Một điểm nhấn được quan tâm trong Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội khóa XV khai mạc sáng 23/10 là Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Theo Nghị quyết số 96/2023/QH15, Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội; Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước.
Tuy nhiên, trong ngày làm việc thứ 3 (ngày 25/10), Quốc hội sẽ lấy phiếu tín nhiệm 44/49 chức danh. Có 5 trường hợp sẽ không lấy phiếu tín nhiệm lần này do mới được Quốc hội bầu, phê chuẩn trong năm 2023, gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh.
Lấy phiếu tín nhiệm là phương thức giám sát quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả công tác từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm.
Thời điểm lấy phiếu tín nhiệm là cuối năm thứ 3 của nhiệm kỳ nên các đại biểu Quốc hội sẽ có những căn cứ, cơ sở đánh giá sát thực hơn mức độ hoàn thành trọng trách với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn.
Kết quả lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ. Không chỉ vậy, kết quả này sẽ “đánh thức” suy nghĩ đối với người được lấy phiếu về trách nhiệm của mình trong vai trò đảm trách và điều hành các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.
Suy nghĩ để từ đó nhiệt huyết hơn trong hành động, tăng cường chế độ trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm chính trị bởi quá trình thực hiện nhiệm vụ luôn có sự giám sát một cách thường xuyên của cử tri và những đại diện dân cử.
Chính vì vậy, các đại biểu Quốc hội cần nghiêm túc và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện đánh giá của mình. Mỗi đại biểu cần phát huy tinh thần trách nhiệm cao đối với đất nước, đối với tổ chức, hoạt động của Quốc hội và bộ máy Nhà nước, đánh giá công tâm, khách quan và chính xác trong ghi phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.
Đặc biệt, các đại biểu cũng không thể chỉ đánh giá theo cảm nhận chủ quan của mình mà phải gắn bó với cử tri, phải tham vấn cử tri. Bởi lẽ, lấy phiếu tín nhiệm không chỉ là dịp kiểm chứng uy tín chính trị với các lãnh đạo của bộ máy Nhà nước, mà còn là “thước đo” với từng đại biểu.
Đại biểu Quốc hội đánh giá những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; và cử tri sẽ đánh giá đại biểu thông qua lá phiếu tín nhiệm đó. Nói cách khác, cử tri nhìn vào cách đại biểu đánh giá - để từ đó có nhận xét cho riêng mình về từng cá nhân đại diện cho nhân dân.