Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm

GD&TĐ - Chiều 9/6, Quốc hội thảo luận dự thảo Nghị quyết về việc lấy, bỏ phiếu tín nhiệm người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi).

Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường của Quốc hội.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu tiếp tục khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết. Các đại biểu đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã kịp thời thể chế hóa đường lối của Đảng, bảo đảm đồng bộ đường lối chủ trương của Đảng với pháp luật của Nhà nước. Ghi nhận dự thảo Nghị quyết có nhiều thay đổi tiến bộ đáp ứng nguyện vọng của cử tri và Nhân dân.

Các đại biểu cho rằng việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn là một trong điểm đổi mới của hoạt động Quốc hội, Hội đồng nhân dân từ nhiệm kỳ trước đã được cử tri và Nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm, theo dõi, ghi nhận, đánh giá cao.

Mặc dù mới chỉ triển khai thực hiện được một lần từ khi ban hành các quy định và hướng dẫn đến nay nhưng hoạt động này đã đạt được những kết quả nhất định, tạo thêm niềm tin của cử tri và Nhân dân đối với Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng cho ý kiến cụ thể để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết. Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định nguyên tắc công khai trong cả hoạt động lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm, tuy nhiên trong nội dung cụ thể tại Mục 4 thì dự thảo hiện chỉ quy định nguyên tắc công khai đối với kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Đó là kết quả lấy phiếu tín nhiệm được báo cáo cấp có thẩm quyền và được công khai theo quy định mà không nói gì đến công khai kết quả bỏ phiếu tín nhiệm. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị rà soát để bổ sung thêm nguyên tắc công khai đối với hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm để đảm bảo tính thống nhất về mặt nguyên tắc trong cả hai hoạt động lấy phiếu và bỏ phiếu.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng đề nghị rà soát làm rõ tiêu chí sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước làm căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm bỏ phiếu tín nhiệm; trong đó làm rõ hơn nhóm đối tượng có quan hệ gia đình gần gũi với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Các đại biểu tham dự phiên họp - chiều 9/6.

Các đại biểu tham dự phiên họp - chiều 9/6.

Theo Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa Quy định số 96-QĐ/TW ngày 2/2/2023 của Bộ Chính trị về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị và Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới; đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật trong bối cảnh các năm gần đây Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung một số luật có nội dung liên quan đến lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Bên cạnh đó, Nghị quyết số 85/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn trong quá trình triển khai thực hiện cũng đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần phải khắc phục kịp thời.

Do đó, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 5 theo trình tự, thủ tục rút gọn để thay thế Nghị quyết số 85/2014/QH13 là rất cần thiết nhằm kịp thời triển khai công tác lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV và kỳ họp cuối năm 2023 của Hội đồng nhân dân các cấp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.