Quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn
Theo đó, Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học cho biết, tiếp thu ý kiến đề nghị bổ sung quyền tự do về học thuật..., Dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng:
Quy định khái quát về quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn tại Điều 4, 32 và thể hiện tinh thần tự chủ này trong nhiều điều khác, trong đó bao hàm cả quyền tự do học thuật trong giảng dạy, nghiên cứu; quy định giảng viên được độc lập về quan điểm chuyên môn trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học trên nguyên tắc bảo vệ và phục vụ lợi ích của Nhà nước và xã hội (Điều 54).
Về tuyển sinh, Dự thảo chỉnh lý quy định Bộ GDĐT ban hành quy chế tuyển sinh, trong đó quy định rõ quyền tự chủ và chế tài nếu vi phạm, quy định đa dạng nguồn tuyển sinh trình độ đại học từ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp (nếu đủ điều kiện).
Về mở ngành, liên kết đào tạo, Dự thảo Luật đã chỉnh lý nội dung sửa Điều 33, 45 theo hướng các cơ sở GDĐH được tự chủ mở ngành, liên kết đào tạo (trừ các ngành thuộc thuộc lĩnh vực sức khoẻ, đào tạo giáo viên, an ninh quốc phòng) với các điều kiện theo quy định của pháp luật và trường phải đảm bảo quyền lợi cho người học; quy định phải thực hiện kiểm định điều kiện đảm bảo chất lượng trước khi khóa sinh viên đầu tiên tốt nghiệp; quy định chế tài nếu vi phạm điều kiện mở ngành, liên kết đào tạo để đảm bảo chất lượng và quyền của người học.
Về nghiên cứu khoa học, Dự thảo Luật quy định các cơ sở GDĐH được tự chủ để phát triển khoa học và công nghệ, tăng cường nguồn thu cho cơ sở GDĐH, nâng cao chất lượng đào tạo, nâng cao khả năng cạnh tranh và công bố quốc tế.
Quy định rõ chế tài sau khi mở ngành đào tạo
Cũng theo Ban soạn thảo, tiếp thu ý kiến đề nghị giữ lại thuật ngữ học phí; cân nhắc quy định giao cho Chính phủ quy định chi tiết tỉ lệ tài sản được sử dụng để liên kết kinh doanh và một số nội dung liên quan khác, Dự thảo Luật đã chỉnh lý theo hướng phân định quyền tự chủ theo nguồn tài sản, tài chính:
Đất, ngân sách và tài sản do NN đầu tư thì theo quy định của pháp luật về đất, về quản lý tài chính, tài sản công; được tự chủ sử dụng một phần tài sản vào kinh doanh, cho thuê, liên kết nhằm mục đích phát triển GDĐH, theo nguyên tắc bảo toàn và phát triển;
Cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm toàn bộ kinh phí hoạt động (chi thường xuyên và đầu tư) và cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên, có nghị quyết thông qua của hội đồng trường được quyết định đầu tư các dự án sử dụng nguồn thu hợp pháp ngoài ngân sách nhà nước của cơ sở giáo dục đại học để thực hiện hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ;
Quyết định nội dung và mức chi từ các nguồn thu học phí và thu sự nghiệp, nguồn kinh phí đặt hàng, giao nhiệm vụ, bao gồm cả chi tiền lương, chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý và được quy định trong quy chế tài chính của cơ sở giáo dục đại học
Quy định rõ về tài sản chung hợp nhất không phân chia: nguồn hình thành, sở hữu, quản lý sử dụng, định đoạt... Sửa đổi, bổ sung Điều 65 quy định về học phí và các khoản thu dịch vụ khác;
Toàn bộ phần lợi nhuận tích lũy hằng năm của cơ sở GDĐH công lập và cơ sở GDĐH tư thục hoạt động không vì lợi nhuận phải dùng để đầu tư phát triển trường và phục vụ cho hoạt động học tập và sinh hoạt của người học hoặc thực hiện trách nhiệm xã hội.
Đối với cơ sở GDĐH tư thục, phần lợi nhuận tích lũy hằng năm này do hội đồng trường quyết định nhưng không thấp hơn 25% chênh lệch thu chi (Điều 66). Các cơ sở GDĐH có trách nhiệm trích một phần học phí để hỗ trợ người học có hoàn cảnh khó khăn, người học thuộc diện gia đình chính sách (Điều 65).
Mức thu học phí, phí dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu dịch vụ khác được xác định trên nguyên tắc tính đủ chi phí dịch vụ theo quy định của pháp luật, trên cơ sở giá dịch vụ tiêu chuẩn.