Làm giàu từ hai bàn tay trắng

Mang trong mình bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ, dám nghĩ, dám làm, nhiều thanh niên đã không ngừng vượt khó vươn lên làm giàu từ chính mảnh đất quê hương. Họ là những tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.

Làm giàu từ hai bàn tay trắng

Từ anh chàng đa cấp thành ông bầu bóng đá

Trong cái nóng chiều oi bức của ngày hè, chúng tôi tìm đến thôn Bắc, xã Phú Hải, huyện Hải Hà (Quảng Ninh) gặp chàng triệu phú 8X - Phạm Văn Vương, người được mệnh danh là “ông bầu bóng đá làng”. “Chủ sở hữu một chuỗi hoạt động kinh doanh sự kiện trọn gói, chủ nhân của 3 xe tải chuyên chở vật liệu, chủ cơ sở sản xuất bát đĩa sạch và chủ nhiệm 1 CLB bóng đá…” - lời giới thiệu của nữ bí thư xã Đoàn Phú Hải.

Vừa tới đầu ngõ, đã thấy một nhóm thiếu niên mang cờ, vác trống ùn ùn kéo nhau vừa đi vừa hát bài “niềm tin chiến thắng”. Hỏi ra mới biết đội bóng của “ông bầu làng” Phạm Văn Vương chuẩn bị thi đấu với đội tuyển của xã bên nên cả làng kéo nhau đi cổ vũ. Theo chân các bạn trẻ, chúng tôi tìm đến sân bóng của xã Phú Hải, nơi sắp diễn ra trận đấu giao hữu được mong chờ nhiều tuần nay.

Làm giàu từ hai bàn tay trắng ảnh 1Anh Phạm Văn Vương (người ngồi thứ 2 từ trái qua) được mệnh danh là “ông bầu bóng đá làng”, có thu nhập hơn 800 triệu mỗi năm.

Chỉ tay về phía cuối sân, bí thư xã Đoàn xã Phú Hải Phạm Hồng Ngọc nói: “Đấy! Bạn mang áo vàng kia là ‘ông bầu làng’ đấy!”. Nhìn dáng người mảnh khảnh, nước da ngăm ngăm đen, nụ cười luôn hiện diện trên môi, chúng tôi không khỏi bất ngờ về chàng thanh niên được nhiều người xem như thần tượng của làng.

Phạm Văn Vương sinh năm 1988, cả bố và mẹ đều làm ngư nghiệp, gia đình kinh tế khó khăn. “Vợ chồng tôi gắng lắm mới cho nó học hết cấp 3, còn ước mơ đại học của nó đến giờ vẫn chưa thực hiện được. Tính ra cả xã chỉ được một vài gia đình có điều kiện cho con học đại học, nhưng cũng may cháu nó có chí nên vợ chồng tôi cũng đỡ lo phần nào”, bà Hoàng Thị Tân, mẹ Phạm Văn Vương nói.

Năm 2006, sau khi tốt nghiệp cấp 3, biết gia đình không đủ điều kiện để học tiếp, Vương xin bố mẹ 800 nghìn đồng lên đường đi lập nghiệp. Cùng một nhóm bạn sang tận Hải Phòng xin vào làm cho công ty, sau 1 năm cống hiến Vương mới phát hiện ra mình đang là người của một công ty đa cấp, công việc hàng ngày là phải bán những sản phẩm giả mạo. Vương quyết định từ bỏ bán hàng đa cấp quay về quê hương.

Năm 2009, Vương xin vào học nghề đóng tàu. “Mình xuất thân từ nghề biển, không đủ sức đi biển thì đóng tàu cho người khác ra khơi”, Vương nói. Nhưng suy nghĩ ấy ngày càng xa vời, trên địa bàn rất ít cơ sở đóng tàu, nếu xin vào nhà nước thì gia đình không đủ tiền. Một lần nữa, ước mơ của chàng trai làng biển phải gác lại.

Sau vài năm lang thang làm thuê hết chỗ này đến chỗ nọ, cũng gồng mình đi biển cùng bạn bè, người thân nhưng cuộc sống luôn bấp bênh, vô định. Năm 2012, với số tiền 5 triệu đồng tích góp được, Vương mạnh dạn mua phông bạt, bàn ghế nhựa về để cho các đám cưới, hội nghị, ma chay, đám giỗ thuê. Dần dần công việc ổn định và có thu nhập, Vương tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô cho thuê phông bạt và vươn ra địa bàn các xã lân cận.

Được sự tư vấn của các anh chị huyện Đoàn, Vương vay 50 triệu từ vốn vay của ngân hàng chính sách, quyết tâm đầu tư thành một chuỗi hoạt động kinh doanh sự kiện trọn gói. Vương còn lập xưởng sản xuất bát đĩa sạch, chuyên cung cấp cho các nhà hàng trên địa bàn. Năm 2015, chiếc xe bán tải đầu tiên của thôn Bắc được Vương mua về trong sự ngỡ ngàng của hàng xóm láng giềng.

“Đam mê bóng đá của em có từ khi còn trẻ con, cả xóm tranh nhau quả bóng nhựa. Ngoài công việc kinh doanh, em còn kêu gọi anh em luyện tập thể thao để nâng cao sức khỏe. Câu lạc bộ bóng đá hiện giờ có hơn 20 thành viên, đa số đều là đoàn viên thanh niên trong xã. Anh gọi em là “ông bầu làng” là không đúng đâu, vì em cũng tham gia đá bóng như các bạn mà”, Vương cười nói.

