Tháo gỡ nhiều vấn đề về tự chủ đại học

GD&TĐ - Trên cơ sở các ý kiến đề nghị của các đại biểu Quốc hội về vấn đề tự chủ đại học; ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã tiếp thu và có ý kiến giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Tự chủ về chuyên môn

Cụ thể, liên quan đến tự chủ về hoạt động chuyên môn, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 2 Ðiều 6 phù hợp Luật Giáo dục, quy định cả hình thức tự học và tự học có hướng dẫn; đề nghị bổ sung hình thức đào tạo trực tuyến, xây dựng cơ chế cho phép chuyển đổi linh hoạt trong việc kết hợp phương thức đào tạo trực tuyến với các phương thức truyền thống khác.

Về Chương trình đào tạo, có ý kiến cho rằng tại khoản 1 Điều 37 quy định: “Cơ sở GDĐH có trách nhiệm tổ chức và quản lý đào tạo theo tích luỹ tín chỉ, niên chế hoặc kết hợp” nhưng tại điểm b khoản 1 Điều 36 lại quy định cứng: “Chương trình đào tạo được xây dựng theo đơn vị tín chỉ”. Do đó, đề nghị cân nhắc việc quy định cứng trong Luật về đào tạo theo chương trình tín chỉ vì phương pháp đào tạo có thể thay đổi theo thời gian.

Theo đó, cơ quan soạn thảo cho biết, Dự thảo đã quy định: Hình thức đào tạo để cấp văn bằng các trình độ của GDĐH bao gồm: chính quy, vừa làm vừa học, học từ xa; việc chuyển đổi giữa các hình thức, phương thức trong quá trình đào tạo được thực hiện theo nguyên tắc liên thông (Điều 6).

Hình thức tự học có hướng dẫn có thể được sử dụng đan xem với các hình thức khác, đặc biệt là học trực tuyến, từ xa, nhưng không áp dụng duy nhất hình thức này cho các chương trình GDĐH cấp văn bằng và sẽ được quy định trong quy chế đào tạo để đảm bảo chất lượng GDĐH trong điều kiện thực tiễn hiện nay ở nước ta. Hình thức đào tạo từ xa đã bao gồm cả đào tạo trực tuyến.

Chương trình đào tạo cần quy định xây dựng theo tín chỉ để đảm bảo có đơn vị đo kiến thức thống nhất trong toàn hệ thống và phù với chuẩn mực quốc tế, tạo điều kiện cho việc công nhận văn bằng, tín chỉ giữa các nước và liên thông giữa các trình độ đào tạo…

Các nước phát triển đều quy định như vậy. Riêng việc tổ chức quản lý đào tạo có thể thực hiện linh hoạt nên nội dung sửa Điều 37 của Dự thảo đã quy định: Cơ sở GDĐH có trách nhiệm tổ chức và quản lý đào tạo theo tích luỹ tín chỉ, niên chế hoặc kết hợp.

Tự chủ về nhân sự

Đối với tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự, nhiều ý kiến đề nghị thể chế hóa nội dung Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường trong Nghị quyết 19/NQ-TƯ vào Luật; nghiên cứu quy định các chuẩn chức danh giảng viên ngay trong Luật để bảo đảm tính khả thi ngay khi Luật được ban hành.

Về vấn đề này, Cơ quan soạn thảo cho rằng, vấn đề thể chế hóa nội dung Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường trong Nghị quyết 19/NQ-TƯ sẽ được hướng dẫn trong quá trình triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng mà không quy định chi tiết về vấn đề này trong Dự thảo Luật vì liên quan nhiều đến công tác Đảng theo Điều lệ tổ chức Đảng.

Chuẩn chức danh giảng viên thường gồm nhiều tiêu chí, chi tiết… nếu đưa cụ thể vào Luật sẽ “không đúng tầm Luật” và khó sửa đổi, bổ sung để thích ứng với bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 yêu cầu được thay đổi nhanh chóng.

Quốc hội giao cho cơ quan quản lý nhà nước quy định ở văn bản dưới Luật như hiện nay vẫn đảm bảo tính hợp lý, không có vướng mắc khi thực hiện.

Có một số ý kiến của các chuyên gia góp ý về việc sửa nội dung thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, thêm phần khen thưởng. Thực tế tổng kết không vướng mắc các nội dung này. Thanh tra và xử lý vi phạm, khen thưởng (nếu bổ sung) ở trong Luật chỉ quy định khung, cần có nghị định quy định cụ thể, chi tiết… Các quy định này trong Luật giáo dục đã đủ nguyên tắc chung để xử lý vi phạm và khen thưởng trong toàn hệ thống GDĐT; ngoài ra còn có Nghị định hướng dẫn, có Luật thi đua khen thường chung… nên không cần lặp lại trong Luật này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Giúp dạy học hiệu quả môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, các nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai dạy học hiệu quả môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.
Minh họa/INT

Bóng ma hạt nhân ở Trung Đông

GD&TĐ - Tình hình Trung Đông đã đột ngột căng thẳng kể từ đêm 13/4 rạng sáng 14/4 khi Iran lần đầu tiên trong lịch sử thực hiện một cuộc không kích quy mô lớn.