Làng ngư phủ khốn đốn vì giá xăng dầu: Mong ngày ra khơi, bảo vệ chủ quyền biển đảo

GD&TĐ - Chật vật vì giá xăng dầu, những ngư dân tại xã Ngư Lộc mong muốn được yên tâm bám biển. Sự hiện diện của ngư dân trên biển không chỉ giúp họ để ổn định cuộc sống mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Những ngư dân tại xã Ngư Lộc mong muốn được yên tâm bám biển.
Những ngư dân tại xã Ngư Lộc mong muốn được yên tâm bám biển.

Nhọc nhằn đời ngư phủ

Xã Ngư Lộc là một xã ven biển của huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa) với diện tích chỉ vỏn vẹn 0,47km2. Nơi đây từ lâu đã nổi tiếng là địa phương có mật độ dân số cao nhất Việt Nam.

Đến Ngư Lộc, người ta có thể dễ dàng bắt gặp những ngôi nhà xếp san sát nhau kế bên những con ngõ sâu hun hút. Cảnh tượng sẽ không khác gì lạc chân vào giữa phố cổ Hà Nội ven biển.

Người dân ở đây đùa rằng, nếu là người lạ mới lần đầu đặt chân đến Ngư Lộc, có thể bạn sẽ phải loay hoay cả tiếng để tìm được vị trí mình muốn đến. Đặc biệt, nếu bạn đi bằng ô tô thì coi như “cứng chân” bởi những con đường ở Ngư Lộc sinh ra không phải để dành cho loại phương tiện này.

Giá xăng dầu tăng cao khiến nhiều ngư dân tại xã Ngư Lộc không thể đưa tàu vươn khơi.

Giá xăng dầu tăng cao khiến nhiều ngư dân tại xã Ngư Lộc không thể đưa tàu vươn khơi.

Theo điều tra dân số năm 2019, mật độ dân số của Ngư Lộc là trên 36.000 người/km2. Con số này cao gấp 15 lần Hà Nội và 8,25 lần so với TP. Hồ Chí Minh. Một ví dụ đơn giản khác để thấy được mật độ dân số ở Ngư Lộc đó là quốc gia có mật độ dân số cao nhất thế giới là Monaco cũng chỉ có “khiêm tốn” 19.500 người/km2.

Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc Nguyễn Văn Quang cho biết dân số của xã hiện đã lên đến gần 19.000 người với trên 3.400 hộ dân, trong khi diện tích vẫn không thay đổi. Đất chật, người đông, lại không có lấy một tấc đất nông nghiệp nên từ bao nay, người dân Ngư Lộc sống nhờ biển.

Cái cảnh người dân kéo nhau ra bờ biển với gương mặt hồ hởi chờ những chuyến tàu đầy ắp cá tôm của người thân trở về giờ đây không còn nữa mà thay vào đó là những chiếc thuyền trống neo đậu trên biển chưa biết ngày nào được ra khơi.

Tàu không vươn khơi khiến cuộc sống của những người dân ở xã Ngư Lộc như bà Nguyễn Thị Thanh càng thêm vất vả.

Tàu không vươn khơi khiến cuộc sống của những người dân ở xã Ngư Lộc như bà Nguyễn Thị Thanh càng thêm vất vả.

Khung cảnh ảm đạm ở Ngư Lộc mới chỉ xuất hiện thời gian gần đây, kể từ lúc giá xăng dầu tăng phi mã. Tàu không thể vươn khơi đồng nghĩa với cuộc sống của người dân sẽ lâm vào khốn đốn.

Kể từ ngày xăng dầu tăng giá, tàu không thể ra khơi, cuộc sống của gia đình anh Ngô Văn Khỏe (SN 1979, trú tại thôn Bắc Thọ, xã Ngư Lộc) khó khăn thấy rõ. Số tiền để trang trải cuộc sống đều phải vay mượn khắp nơi. Việc học hành của 4 người con cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong câu chuyện kể với chúng tôi, người đàn ông hơn 40 tuổi bỏ ngỏ câu trả lời khi được hỏi về tương lai của những người con nếu giá xăng dầu vẫn cao như thời điểm hiện tại.

Giữa cái nắng như thiêu như đốt của những ngày hè, không khó để bắt gặp những cậu bé với làn da cháy nắng vừa trở về sau một chuyến đi biển cùng bố.

Dáng người nhỏ thó, mệt nhọc đẩy tấm xốp đựng mấy thùng moi từ thuyền vào bờ, em Trần Văn Hợp (12 tuổi) lạ lẫm, ngượng ngùng khi thấy có người lạ lại gần hỏi chuyện, chụp ảnh.

Con tàu lớn của gia đình ông Triệu Văn Dân đã dừng hoạt động nhiều tháng nay do giá xăng dầu tăng cao.

Con tàu lớn của gia đình ông Triệu Văn Dân đã dừng hoạt động nhiều tháng nay do giá xăng dầu tăng cao.

Chị Hoàng Thị Nguyệt (mẹ em Hợp) đáp thay lời con: “Nhà neo người nên tranh thủ những ngày nghỉ hè cháu ra khơi cùng bố”. Nhà chị Nguyệt có 4 người con, đứa lớn học đến lớp 9 rồi bỏ, 3 đứa con còn lại, trong đó có Hợp đang đi học. Trong cơn “bão giá” xăng dầu, gia đình chị Nguyệt cũng như bao người dân khác ở Ngư Lộc khi được hỏi đều cho biết chưa định hình được cuộc sống của gia đình cũng như tương lai của những người con.

