Làm sao nâng chất dạy học tiếng Anh trong trường học?

GD&TĐ - Trong xu thế hội nhập quốc tế, tiếng Anh là một trong những chìa khóa quan trọng giúp học sinh, sinh viên Việt Nam trở thành công dân toàn cầu.

Một tiết học tiếng Anh của Trường THCS Phan Chu Trinh (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Internet
Một tiết học tiếng Anh của Trường THCS Phan Chu Trinh (Ba Đình, Hà Nội). Ảnh: Internet

Làm sao để nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục và đào tạo trở thành vấn đề được đặc biệt quan tâm.

“Chìa khóa” hội nhập

Đàm Thanh Nhàn, sinh viên năm 2, ngành Ngôn ngữ Trung Quốc, Trường ĐH Mở Hà Nội, muốn học thêm tiếng Anh để gia tăng cơ hội việc làm, có kiến thức, năng lực tra cứu, đọc tài liệu bằng ngôn ngữ này tốt nhất. Giỏi tiếng Anh, Nhàn có thể nhận phiên dịch, làm hướng dẫn viên du lịch part time cho người nước ngoài tại Việt Nam. Công việc sẽ mang tới cho Nhàn thu nhập, cơ hội rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử. Từ trải nghiệm bản thân, Nhàn cho rằng tiếng Anh cần được chú trọng từ nhỏ, các cơ sở giáo dục và đào tạo nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học.

Theo quy định của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Ngoại ngữ là môn học bắt buộc từ lớp 3 đến lớp 12. Trong các ngoại ngữ, tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức của gần 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việc học tiếng Anh trở thành yêu cầu thiết thực.

Ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình, cũng nhìn nhận tiếng Anh như chìa khóa vàng để hội nhập trong thời đại công nghiệp 4.0. Do đó, hàng năm, Sở GD&ĐT đã tham mưu UBND tỉnh Thái Bình ban hành các kế hoạch nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ.

Dạy và học tiếng Anh được thúc đẩy, phát triển thành phong trào trong các trường học tỉnh Thái Bình. Không những thế dạy học tiếng Anh còn được xem như hoạt động thực tiễn, sáng tạo, khơi dậy niềm hứng thú, thái độ học tập nghiêm túc đối với cán bộ giáo viên, học sinh trong các cơ sở giáo dục.

Nguyên tắc “vàng” dạy, học tích cực

Nhấn mạnh đến phương pháp dạy, học tích cực, TS Phạm Lan Anh, Trường ĐH Thủ đô Hà Nội đề cập 6 nguyên tắc cơ bản. Đó là: Khuyến khích học tập tích cực; Thu thập thông tin và nhận xét phản hồi thường xuyên, kịp thời; Tôn trọng sự khác biệt, đa dạng năng lực và cách học; bảo đảm sự thống nhất giữa lý thuyết và thực hành, gắn kết chương trình đào tạo và thực tế nghề nghiệp; Khuyến khích học tập chiêm nghiệm, cải tiến việc học tập; Khuyến khích sự tương tác, cộng tác giữa giảng viên và sinh viên.

Sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội học tiếng Anh. Ảnh: NTCC

Sinh viên Trường ĐH Mở Hà Nội học tiếng Anh. Ảnh: NTCC

Theo TS Phạm Lan Anh, dạy học tích cực là hướng giảng dạy thu hút chú ý và tham gia đầy đủ của người học. Học sinh, sinh viên có thể học bằng cách thông qua bài giảng hoặc trình chiếu truyền thống. Các em có thể suy nghĩ độc lập, chủ động tham gia một cách sáng tạo và học tập hiệu quả.

Học tập tích cực đang thay đổi việc dạy và học tại các trường phổ thông, đại học. Thông qua đào tạo, giáo viên sử dụng chiến lược học tập tích cực và xác định hoạt động nào có thể kích thích sự chủ động của người học. Theo đó, người học sẽ tham gia nhiều hơn và trải nghiệm việc học tập tiếng Anh một cách hào hứng.

