Từ 200 quả pháo đang trên đường đi tiêu thụ bị phát hiện, công an đã mở rộng điều tra và thu giữ thêm trên 600 quả nữa nằm “trong kho” của nhóm thanh thiếu niên này.
Vào tầm này năm ngoái (12/2023), Công an huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) cũng đã triệt phá đường dây sản xuất pháo lậu của một nhóm thiếu niên gồm 40 em đang học tại một trường THCS trên địa bàn. Rất may là số pháo “thành phẩm” chưa kịp mang đi tiêu thụ thì bị thu giữ.
Khai trước cơ quan công an, các nhóm thanh thiếu niên trên nói rằng, họ lên mạng tìm hiểu quy cách làm pháo nổ và đặt mua nguyên liệu làm pháo. Chỉ trong vòng một tuần là có trong tay toàn bộ số nguyên liệu làm pháo gồm giấy để quấn trái pháo, dây cháy chậm và thuốc nổ. Điều này cũng có nghĩa, số hàng cấm mua bán này vẫn công khai “phục vụ khách hàng” nhưng cơ quan chức năng không phát hiện được.
Suốt 30 năm qua kể từ khi Chính phủ có lệnh cấm đốt pháo (1994), trừ pháo hoa trong dịp Tết và các ngày lễ lớn nhưng phải được những người có chuyên môn như lực lượng quân đội mới được phép “khai hỏa”, trên đất nước ta chưa một cái Tết nào “im tiếng pháo” lậu. Nghĩa là, người ta vẫn lén lút sản xuất pháo, hoặc là để tự đốt, hoặc là để bán chui trên thị trường.
Không khó để phát hiện tiếng nổ đì đùng của pháo lậu trong mỗi dịp Tết nhưng chưa thấy cơ quan chức năng nào truy tận gốc việc đốt pháo này. Nếu có chăng cũng chỉ “nhắc nhở” mà thôi.
Kể từ sau khi có lệnh cấm đốt pháo, các cơ sở sản xuất pháo nổi tiếng như Bình Đà (Hà Nội) và Nam Ô (TP Đà Nẵng) đã dẹp bỏ, chuyển sang nghề khác, song việc sản xuất pháo (lậu) vẫn cứ diễn ra. Người dân rất đồng tình và hưởng ứng việc cấm đốt pháo vì những hệ lụy của nó không lường hết được.
Và thực tế là, bao nhiêu cảnh tang thương từ việc sản xuất và đốt pháo đã xảy ra. Nếu không chết tại chỗ thì cũng cụt tay, mù mắt, trở thành gánh nặng suốt đời cho gia đình và xã hội. Đau đớn hơn, nạn nhân của sản xuất và đốt pháo phần lớn là trẻ em!
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp cận Tết là tình trạng sản xuất pháo lậu lại tái diễn. Những công nhân quốc phòng sản xuất pháo hoa họ đều có chuyên môn, nắm vững các quy tắc để làm pháo, thế nhưng tai nạn vẫn khó tránh. Thế mà đám thiếu niên, chưa qua một trường lớp nào về cách làm pháo, vẫn tự chế ra pháo để đốt chơi.
Chỉ cần biết dùng vi tính, lên mạng là biết cách làm pháo vì được bày vẽ rất tỉ mỉ. Mối nguy hiểm từ việc “học làm pháo trên mạng” luôn rình rập. Hầu như năm nào, các bệnh viện cũng cấp cứu hàng chục trường hợp bị thương do đốt pháo trong đêm Giao thừa.
Để chấm dứt tình trạng này, ngoài việc lực lượng chức năng truy bắt gắt gao các đối tượng buôn bán vật liệu làm pháo, nhà trường và mỗi gia đình cũng cần nhắc nhở, thậm chí dùng hình thức phạt nặng để răn đe các em học sinh ở tuổi vị thành niên.