Tuy nhiên, cũng có những người dân vì thấy hiểu được những gian nan vất vả, hiểm nguy rình rập nên đã sớm xác định cho các con không theo nghề biển. Như gia đình ông Triệu Văn Dân có 5 người con, nhà ông Đồng Văn Quyết có 6 người con nhưng tuyệt nhiên không ai “nối nghiệp” bố. Tuy nhiên, những gia đình như gia đình ông Quyết, ông Dân chỉ là số ít ở Ngư Lộc.

Em Trần Văn Hợp đi biển với bố trong những ngày được nghỉ hè.

Em Trần Văn Hợp đi biển với bố trong những ngày được nghỉ hè.

“Nghề đi biển khó khăn thì ai cũng biết, giờ lại thêm giá xăng dầu tăng cao khiến cuộc sống của chúng tôi càng thêm vất vả. Bây giờ, ngư dân như chúng tôi chỉ mong Chính phủ, các cơ quan liên quan sớm có chính sách bình ổn giá xăng, dầu để hỗ trợ ngư dân chúng tôi yên tâm vươn khơi cũng như tạo điều kiện để chúng tôi có thể vay vốn với lãi suất ưu đãi để đầu tư cải tiến phương tiện, ngư cụ... Có như vậy, ngư dân chúng tôi mới yên tâm vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế”, ông Đồng Văn Quyết bộc bạch.

Tạo điều kiện để ngư dân vươn khơi

Theo ông Nguyễn Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết, do đặc thù là địa phương không có đất canh tác nông nghiệp nên nghề biển là nghề chính của người dân nơi đây. Tỷ lệ hộ nghèo trong năm qua cũng giảm, chỉ còn 4,5% và 8,5% hộ cận nghèo.

Toàn xã có khoảng 310 tàu thuyền đánh bắt hải sản với tổng công suất gần 80.000 CV. Trong đó có 150 tàu trên 15m (tàu đánh ngoài khơi).

Đợt xăng cao vừa qua, có khoảng 60% phương tiện nằm bờ, tàu lớn nghỉ hết. Để có được phương tiện đánh cá ngoài khơi, người dân phải mua tàu lớn nhưng do điều kiện kinh tế nên phần lớn vẫn vay mượn.

Những ngư dân ở Ngư Lộc mong muốn giá xăng dầu sớm ổn định để có thể yên tâm bám biển.

Những ngư dân ở Ngư Lộc mong muốn giá xăng dầu sớm ổn định để có thể yên tâm bám biển.

“Nếu mua tàu 1 tỷ đồng, phải vay đến 600 triệu đồng. Đợt vừa rồi, chúng tôi cũng động viên ngư dân ổn định tinh thần và mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ người dân”, ông Quang cho biết.

Cũng theo vị Phó Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, hiện toàn xã vẫn còn hơn 2.500 lao động vẫn ra khơi, bám biển. Trong những năm qua chính quyền địa phương cũng vận động người dân tìm thêm hướng làm ăn khác như xuất khẩu lao động.

Theo ông Quang, nghề đi biển có từ lâu đời nhưng đây là nghề vất vả và rất bấp bênh. Gắn bó với nghề biển là phải thường xuyên đối mặt với những tai ương rình rập từ lòng khơi. Thế nhưng, biển đã ngấm sâu trong máu thịt, người dân Ngư Lộc lại không có đất đai, chỉ có con tàu làm kế sinh nhai, khi không ra biển nghĩa là mất nghề, mất thu nhập.

Những năm qua, để phát huy tiềm năng lợi thế của một xã ven biển, những năm qua Ngư Lộc đã tập trung đầu tư phát triển đa dạng các phương thức đánh bắt và chế biến hải sản. Xã tạo điều kiện hết mức cho các hộ dân có thể vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp, thời gian dài để sản xuất, kinh doanh, đóng tàu lớn đi biển dài ngày.

Sự hiện diện của ngư dân trên biển không chỉ giúp họ để ổn định cuộc sống mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Sự hiện diện của ngư dân trên biển không chỉ giúp họ để ổn định cuộc sống mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Bên cạnh khai thác, trên địa bàn xã hiện có hơn 50 cơ sở và hộ kinh doanh chế biến hải sản. Các sản phẩm chủ yếu là hải sản khô, đông lạnh, như: tôm nõn, cá thu nướng, nước mắm, mắm tôm... tạo điều kiện cho hàng trăm lao động địa phương có việc làm, thu nhập ổn định.

Ngư dân được xem là những “cột mốc sống” giữ chủ quyền trên biển. Họ vừa đánh bắt, vừa là “tai mắt trên biển" ngoài lực lượng chấp pháp. Lãnh đạo nhiều bộ, ngành cho rằng, cần có những chính sách hỗ trợ lâu dài cho ngư dân như giãn trả nợ, hỗ trợ vay vốn hay giảm giá xăng dầu.

Được tiếp sức, ngư dân sẽ mạnh dạn ra khơi. Sự hiện diện của ngư dân trên biển không chỉ giúp họ để ổn định cuộc sống mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.