Kỳ vọng khắc phục triệt để tồn tại trong giảng dạy môn Ngữ văn

GD&TĐ - Nhiều thầy, cô giáo kỳ vọng, việc Bộ GD&ĐT ban hành hướng dẫn về đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn sẽ góp phần khắc phục triệt để những vấn đề còn tồn tại trong dạy và học bộ môn này.

Cô Vũ Thị Dung và học trò trong giờ dạy Ngữ văn.
Cô Vũ Thị Dung và học trò trong giờ dạy Ngữ văn.

Nhận diện điểm yếu

Cô Vũ Thị Dung, giáo viên Trường THPT Xuân Phương (Hà Nội), cho rằng: Điểm yếu hiện nay trong dạy học Ngữ văn chính là việc lạm dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực. Điều này khiến các giờ học trở nên sôi nổi về hình thức nhưng kém chất lượng, thiếu chất văn.

Làm thế nào để cân bằng, hài hòa giữa việc áp dụng các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực với việc bồi dưỡng cho học sinh khả năng cảm thụ văn chương có chiều sâu rất quan trọng. Bên cạnh đó, việc kiểm tra đánh giá hiện nay vẫn thực hiện theo kiểu “thi gì học nấy” chứ không phải “học gì thi nấy”, khiến nhiều giáo viên vẫn dạy tủ và học sinh học tủ.

Còn cô Nguyễn Thị Bích Liên, giáo viên Ngữ văn - Tổ trưởng Tổ Khoa học xã hội Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình), đưa ra nhận định: Dạy học môn Ngữ văn hiện nay chưa chú trọng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh trong quá trình học tập. Vẫn còn xu hướng đọc chép và yêu cầu học sinh ghi nhớ kiến thức một cách máy móc. Học tập thiếu sự hợp tác giữa thầy và trò, giữa trò với trò.

Cô trò có ít thời gian cho các hoạt động thực hành, vận dụng, trình bày, thảo luận để rèn luyện kỹ năng đọc, nói, nghe, viết và cảm thụ thẩm mĩ theo yêu cầu, mức độ với từng lớp học, cấp học. Học sinh không biết tự học, thiếu hứng thú, đam mê. Còn hiện tượng học tập thụ động, lười suy nghĩ, phụ thuộc kiến thức có sẵn, dẫn đến thái độ vô cảm, các em làm bài mà không hiểu bản chất, bài viết thiếu những phát hiện sáng tạo...

Liên quan đến kiểm tra, đánh giá, hạn chế được cô Nguyễn Thị Bích Liên chỉ ra là: Đánh giá học sinh trong môn Ngữ văn còn mang tính áp đặt, chưa chú trọng phát huy những mặt tích cực của cá tính, trí tưởng tượng, năng lực ngôn ngữ, văn học, tư duy hình tượng và logic của học sinh. Kiểm tra chủ yếu chú ý đến yêu cầu tái hiện kiến thức và đánh giá qua điểm số. Trong đánh giá kết quả học tập cuối học kỳ, cuối năm học, cuối cấp học, vẫn dùng các văn bản đã học trong sách giáo khoa làm ngữ liệu xây dựng đề kiểm tra viết, dẫn đến tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn…

Nhận định điểm yếu là dạy học Ngữ văn hiện nay còn nặng về kiến thức sách vở, lý thuyết; ít kiến thức thực tế, thực hành… nên dập khuôn máy móc, cô Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Tổ trưởng Tổ Ngữ văn - Ngoại ngữ, Trường THPT Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội), chia sẻ, phải phát huy được tối đa các năng lực của người học và chức năng, bản chất của văn chương. Chương trình, sách giáo khoa cũng có vai trò quan trọng đối với đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá với môn học này.

Ảnh minh họa/INT

Ảnh minh họa/INT

Mong thay đổi triệt để

Nói về yếu tố quan trọng giúp thực hiện đổi mới dạy học Ngữ văn, cô Vũ Thị Dung nhấn mạnh đến nhận thức đúng đắn của giáo viên về sự khác biệt giữa Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2018 với Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn 2006. Nếu không nắm chắc được sự thay đổi, giáo viên hoặc sẽ loay hoay không biết dạy thế nào, hoặc sẽ quay trở về lối dạy cũ.

“Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành văn bản hướng dẫn về đổi mới dạy học, kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn, tôi và nhiều giáo viên thực sự mong muốn việc đổi mới sẽ được thực hiện triệt để, chất lượng ở mọi cơ sở giáo dục chứ không chỉ là hình thức. Hy vọng học trò sẽ biết cách đọc, viết, nghe, cách nói thực sự, dù đứng trước bất cứ tình huống nào trong học tập hay cuộc sống”, cô Vũ Thị Dung bày tỏ, đồng thời chia sẻ một số kinh nghiệm trong dạy học Ngữ văn bằng việc đọc mở rộng (theo thể loại, chủ đề, tác giả) để ngoài những gì được học trong sách giáo khoa, học sinh sẽ mở rộng thêm vốn đọc.

Cô Dung đồng thời cho rằng, việc đọc cần đi liền với ghi chép và viết. Chẳng hạn: Ghi nhật ký đọc, làm bài tập tạo lập văn bản (viết đoạn, viết bài). Một giải pháp cũng được cô Vũ Thị Dung thực hiện hiệu quả là hướng dẫn học sinh thiết kế các sản phẩm học tập Ngữ văn theo tinh thần sáng tạo nhưng vẫn bảo đảm chất văn.

Có cùng quan điểm, cô Nguyễn Thị Bích Liên cũng kỳ vọng triển khai hiệu quả hướng dẫn của Bộ GD&ĐT sẽ khắc phục tình trạng dạy học nặng về thuyết giảng, đọc chép và yêu cầu thuộc lòng theo văn mẫu. Hình thành cho học sinh cách học, tự học, từ phương pháp tiếp cận, đọc hiểu đến cách thức tạo lập văn bản và nghe - nói. Thực hành, luyện tập, vận dụng nhiều kiểu văn bản khác nhau để sau khi rời nhà trường, các em tiếp tục học suốt đời và có khả năng giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Theo cô Liên, để thay đổi việc dạy học Ngữ văn, giáo viên phải hội đủ điều kiện về kiến thức, năng lực giảng dạy, lòng nhiệt huyết, yêu nghề, không ngừng tự học và sáng tạo. Không có phương pháp vạn năng áp dụng tốt như nhau cho tất cả học sinh. Bởi vậy chỉ có thể áp dụng một số phương pháp phù hợp xuất phát từ đặc điểm bộ môn Ngữ văn (Tiếng Việt, đọc hiểu văn bản, tập làm văn) để giúp trò học tập hiệu quả. Cần khuyến khích học sinh đọc sách, tài liệu nhưng phải dùng đúng, xem nó như một công cụ, tuyệt đối không để lệ thuộc sách tham khảo.

“Thầy cô hãy chú trọng “dạy cách” (cách đọc sách, suy luận để tìm tòi và phát hiện kiến thức mới…), từ chủ yếu quan tâm học sinh “học cái gì” chuyển sang quan tâm “học như thế nào”. Thầy cô đồng thời là người truyền cảm hứng giúp học trò có tinh thần thoải mái, hứng thú học tập.

Người thầy sẽ phải định hướng việc học của học sinh nhiều hơn thông qua giúp các em tìm ra phương pháp học, tìm kiếm thông tin và chắt lọc xử lý để hình thành kiến thức mới, từ đó vận dụng vào thực tiễn. Tri thức thực tế thông qua quan sát, suy ngẫm từ cuộc sống rất quan trọng. Những bài học ấy giúp học sinh làm giàu vốn sống, sống tốt hơn. Đích đến của môn Ngữ văn chính là cuộc sống, nó đến từ cuộc sống và quay trở lại phục vụ cuộc sống” - cô Nguyễn Thị Bích Liên nêu quan điểm.

Cô Nguyễn Thị Lan Hương hy vọng, thực hiện tốt hướng dẫn của Bộ GD&ĐT sẽ góp phần tăng chất lượng dạy và học môn Ngữ văn, để văn học là nhân học, là cuộc sống muôn màu. Làm được việc này phải thay đổi toàn diện, nhất quán từ đội ngũ giáo viên đến nhận thức về vai trò bộ môn của lãnh đạo. Chương trình, biên soạn sách giáo khoa phải bám sát người học và mục tiêu cần đạt. Cách kiểm tra đánh giá linh hoạt vừa theo xu thế hiện đại, vừa đúng đặc thù bộ môn…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