Loay hoay triển khai dạy học môn Tiếng Anh tự chọn lớp 1 - 2

GD&TĐ - Với Chương trình GDPT 2018, Tiếng Anh trở thành môn học tự chọn, ngân sách Nhà nước phải bảo đảm. 

Trở thành môn học tự chọn, Anh văn ở khối lớp 1 - 2 sẽ không được dạy học theo hình thức xã hội hóa (Ảnh: Giờ học Anh văn của học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).
Trở thành môn học tự chọn, Anh văn ở khối lớp 1 - 2 sẽ không được dạy học theo hình thức xã hội hóa (Ảnh: Giờ học Anh văn của học sinh Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng).

Chuyển từ môn học xã hội hóa, huy động sự đóng góp từ phía phụ huynh và có thể liên kết với các trung tâm ngoại ngữ để tổ chức dạy – học, các trường tiểu học gặp nhiều khó khăn trong việc bố trí và tuyển dụng giáo viên tiếng Anh.

Nơi học, nơi không

Theo Chương trình GDPT 2006, Tiếng Anh và Tin học là môn học được Bộ GD&ĐT bổ sung sau và tổ chức thực hiện không đồng đều trên cả nước. Nhiều địa phương đã chủ động tổ chức dạy học Tiếng Anh và Tin học như môn tự chọn và làm quen. Chẳng hạn, Đà Nẵng thực hiện dạy tiếng Anh là môn tự chọn cho lớp 3, 4, 5.

Các trường tiểu học đều đảm bảo về đội ngũ, cơ sở vật chất để tổ chức dạy tự chọn Tiếng Anh ở khối lớp này. Với khối lớp 1 - 2, sẽ dạy chương trình làm quen Tiếng Anh ở lớp 1, lớp 2 theo hình thức xã hội hóa. Các trường tiểu học sẽ liên kết với trung tâm ngoại ngữ để tổ chức dạy – học, có thu tiền từ sự đóng góp của cha mẹ học sinh.

Trong khi đó, Chương trình GDPT 2018, Tiếng Anh là môn tự chọn với lớp 1, 2 và bắt buộc với lớp 3, 4, 5. Môn Tiếng Anh tự chọn ở lớp 1, lớp 2 được tổ chức khi nhà trường có khả năng đáp ứng, bảo đảm điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và học sinh có nhu cầu. Chính vì vậy, nếu tổ chức dạy thì không thể huy động sự đóng góp xã hội hóa từ cha mẹ học sinh lớp 1, lớp 2 như Chương trình GDPT 2006.

Ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Trưởng phòng GD&ĐT Tư Nghĩa cho biết: “Phòng GD&ĐT hướng dẫn các trường tiểu học, tùy theo tình hình đội ngũ, ưu tiên bố trí giáo viên Anh văn đứng lớp cho học sinh khối lớp 3, 4 và 5. Sau đó, nếu giáo viên dạy chưa đủ số tiết theo quy định thì bố trí đứng lớp khối 1 - 2. Tùy từng trường, có thể dạy 1 tiết/tuần để học sinh làm quen. Nếu còn chỉ tiêu biên chế mà chưa đủ giáo viên có thể hợp đồng giáo viên tiếng Anh”.

Với tổng số 9.876 học sinh từ lớp 1 - 5 bậc tiểu học, toàn huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) có khoảng 75% số học sinh được tiếp cận với môn Tiếng Anh. Nếu chỉ tính riêng khối lớp 1 - 2, xấp xỉ 70% học sinh được làm quen với môn học này.

Các trường tiểu học ở thị xã Điện Bàn (Quảng Nam) đều triển khai dạy học môn Anh văn cho khối lớp 1 - 2. Bà Trần Thị Thanh Vân – Trưởng phòng GD&ĐT Điện Bàn cho hay: “Số GV/lớp của các trường tiểu học ở Điện Bàn đều đảm bảo tỷ lệ 1,5. Với những trường thiếu giáo viên do không tuyển dụng được, được phép hợp đồng trong định biên để đảm bảo hệ số 1,5 và cơ cấu các môn học theo yêu cầu”.

Với một giáo viên Anh văn, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (Nam Trà My, Quảng Nam) đang phải dạy 32 tiết/tuần cho tất cả khối lớp ở điểm trường chính. Do kiêm nhiệm cả chức danh tổ phó nên số tiết vượt định mức phải thanh toán tăng là 10 tiết/tuần.

