Bước đột phá để các trường đại học phát triển

GD&TĐ - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học lần này đã đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó có tự chủ đại học. Đây là bước đột phá để các trường đại học phát triển và khẳng định được mình với xã hội. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên báo Giáo dục & Thời đại đã phỏng vấn GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban Đào tạo - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Tự chủ trong GD đại học là bước đột phá để các trường khẳng định thương hiệu
Tự chủ trong GD đại học là bước đột phá để các trường khẳng định thương hiệu

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học thể hiện ý chí, quyết tâm đổi mới giáo dục – đào tạo của Bộ GD&ĐT. Theo GS triết lý của đổi mới lần này nên tiếp cận như thế nào?

- Việc sửa đổi, bổ sung một số điều củaLuật Giáo dục đại học lần này thể hiện ý chí và quyết tâm đổi mới giáo dục và đã tiếp cận được triết lý của đổi mới.

Theo tôi, có 3 nội dung mà chúng ta phải lưu ý khi tiếp cận trong đợt sửa đổi Luật lần này, đó là:

Thứ nhất: Bối cảnh thế giới hoàn toàn mới với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra rất nhanh và mạnh trên thế giới. Đổi mới lần này phải làm cho giáo dục đại học Việt Nam đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu và tranh thủ được các cơ hội của cách mạng công nghiệp 4.0 để nhanh chóng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

“Để hội nhập, phải tiếp tục thực hiện kiểm định chất lượng các cơ sở giáo dục, các chương trình đào tạo và bắt đầu tham gia vào xếp hạng các trường đại học theo các tiêu chí và chuẩn mực của quốc tế”.GS.TSKH Nguyễn Đình Đức

Thứ hai: Là thách thức của tự chủ đại học. Luật phải là khung pháp lý phù hợp để vừa tạo điều kiện thúc đẩy nhanh hơn nữa tự chủ đại học, nhưng cũng có tiêu chí, lộ trình và cơ chế kiểm tra giám sát chặt chẽ. Hiện nay ngân sách Nhà nước hạn hẹp, các trường đại học cũng phải phát huy quyền tự chủ của mình để phát huy các nguồn lực, cạnh tranh lành mạnh đi đôi với đảm bảo chất lượng đào tạo.

Ba là, Luật phải thúc đẩy để giáo dục đại học Việt Nam phát huy được mọi nguồn lực trong và ngoài nước, của Nhà nước và doanh nghiệp, của toàn xã hội và hội nhập với các chuẩn mực giáo dục đại học của thế giới.

Đồng thời, theo tôi, dù có sửa đổi thế nào, thì giáo dục đại học cũng phải đạt tới các đích là đảm bảo chất lượng đào tạo, cơ hội và năng lực khởi nghiệp, công ăn việc làm của người học sau khi tốt nghiệp, do đó học phải gắn với hành, tăng cường gắn kết đào tạo với nghiên cứu, với thực hành thực tập để người học khi ra trường có kỹ năng nghiên cứu/làm việc tốt.

Người tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đại học phải đáp ứng các tiêu chí chuẩn đầu ra về chuyên môn, ngoại ngữ và kỹ năng cũng như tầm nhìn để có thể khởi nghiệp cũng như làm việc tốt tại các cơ quan, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật GDĐH lần này đã mở rộng phạm vi tự chủ của các trường đại học. GS có cho rằng, đây là cơ hội để các trường bứt phá và khẳng định được mình trước xã hội?

- Dự thảo Luật lần này đã sửa đổi khá mạnh dạn nhiều vấn đề quan trọng vướng mắc và chưa thật phù hợp với thực tế trong những năm qua. Do vậy, chắc chắn sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực đối với giáo dục đại học Việt Nam. Đặc biệt là nội hàm tự chủ đại học, sẽ tạo điều kiện và khuyến khích các trường, nhất là các trường công lập có truyền thống có cơ chế mới, đủ sức để cạnh tranh, đồng thời các trường mới, non trẻ cũng có điều kiện để bứt phá vươn lên. Đây chính là cơ hội, là bước đột phá để các trường đại học phát triển và khẳng định được mình với xã hội.

Tuy nhiên, khi thực hiện tự chủ phải có tiêu chí, lộ trình và cơ chế để giám sát chặt chẽ chất lượng. Tự chủ không có nghĩa là “khoán trắng”, hoàn toàn không cấp kinh phí và nhà trường muốn làm gì thì làm. Ở nước ngoài, chẳng hạn như Mỹ, họ giao quyền tự chủ cho các trường đại học, nhưng một trường nào đó dù đã được kiểm định hoặc một chương trình đã được kiểm định nhưng nếu có bất kỳ những thay đổi nào luôn phải báo cáo với các cơ quan quản lý chất lượng theo quy trình giám sát rất chặt chẽ.

Do vậy, tôi luôn cho rằng tự chủ là rất đúng, là rất cần thiết nhưng phải gắn với lộ trình và có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Giám sát phải được hiểu là không chỉ của các cơ quan quản lý Nhà nước, mà còn của người sử dụng lạo động, của phụ huynh, người học và của toàn xã hội.

Như vậy thì hiệu trưởng phải là người rất quan trọng và có đủ năng lực, uy tín để lãnh đạo, điều hành?

- Đúng vậy, lúc này vai trò của người hiệu trưởng rất quan trọng. Họ phải là người có đủ tri thức, đủ năng lực, tài năng, bản lĩnh, uy tín và cả kinh nghiệm để lãnh đạo nhà trường. Tự chủ đại học sẽ dẫn đến cơ chế cạnh tranh. Hiệu trưởng không thực tài, cơ sở giáo dục sẽ bị thụt lùi và tụt hậu. Cho nên việc bầu hiệu trưởng cũng phải là một quy trình thực sự nghiêm túc và chất lượng. Không phải ngẫu nhiên một số nước như Nhật Bản, Singapore... lại có hội đồng giáo sư – là những người tiêu biểu nhất, trí tuệ nhất mới được tham gia bầu hiệu trưởng.

Thiết nghĩ, khi các trường được giao quyền tự chủ, chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của các nước tiên tiến. Hiệu trưởng có chịu áp lực của cạnh tranh và sự phát triển thì mới trọng dụng nhân tài, trọng dụng tri thức, mới dám dùng người tài để cho nhà trường phát triển. Nếu không, rất có thể, hiệu trưởng với quyền lực sẵn có và tâm lý nhiệm kỳ, sẽ tạo ra một bộ phận hành chính xung quanh mình, mà các bộ phận ấy sẽ bỏ phiếu và chiếm tỷ lệ đa số vượt trội so với phiếu của các giáo sư. Như thế, nhà trường sẽ rất khó để phát triển, bắt nhịp với xu thế của thời đại.

Xin cảm ơn GS!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