Làm sao để có tác phẩm sống mãi với thời gian?

GD&TĐ - Trong những năm qua, việc thúc đẩy phát triển văn hóa và sáng tạo được đẩy mạnh.

Nhiều văn nghệ sĩ xuất bản nhiều sách, nhưng ít có sách đáng đọc. Ảnh minh họa.
Nhiều văn nghệ sĩ xuất bản nhiều sách, nhưng ít có sách đáng đọc. Ảnh minh họa.

Nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật, đặt ra niềm mong mỏi xuất hiện tác phẩm có tầm vóc, tư tưởng sống mãi với thời gian.

Cùng với Hội thảo Văn hóa 2022 tại Bắc Ninh, Hội thảo khoa học toàn quốc nhìn lại 15 năm thực hiện Nghị quyết 23 của Bộ Chính trị (khóa X) về xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới diễn ra tại Hà Nam và Lễ phát động sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật với chủ đề “Sống mãi với thời gian” diễn ra tại Hải Phòng - đã và đang đem lại nguồn hứng khởi giải phóng tư tưởng cho văn nghệ sĩ.

Khơi thông dòng chảy sáng tạo

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - nhấn mạnh, đội ngũ văn nghệ sĩ chính là nguyên khí quốc gia, là vốn quý của dân tộc. Bởi vậy, phải cải thiện môi trường sáng tạo của văn nghệ sĩ. Trong đó vấn đề tự do sáng tạo cần phải được thể chế hóa, góp phần giải phóng tư tưởng, phát huy tiềm năng, kích thích năng lực sáng tạo.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - đánh giá, Nghị quyết 23 đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng; đáp ứng yêu cầu phát triển nền văn học, nghệ thuật nước nhà và nguyện vọng của đông đảo đội ngũ những người sáng tạo văn học, nghệ thuật.

Nhìn lại chặng đường 15 năm qua, lãnh đạo Ban Tuyên giáo đánh giá cao sự cống hiến, tâm huyết, tài năng của đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước làm cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật đạt được những kết quả tích cực.

Các lĩnh vực, các ngành nghệ thuật đều có những tác phẩm với chất lượng tốt, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật, tiếp tục khơi thông dòng chảy của chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với dân tộc.

Nội dung sáng tạo, phương thức biểu hiện có nhiều tìm tòi, đổi mới, đa dạng, hiện đại hơn. Tự do, dân chủ trong sáng tạo được bảo đảm, cá tính sáng tạo được tôn trọng và phát huy.

Cùng với những thành tựu, nhiều văn nghệ sĩ cũng bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng và cả những nuối tiếc. Như việc nhiều tư liệu tại Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) của các nhạc sĩ nổi tiếng như Phan Huỳnh Điểu, Lương Ngọc Trác, Trần Văn Khê, Phạm Duy, Phó Đức Phương… mãi chưa thể hoàn thành số hóa.

Tình trạng này ở Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng không khả quan hơn. “Kho tài liệu đã nghèo lại thêm nghèo. Nhiều sách nhạc, hồ sơ và tổng phổ tác phẩm được Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh… Và ngay cả tủ tài liệu văn phòng hội cũng bị mối gặm nhấm hết”, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Minh Châu - Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho biết.

Song hành những nuối tiếc là băn khoăn trong lĩnh vực điện ảnh, khi ranh giới giữa bao cấp và kinh tế thị trường chưa thực sự rõ ràng. “Mỗi năm mỗi hãng được giao làm một vài phim.

Dù chỉ có một phim nhưng nhiều hãng không đủ nhân lực, vẫn phải thuê ngoài. Trong khi đó, bộ phận vận hành theo cơ chế thị trường lại tự do - ai có tiền thì làm được phim, bất kể kiến thức điện ảnh”, nhà nghiên cứu điện ảnh Đoàn Tuấn cho hay.