Nhờ đó, giảng viên có thể đạt được mục tiêu chương trình giảng dạy tiếng Anh, người học trở nên hợp tác, năng suất và sáng tạo hơn trong hoạt động tiếng Anh nghề nghiệp. Như vậy, người học trong quá trình trau dồi năng lực tiếng Anh vẫn có thể hình thành các trải nghiệm nghề nghiệp và nhận thấy vị trí của môn Tiếng Anh trong việc phát triển nghề nghiệp tương lai.

TS Nguyễn Thị Việt Nga, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, viện dẫn: Hơn 2.000 năm trước, Khổng Tử đã nói “Những gì tôi nghe, tôi sẽ quên. Những gì tôi thấy, tôi sẽ nhớ. Những gì tôi làm, tôi sẽ hiểu”. Tư tưởng này được coi như một trong những nguồn gốc đầu tiên khởi nguồn lý thuyết học tập thông qua trải nghiệm. Áp dụng phương pháp học tập này đòi hỏi giáo viên linh hoạt, sáng tạo bởi thực tế còn nhiều sinh viên gặp khó khi tham gia.

Chẳng hạn với chủ đề hoạt động mạo hiểm, có sinh viên không đủ sức khỏe, kinh phí tham gia thì giáo viên gợi ý thay thế bằng trò chơi trong nhà hoặc thực hiện phương pháp đóng vai. Sự uyển chuyển về phương pháp dạy học là yếu tố cần thiết giúp người học hào hứng, tích cực và có dữ liệu viết về trải nghiệm theo yêu cầu.

Ngoài ra, quan điểm và cách nhìn nhận của giáo viên cũng không thể thiếu. Sử dụng phương pháp này, giáo viên trở thành người hướng dẫn, khuyến khích sinh viên học tập. Các em phải được trải nghiệm, thử và mắc lỗi nhằm mục đích rút kinh nghiệm. Giáo viên cần coi sinh viên mắc lỗi khi viết bằng tiếng Anh là bình thường bởi đó cũng là quá trình trải nghiệm ngôn ngữ. Có thái độ, suy nghĩ đúng đắn, quá trình dạy và học môn Tiếng Anh sẽ trở thành hành trình hào hứng, ý nghĩa cho người dạy và học.

Ông Phạm Hùng Anh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT), cho biết: Những năm qua, việc triển khai thực hiện Đề án Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã được ngành Giáo dục đẩy mạnh, thực hiện đồng bộ từ việc học sinh được tiếp cận tiếng Anh đến nâng cao chất lượng dạy, học ngoại ngữ trong các nhà trường.

Theo ông Hùng Anh, các địa phương cần tổ chức phát động phong trào học và sử dụng tiếng Anh trong trường phổ thông. Nhân rộng mô hình tự học, tự nâng cao trình độ và sử dụng ngoại ngữ. Coi đây là hoạt động mang tính thực tiễn và sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục chung của địa phương.

Đối với các cơ sở giáo dục, bên cạnh việc dạy học ngoại ngữ theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, cần tổ chức triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ dạy học ngoại ngữ như: Thành lập các câu lạc bộ, đội, nhóm tiếng Anh, ngày hội nói tiếng Anh, trại hè ngoại ngữ… Qua đó, tạo môi trường thuận lợi cho việc xây dựng và phát triển việc học, sử dụng tiếng Anh cho học sinh, cán bộ, giáo viên.

Đối với học sinh, sinh viên, ông Phạm Hùng Anh nhắn gửi: Hãy xác định “mình là công dân toàn cầu”, vì vậy cần học tốt, sử dụng thành thạo tiếng Anh. Hãy bắt đầu từ chú trọng học tốt môn Ngoại ngữ theo chương trình chính khóa và tăng cường giao tiếp bằng tiếng Anh…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ronaldo và Messi văng khỏi danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Ronaldo và Messi đón tin kém vui

GD&TĐ - Bộ đôi siêu sao của bóng đá thế giới vắng mặt trong danh sách 20 cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 2024.

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.