơn 1 năm và không thể đi những chuyến dài ngày như trước kia được nữa. Điều này khiến lão ngư Thái Bá Quảng tiếc lắm. Đôi khi nhớ biển, nhớ nghề, ông lại xin đi những chuyến trong ngày.

“Đi như vậy tôi chỉ có thể lái tàu được thôi chứ những công việc khác không làm được nữa”, ông Quảng bộc bạch.

Những dòng chữ nhắc lại những kỷ niệm, quyết tâm của lão ngư được viết trên chiếc chân giả.

Những dòng chữ nhắc lại những kỷ niệm, quyết tâm của lão ngư được viết trên chiếc chân giả.

Mất một chân, không thể ra khơi thường xuyên, ông Quảng và vợ chọn công việc mua lại tôm cá của ngư dân, chế biến và bán lại cho các thương lái. Với nghề này, thời điểm xăng dầu chưa lên cao, mỗi ngày vợ chồng ông cũng kiếm được vài trăm nghìn để trang trải cuộc sống.

Ở tuổi 60, sức khỏe giảm sút nhưng nhìn những người bạn vẫn ngày đêm căng buồm đưa thuyền vươn khơi ông Quảng buồn lắm. Như để ghi dấu những kỷ niệm của nghề biển, ông viết lên chiếc chân giả dòng chữ: “Thái Quảng tôi phải sống những ngày tháng còn lại như những con người bình thường nhất” và “Tôi trải qua 4 lần tai nạn và 2 lần gãy chân và mất 1 chân trái. Tôi không hề lùi bước và sẵn sàng chịu đựng, khắc phục”.

Lê đôi chân tập tễnh bê tấm phên phơi cá ra chỗ nắng, ông Quảng bảo những khi “trái gió trở trời”, phần còn lại của chiếc chân bị cắt bỏ lại giật lên khiến ông đau thấu xương. Đó là vết thương quá lớn mà nghề biển đã đáp lại tình yêu của ông. “Giờ đây không đi biển được nữa mới thấy nhớ nghề. Nếu bây giờ chân tay tôi lành lặn, chắc vẫn đủ sức khỏe vươn khơi nhiều năm nữa”, ông Quảng buồn buồn chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