Làng ngư phủ khốn đốn vì giá xăng dầu: Những chuyến tàu 'đói'

GD&TĐ - Không một diện tích đất nông nghiệp, người dân xã Ngư Lộc phần đa mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy hải sản. Thế nhưng, phần lớn tàu thuyền phải "đắp chiếu", ngư dân mắc nợ vì bão giá xăng dầu.

Giá xăng tăng khiến cuộc sống của nhiều ngư dân tại Diêm Phố trở nên khốn đốn.
Giá xăng tăng khiến cuộc sống của nhiều ngư dân tại Diêm Phố trở nên khốn đốn.

Những chuyến tàu “đói”

Diêm Phố (tên gọi khác của xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) mùa này biển yên, trời nắng đẹp nhưng kém tấp nập hơn mọi năm. Một góc chợ Diêm Phố, hoạt động mua bán thủy hải sản vẫn diễn ra nhưng không ồn ào, rộn rã như trước.

Dọc những chòi canh được dựng nhô ra ngoài bãi biển, số lượng người dân tụ tập vẫn đông đúc nhưng không khí kém đi phần vui tươi, hồ hởi như cảnh đợi thuyền đánh bắt về trước kia.

Thời tiết đẹp, biển lặng nhưng nhiều tàu thuyền của người dân ở Diêm Phố không thể ra khơi vì giá xăng tăng.

Thời tiết đẹp, biển lặng nhưng nhiều tàu thuyền của người dân ở Diêm Phố không thể ra khơi vì giá xăng tăng.

Dưới bờ biển, lác đác một vài tiểu thương đứng chờ thu mua hải sản của những tàu vươn khơi chuẩn bị cập bến. Mùa này biển yên, thời tiết đẹp nhưng số lượng tàu neo đậu tại bến lại đông đến bất thường. Bão giá xăng dầu quét qua khiến địa phương có phần đa số hộ dân sống bằng nghề đi biển trở nên lao đao.

Trên một chiếc chòi canh, anh Ngô Văn Khỏe (SN 1979, trú tại thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc) đánh ánh mắt nheo nheo hướng ra ngoài khơi xa, nơi có những con thuyền đang dập dềnh trên sóng nước. Tháng này, con thuyền của gia đình anh Khỏe vươn khơi chỉ được độ vài lần.

Anh Khỏe bảo, bản thân đi biển từ năm 10 tuổi đến tận bây giờ nhưng chưa thấy năm nào giá nhiên liệu tăng đến mức người dân phải “gác tàu” như năm nay. “Đáng tiếc nữa là năm nay biển lặng, sóng yên, cá tôm nhiều nhưng không thể đưa tàu ra để đánh bắt được”, người đàn ông 43 tuổi thở dài ngao ngán.

Anh Ngô Văn Khỏe chia sẻ với PV về tác động của giá xăng dầu đối với nghề đi biển.

Anh Ngô Văn Khỏe chia sẻ với PV về tác động của giá xăng dầu đối với nghề đi biển.

Cái sự giá nhiên liệu tăng cao ngất ngưởng khiến không chỉ anh Khỏe mà tất cả những người gắn bó với nghề đi biển ở Diêm Phố này đều phải đắn đo lựa chọn giữa đi hay ở. “Nhà tôi có một tàu nhỏ dùng để đánh bắt theo ngày. Mỗi lần ra khơi, tàu “ăn 50kg nhiên liệu (dầu Mazut). Ở cái thời điểm giá nhiên liệu tăng đến 30.600 đồng/kg, ra khơi chắc chắn sẽ lỗ”, anh Khỏe kể.

Người ngư dân này tính toán chi ly hơn: “Tàu của tôi là tàu nhỏ, 3 – 4 anh em ra khơi một lần. Chúng tôi xuất phát từ 2h sáng đến khoảng 10h thì đưa thuyền về. Ngày trước, giá nhiên liệu rẻ, mỗi chuyến như thế trừ chi phí mỗi anh em cũng được khoảng vài trăm nghìn, ngày nào trời cho hoặc “trúng quả” thì được cả bạc triệu nhưng giờ muốn ra khơi sơ sơ ban đầu cũng mất mấy triệu bạc trong khi đánh bắt gần bờ hải sản cũng hạn chế và sẽ lỗ”.

Nhiều người dân tại Diêm phố đã rơi vào cảnh mất việc thời kỳ giá xăng dầu "lập đỉnh".