Cần chấn hưng văn học nghệ thuật

PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, văn học nghệ thuật còn rụt rè khẳng định giá trị hàng hóa. Ảnh minh họa.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng, văn học nghệ thuật còn rụt rè khẳng định giá trị hàng hóa. Ảnh minh họa.

Trong những năm qua, việc thúc đẩy phát triển văn hóa và sáng tạo được đẩy mạnh. Tuy nhiên, vì một số lý do mà nền nghệ thuật chững lại, phản ánh sự đứt gãy chuỗi giá trị văn hóa. Trong nhiều lĩnh vực sáng tạo, không chỉ thiếu các tác phẩm xứng tầm, mà còn xuất hiện tác phẩm đi ngược luật pháp.

Một ví dụ được đưa ra trong tham luận của nhà văn Hoàng Quốc Hải, khi nhận định về nhiều trường hợp - chính nhà văn là thủ phạm khiến lịch sử sai lệch. Nguyên do trong việc này, ngoài một số nhà văn chuyên viết theo kiểu “sáng tác lịch sử”, thì còn đó nỗi niềm khi tiếp cận nguồn tư liệu không chính xác.

Chính những điều này khiến nhà văn viết theo cảm nhận cá nhân, theo kiến văn của người khác, và thậm chí là tự phỏng đoán sự việc đã diễn ra cách đây cả nghìn năm. Nhân vật Lê Văn Thịnh - người khai khoa của nền khoa bảng, vị Thái sư triều Lý gắn với truyền thuyết “hóa hổ giết vua” lại bị nhà văn gắn thêm mác “tay sai cho nhà Tống”!?.

Đặc biệt là ở Việt Nam, dù có đến hàng nghìn nhà thơ, hàng trăm câu lạc bộ thơ phú nhưng ít có thơ hay. Trong khi đó, sách cứ xuất bản ùn ùn như thác lũ – đã mang danh văn nhân thì thể nào cũng có dăm ba cuốn sách, có người năm nào cũng xuất bản thơ, nhưng hiềm nỗi không có thơ đáng đọc.

Nhà thơ Vũ Quần Phương cho rằng, vấn đề này theo tính phong trào. Bởi vậy, ông nhận định: “Chúng ta đang chung sống với sự loạn chuẩn. Nhiều nhà phê bình hạ mình xuống, hạ cả tiêu chí để ca ngợi những tập thơ nửa vời. Điều ấy khiến cho nền văn học bị méo mó”.

Ngoài việc loạn chuẩn các giá trị văn hóa, xuất hiện nhiều tác phẩm đi ngược với thuần phong mỹ tục. TS Vũ Thị Thu Hà - Viện Nghiên cứu văn học - đưa ra đề xuất “phong sát” đối với tác giả và tác phẩm vi phạm. Theo đó, cần lập một “ban kiểm soát đặc biệt” để thẩm định và điều phối xử lý các sai phạm nóng trong lĩnh vực nghệ thuật. PGS.TS Đào Duy Quát lại đề xuất thành lập Ban chỉ đạo Trung ương để chấn hưng nền văn hóa và văn học nghệ thuật.

Trước các vấn đề vẫn còn chưa có lời giải, Lễ phát động sáng tác các tác phẩm văn học, nghệ thuật với chủ đề “Sống mãi với thời gian” - nhằm tìm kiếm sự xuất hiện của tác phẩm có tầm vóc và tư tưởng lớn.

Tuy nhiên, làm thế nào để có tác phẩm sống mãi với thời gian lại không phải câu hỏi dễ trả lời. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - nhận định có nhiều điểm nghẽn trong khai thác công nghiệp văn hóa để phát triển văn học nghệ thuật.

“Chúng ta ít coi các lĩnh vực như điện ảnh, mỹ thuật, sân khấu, âm nhạc… là yếu tố quan trọng của nền kinh tế. Trong khi nền kinh tế thị trường đã thấm sâu vào rất nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội, thì văn học nghệ thuật vẫn còn khá rụt rè khẳng định giá trị hàng hóa của mình”, ông Sơn cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.