Trường Tiểu học Trần Đại Nghĩa (quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) chỉ có thể tổ chức dạy 1 tiết Anh văn/tuần cho 27 lớp ở khối 1 - 2 của nhà trường. Theo thầy Phan Công Tín – Phó Hiệu trưởng nhà trường, với số lượng 1 tuần/tiết, Anh văn ở khối lớp 1 - 2 sẽ giúp học sinh làm quen dần để lên lớp 3. Các em dễ dàng bắt nhịp khi trở thành môn học bắt buộc. Để duy trì dạy Anh văn cho học sinh toàn trường, nhà trường đã hợp đồng thêm 2 giáo viên, lấy từ nguồn kinh phí chi thường xuyên được bố trí trong năm 2022 để chi trả.

Trong khi chờ bổ sung giáo viên tiếng Anh dạy lớp 1, 2 với 2 tiết/tuần, Trường Tiểu học Ông Ích Khiêm (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tạm thời sử dụng nguồn ngân sách từ 20% chi khác của trường để hợp đồng giáo viên. Tuy nhiên, theo đại diện nhà trường, đây chỉ là giải pháp tạm thời, vì việc sử dụng nguồn chi khác để thanh toán lương cho giáo viên hợp đồng làm ảnh hưởng đến các hoạt động khác.

Học sinh Tiểu học huyện Bắc Trà My tham gia Hội thi - giao lưu Olympic tiếng Anh (năm học 2021 – 2022).

Học sinh Tiểu học huyện Bắc Trà My tham gia Hội thi - giao lưu Olympic tiếng Anh (năm học 2021 – 2022).

Cần bổ sung định mức

Toàn huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) mới có 5/14 trường tiểu học và liên cấp tiểu học - THC tổ chức dạy Anh văn cho khối lớp 1 - 2. Ông Nguyễn Thanh Tú – Trưởng phòng GD&ĐT Bắc Trà My (Quảng Nam) chia sẻ: “Các trường tiểu học nếu thiếu giáo viên Anh văn cho khối lớp 3 đều ký hợp đồng để đảm bảo dạy học theo quy định. Trường hợp giáo viên tiếng Anh chưa đủ số tiết như định mức thì phân công đảm nhận đứng lớp khối 1 - 2 và có thể thanh toán tăng tiết.

Tuy nhiên, vì đây là môn tự chọn nên việc dạy - học phải dựa trên nguyện vọng của phụ huynh học sinh”. Với những trường liên cấp tiểu học – THCS, nhà trường có thể bố trí giáo viên Anh văn dạy ở cả hai cấp. Phòng GD&ĐT Bắc Trà My dự kiến tham mưu với UBND huyện để cấp bù kinh phí thanh toán tăng tiết đối với trường có tổ chức dạy học môn Tiếng Anh cho khối lớp 1 - 2.

Ông Lê Văn Hoàng, Trưởng phòng GD&ĐT Hòa Vang (TP Đà Nẵng) cho biết: “Năm học này, học sinh các lớp 1 - 2 của Chương trình GDPT 2018 về cơ bản vẫn được học Anh văn. Nhưng do đã trở thành môn tự chọn, không còn thực hiện xã hội hóa nên sẽ có trường thiếu một số tiết vì giáo viên chưa đủ và kinh phí chưa cấp. Với những trường chưa đủ định mức giáo viên theo chỉ tiêu biên chế được giao sẽ bớt hợp đồng 1 giáo viên văn hóa để thay cho tiếng Anh tự chọn lớp 1, lớp 2”.

Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã hướng dẫn các trường chủ động sắp xếp, phân công giáo viên phù hợp để tổ chức dạy học. Theo đó, giáo viên tiếng Anh lớp 3, lớp 4 - 5 nếu chưa đủ số tiết theo quy định sẽ đảm nhận dạy tiếng Anh lớp 1, lớp 2. Ngoài ra, có thể sử dụng kinh phí chi thường xuyên được cấp cho năm 2022 để tính tiền tăng tiết. Các trường tiểu học cũng có thể điều chỉnh số tiết tiếng Anh tự chọn lớp 4, lớp 5 (theo chương trình hiện hành) phù hợp để dạy tiếng Anh tự chọn lớp 1, lớp 2.

Tuy nhiên, nhiều cán bộ quản lý các trường tiểu học tại Đà Nẵng đều cho rằng, đây chỉ là giải pháp tình thế và không thể áp dụng trong thời gian dài. Giải pháp bền vững nhất là địa phương phải giao bổ sung giáo viên tiếng Anh kịp thời để thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Để tổ chức dạy Anh văn cho học sinh khối lớp 1 - 2, Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) phải “bớt” một hợp đồng giáo viên văn hóa. Trong khi đó, học sinh khối 1 - 2 Trường Tiểu học Lê Lai chưa được học môn Anh văn vì nhà trường không tìm được giáo viên để hợp đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.