Nhiều người dân tại Diêm phố đã rơi vào cảnh mất việc thời kỳ giá xăng dầu "lập đỉnh".

Đưa một bàn tay lên nhẩm tính, anh Khỏe cho biết vài tháng trở lại đây, số lần con tàu của gia đình anh ra khơi đếm chưa hết 1 bàn tay và lần nào cũng lỗ. Cả gia đình “6 miệng ăn” (2 vợ chồng và 4 người con) cũng lao đao theo giá xăng dầu.

Không còn nghề nào khác trang trải, anh Khỏe và vợ chấp nhận ngồi không phần lớn thời gian. Tiền để trang trải cuộc sống đều phải vay mượn khắp nơi. Thỉnh thoảng, người đàn ông ngoại tứ tuần lại ra những chòi canh dựng cạnh bờ biển để mong ngóng ngày được đưa tàu ra khơi.

Khốn đốn vì giá xăng dầu

Ở Diêm Phố, người ta cứ trêu nhau những người như anh Khỏe còn là may mắn. Phần lớn gia đình có tàu to đều đã phải rao bán nhưng trớ trêu thay mặc dù đã giảm giá kịch sàn nhưng tàu thuyền rao bán vẫn cứ kén người mua.

Từ ngày xăng tăng giá phi mã đến nay, ngày nào ông Đồng Văn Quyết (SN 1969, trú tại xã Ngư Lộc) cũng có mặt tại khu cảng của xã Ngư Lộc để “nếu có người đến xem tàu thì chạy ra cho tiện”. Giá nhiên liệu đắt đỏ, ông Quyết cũng như nhiều người dân khác đành phải “cắn răng” bán đi con tàu mà bản thân ông dành bao tâm huyết.

Ông Đồng Văn Quyết phải "đứt ruột" bán đi chiếc tàu lớn của gia đình do giá xăng dầu tăng.

Ông Đồng Văn Quyết phải "đứt ruột" bán đi chiếc tàu lớn của gia đình do giá xăng dầu tăng.

Tàu của gia đình ông Quyết là loại tàu to dùng để đi biển dài ngày. Theo nhẩm tính của người đàn ông này, để tàu có thể ra khơi, số tiền mà gia đình ông phải bỏ ra lên đến 2 tỷ đồng. Dĩ nhiên, để có số tiền đó, gia đình ông đã phải cầm cố “sổ đỏ” để vay mượn ngân hàng và những người họ hàng. Số tiền lãi phải trả hàng tháng cũng không phải con số nhỏ.

“Trước đây, tàu ra khơi được, công xá mỗi chuyến đi 10 ngày trừ chi phí cũng được khoảng 10 triệu/ Số tiền trên là đủ để gia đình sinh hoạt và trả lãi ngân hàng. Tuy nhiên, từ ngày giá xăng tăng chuyến đi nào cũng lỗ 25 – 30 triệu, thậm chí có chuyến lỗ đến 50 triệu đồng. Đi không công mà lại lỗ nên tôi quyết định không ra khơi. Rồi ngân hàng gọi đóng lãi buộc lòng tôi phải rao bán tàu”, ông Quyết chua chát.

Mặc dù có giá trị thấp hơn thời điểm mới mua rất nhiều nhưng nhiều người vẫn không mặn mà.

Mặc dù có giá trị thấp hơn thời điểm mới mua rất nhiều nhưng nhiều người vẫn không mặn mà.

Cái số tiền mà ông Quyết rao bán con tàu lớn của mình cũng khiến nhiều người phải giật mình khi chỉ dao động khoảng 200 triệu. Theo ông Quyết, giá trị tàu thấp hơn hẳn so với chi phí bỏ ra để sắm sửa là do tàu bị khấu hao sau mỗi chuyến vươn khơi. Với cái giá đó nếu bán được tàu, gia đình ông cũng phải è cổ ra để chịu một đống nợ. Thế nhưng trớ trêu thay, với giá mà ông rao bán, nhiều người cũng không mấy mặn mà.

“Ra khơi với giá nhiên liệu như hiện tại chắc chắn sẽ lỗ, mà lại lỗ nặng. Chi phí bỏ ra mỗi chuyến đi khoảng 10 ngày đã là 100 triệu đồng (gồm 3.000kg dầu Mazut và chi phí ăn ở của nhóm khoảng 5 người trong 10 ngày). Cá, tôm, hải sản dù có nhiều đến đâu vẫn mang lỗ”, ông Quyết chua chát nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