BRICS giữa giai đoạn chuyển giao trật tự toàn cầu
Ý tưởng về một thế giới đa cực từ lâu đã được sử dụng trong 2 bối cảnh khác nhau.
Thứ nhất là khi trật tự toàn cầu do một cường quốc thống trị vẫn còn vững chắc, như khoảng thời gian 15 năm sau Chiến tranh Lạnh.
Khi đó, “đa cực” chỉ là một khẩu hiệu mang tính biểu tượng nhằm phản đối sự thống trị của Mỹ, mà không có chiến lược thực tế nào đi kèm.
Bối cảnh thứ 2 là khi trật tự đó sụp đổ hoàn toàn, và quan hệ quốc tế trở lại trạng thái truyền thống: một sân khấu biến động, nơi các quốc gia tương tác theo thế lực của mình. Lúc đó, thế giới đa cực không còn là khẩu hiệu mà trở thành hiện thực và hành động được điều chỉnh tùy theo tình hình.
Thế giới ngày nay không thuộc về bất kỳ bối cảnh nào trong 2 tình huống trên. Trật tự đơn cực cũ đang phai nhạt, nhưng các cấu trúc và phản xạ của nó vẫn còn.
Chính vì vậy mà thời điểm hiện tại trở nên đặc biệt và khối BRICS trở thành chỉ báo quan trọng của quá trình chuyển giao đang diễn ra. Dù đa dạng và nhiều mâu thuẫn, nhóm quốc gia này phản ánh những đường nét mới của một thế giới dần bớt bị phương Tây kiểm soát.
Hội nghị thượng đỉnh BRICS gần đây tại Rio de Janeiro đã gây thất vọng ở một số nơi. Vắng mặt nhiều lãnh đạo chủ chốt, tiêu đề báo chí không mang tính kịch tính như hội nghị trước tại Kazan.
Tuy nhiên, sự im ắng này không phải là bước lùi, mà phản ánh môi trường hoạt động đã thay đổi của BRICS.
Từ áp lực phương Tây đến sự trưởng thành nội tại
3 xu hướng giúp lý giải tông điệu của hội nghị.
Trước hết, căng thẳng toàn cầu đang leo thang. Các cuộc đụng độ gần đây giữa Ấn Độ và Pakistan, hay giữa Israel và Iran, đều liên quan trực tiếp tới các thành viên BRICS. Dù không phải là xung đột nội khối, những sự kiện này cho thấy sự thiếu thống nhất.
Khi BRICS mở rộng, tính đa dạng nội tại ngày càng lớn, khiến việc duy trì một tiếng nói chung trở nên khó khăn. Hệ quả tự nhiên là ngôn ngữ thận trọng và tuyên bố mơ hồ. Điều đó có thể gây thất vọng, nhưng lại phản ánh sự thực tế.
Thứ hai, Hoa Kỳ dưới thời ông Donald Trump đã thể hiện rõ thái độ chống BRICS hơn trước. Washington đưa ra các lời đe dọa trực tiếp và áp đặt thuế quan mới với các quốc gia bị xem là thân thiện với BRICS.
Những hành động này nhằm mục đích ngăn chặn sự hợp tác sâu hơn trong nội khối. Cho đến nay, chưa có phản ứng đối đầu công khai nào. Hầu hết các thành viên BRICS vẫn tránh va chạm trực tiếp với phương Tây.
Tuy nhiên, áp lực từ Mỹ đang dần tạo ra sự bất mãn, và phản ứng rõ rệt hơn có thể xuất hiện nếu tình hình căng thẳng leo thang.
Thứ ba, việc chuyển giao vai trò chủ tịch BRICS từ Nga sang Brazil đã làm thay đổi nhịp độ hoạt động của nhóm. Với Nga, BRICS là công cụ thực tế để điều phối kinh tế và là nền tảng chính trị giúp vượt qua sự kiểm soát của phương Tây.
Moscow đầu tư mạnh vào vai trò của mình trong BRICS. Ngược lại, Brazil có ưu tiên chiến lược khác khi gắn bó chặt chẽ hơn với phương Tây. Điều này không đồng nghĩa với việc Brasilia thờ ơ với BRICS – mà chỉ đơn giản là họ không đặt mức độ ưu tiên cao như Moscow.

Từ bị xem thường đến được theo dõi chặt chẽ
Dù vậy, một điều quan trọng đã diễn ra. Hai hội nghị thượng đỉnh năm 2023 và 2024 tại Nam Phi và Nga đã thay đổi BRICS. Khối này đã trưởng thành và sở hữu một bản sắc mới. Quá trình này cần thời gian để được hiểu rõ.
Nhiệm kỳ chủ tịch sắp tới của Ấn Độ có thể sẽ duy trì giai đoạn thận trọng hiện nay, nhưng không nên xem đây là dấu hiệu của sự trì trệ. Đây là giai đoạn cần thiết để củng cố nội lực.
Vì lý do đó, hội nghị tại Rio cần được nhìn nhận là một thành công. Giai đoạn đầu của BRICS, khi nhóm còn mơ hồ và thiên về lý tưởng, tương đối dễ dàng vì ít ai kỳ vọng nhiều.
Giờ đây, tầm vóc của nhóm đã khác. Mỹ và các đồng minh, từng xem thường, đang theo dõi sát sao và chủ động tìm kiếm điểm yếu. Điều đó cho thấy BRICS đang bắt đầu có sức ảnh hưởng.
Sức hấp dẫn của BRICS nằm ở chỗ nó phản ánh xu hướng toàn cầu thực tế. Môi trường quốc tế ngày nay đòi hỏi sự linh hoạt, cam kết tối thiểu và chấp nhận sự khác biệt.
BRICS hội tụ đủ những đặc điểm đó. Khối này tránh các cấu trúc ràng buộc, đề cao sự đa dạng và vận hành dựa trên lợi ích chung, dù được xác định một cách lỏng lẻo.
Chúng ta đang sống trong một thời kỳ hỗn loạn. Không có sự cân bằng quốc tế rõ ràng và cũng không có mô hình để tái lập lại nó. Kỷ nguyên chuyển tiếp này có thể kéo dài hàng thập kỷ.
Trong thời gian trên, thế giới sẽ ngày càng tìm đến những nền tảng phản ánh hiện thực mới. BRICS là một trong số đó.
Nhận thức về BRICS đang thay đổi. Khối này không còn bị xem là chiêu bài hùng biện hay điều kỳ lạ nữa. Nó đang trở thành một phần của cấu trúc thế giới đa cực mới nổi. Quá trình đó sẽ diễn ra chậm và không đồng đều, nhưng đã bắt đầu.
Sau 3 hội nghị tại Johannesburg, Kazan và nay là Rio, BRICS đã bước sang một giai đoạn mới. Thách thức hiện tại là nhận ra sự chuyển mình ấy và thích ứng với nó.