Hiện tại, chuỗi hoạt động kinh doanh của Vương mỗi năm thu về hơn 800 triệu đồng và thường xuyên sử dụng từ 13 - 15 nhân công, mỗi nhân công có thu nhập từ 3 - 5 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, toàn bộ nhân công đều được Vương lấy từ đoàn viên thanh niên trong xã. “Em hiểu cái cảm giác đi tha phương cầu thực làm thuê là như thế nào. Điều em mong muốn nhất là tạo cho các bạn một công ăn việc làm ổn định ngay tại quê nhà”, Vương chia sẻ.

“Bạn Phạm Văn Vương không chỉ sản xuất, kinh doanh giỏi mà còn là một đoàn viên năng nổ tham gia các hoạt động, phong trào của đoàn. Huyện Đoàn luôn ghi nhận những đóng góp tích cực không chỉ về vật chất mà cả tinh thần. Vương xứng đáng là một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo”, anh Bùi Thanh Tuấn, Bí thư huyện Đoàn huyện Hải Hà đánh giá.

Tỷ phú đi lên từ trang trại

Sau hơn 8 năm lập nghiệp, bằng sự cần cù và sáng tạo, từ hai bàn tay trắng, chàng thanh niên trẻ 8X - Phạm Văn Hoàn, thôn Ninh Bình, xã Bình Khê, TX Đông Triều (Quảng Ninh) đã tạo cho mình một cơ ngơi tiền tỷ, mỗi năm cho thu nhập gần 1 tỷ đồng.

Sinh ra trong gia đình đông anh em, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên Hoàn thấu hiểu nỗi khổ của sự nghèo khó. Chính bởi thế, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường anh đã không ngừng cố gắng vươn lên học tập, tích lũy kiến thức để áp dụng vào phát triển kinh tế hộ gia đình.

Vốn là con nhà nông, sau nhiều năm bươn chải làm thuê kiếm sống với đủ thứ nghề, đầu năm 2008, Hoàn quyết định về quê hương lập nghiệp. Sau nhiều năm ấp ủ đam mê, tự tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm, anh bắt đầu khởi nghiệp bằng việc trồng thử nghiệm 300 gốc na bở trên diện tích vườn tạp của gia đình. Thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm nên anh gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự cần cù, ham học hỏi, sau gần 3 năm chăm sóc, vườn na bắt đầu cho thu hoạch. Vụ na đầu tiên anh Hoàn bán được gần 100 triệu đồng.

“Những năm đầu khởi nghiệp tôi tham việc lắm. Cứ nghĩ mọi thứ có thể làm được là tôi tự tay mày mò, tìm hiểu bắt tay triển khai ngay. Vốn liếng ít nên tôi làm gì cũng phải chắc. Thí điểm thành công rồi mới cho nhân rộng. Thật sự, thành công từ vụ na đầu tiên là “trái ngọt” khích lệ tinh thần tôi tiếp tục phấn đấu, thêm niềm tin vào hướng đi của mình. Nhờ thành công này, tôi có những quyết định táo bạo mở hướng làm ăn lớn cho các mô hình về sau”, Hoàn chia sẻ.

Được tham gia lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật do Đoàn xã Bình Khê tổ chức và được Thị Đoàn Đông Triều hướng dẫn, giúp đỡ, năm 2010, Hoàn chuyển hướng phát triển thêm mô hình trồng cây cảnh (cây mai vàng), một mặt thỏa mãn niềm đam mê, sở thích, mặt khác tăng thêm thu nhập.

Không dừng lại ở đó, lấy ngắn nuôi dài, tích cóp vốn thu nhập từ cây na, cây cảnh, anh tiếp tục vay mượn thêm người thân đầu tư nhân rộng mô hình na bở, cây mai vàng và chăn nuôi lợn. Đến nay, anh đã mở rộng diện tích vườn na của mình lên 0,5ha. Đặc biệt, từ vài trăm gốc mai ban đầu, hiện anh đã nhân rộng hơn 1 vạn cây lớn, nhỏ trị giá gần 3 tỷ đồng.

Hiện mô hình của anh có 2ha cây mai vàng Ngọa Vân với hơn 15.000 gốc mai, gần 1ha trồng na và chăn nuôi hơn 100 con lợn thịt. Cơ sở của anh giải quyết việc làm ổn định cho 5 lao động tại địa phương. Nhẩm tính với chúng tôi, sau khi trừ các khoản chi phí, trang trại của anh thu về từ 700 triệu đến 1 tỷ đồng.

Với niềm đam mê loài hoa quý hiếm là Mai vàng Yên Tử, anh Hoàn hiện là một trong số 7 hội viên sáng lập ra Hợp tác xã Mai vàng Ngọa Vân Yên Tử vào năm 2014. Anh cùng với những hội viên khác mong muốn không chỉ phát triển kinh tế mà còn góp phần gìn giữ, nhân rộng giá trị của loài hoa quý hiếm này.

“Trong hơn 8 năm khởi nghiệp, không tránh khỏi những lần vấp ngã. Trong đó, đáng nhớ nhất vào năm 2013, do giá lợn hơi tụt dốc nên trang trại bị thua lỗ hơn 100 triệu đồng. Những lần vấp ngã này đã để lại cho tôi rất nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Bài học về sự nhạy bén nắm bắt thị trường. Đây cũng chính là chìa khoá giúp tôi thành công”, anh Hoàn chia sẻ.

Anh Phạm Văn Hoàn cho biết thêm, trong số 3 mô hình trên thì trồng cây mai vàng mang lại thu nhập cao và ổn định nhất. Riêng tiền bán mai mỗi năm đã thu được hơn 500 triệu đồng, còn lại thu nhập từ cây na và chăn nuôi lợn. Với những thành tích nổi bật đó, năm 2016, anh Hoàn vinh dự được Tỉnh Đoàn Quảng Ninh chọn là một trong những gương thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi của tỉnh.

Theo Tiền Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...