Tiếp thu ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm giải trình của cơ sở GDĐH khi thực hiện tự chủ, Ban soạn thảo cho biết: Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định các cơ sở GDĐH phải có trách nhiệm giải trình đối với người học, xã hội, cơ quan quản lý và các bên liên quan gồm: giải trình về việc thực hiện các quy định, các cam kết về đảm bảo chất lượng GDĐH;
Thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ báo cáo công khai chỉ số kết quả hoạt động hàng năm của cơ sở GDĐH; thực hiện kiểm toán độc lập để kiểm toán báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán hàng năm của đơn vị, kiểm toán đầu tư và mua sắm; giải trình về mức lương, thưởng và các quyền lợi khác của các chức danh lãnh đạo, quản lý nhà trường;
Cùng với đó là giải trình các yêu cầu của cơ quan quản lý, cơ quan thanh tra, kiểm tra; thực hiện công khai về chất lượng GDĐH trên trang thông tin điện tử của cơ sở GDĐH (sửa Điều 32); công bố công khai mức thu học phí, mức thu thu phí dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác cho từng năm học và cho cả khoá học cùng với thông báo tuyển sinh (sửa Điều 65).
Đồng thời, Dự thảo quy định các cơ sở GDĐH phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, bồi thường cho người học nếu không thực hiện các quy định, cam kết đảm bảo chất lượng hoạt động (sửa Điều 33, 45).
Về trình độ, thời gian, hình thức đào tạo, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã chỉnh lý Dự thảo theo hướng: Hình thức đào tạo để cấp văn bằng các trình độ của GDĐH học bao gồm: chính quy, vừa làm vừa học, học từ xa (bao gồm cả đào tạo trực tuyến). Việc chuyển đổi giữa các hình thức, phương thức trong quá trình đào tạo được thực hiện theo nguyên tắc liên thông.
Về thời gian đào tạo, Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng quy định thống nhất thời gian tiêu chuẩn cần hoàn thành chương trình đào tạo đối với mỗi trình độ đào tạo tại nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 35 Luật GDĐH hiện hành; thời gian đào tạo thực tế là thời gian tích luỹ tín chỉ của người học.