Ôn tập mùa dịch: Bí kíp ôn thi đánh giá năng lực môn Ngữ văn

GD&TĐ - Phương thức tuyển sinh đại học dùng kết quả đánh giá năng lực đang “nóng” trên các diễn đàn tuyển sinh.

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh: INT
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021. Ảnh: INT

Môn Văn học - Ngôn ngữ (Ngữ văn) là một trong hai môn chính trong cấu trúc đề thi đang thu hút quan tâm đặc biệt của học sinh và phụ huynh. 

Ôn thi đánh giá năng lực

Học sinh cần tìm hiểu và tham vấn để chọn phương thức tuyển sinh nào phù hợp nhất với mình. Đánh giá năng lực và kiểm tra tư duy là lựa chọn phù hợp với nhiều học sinh hiện nay.

Thi đánh giá năng lực nhiều ưu điểm, thí sinh có thể thi nhiều đợt, kết quả được bảo lưu, thêm cơ hội vào trường tốp và ngành hot. Điều chỉnh kế hoạch và phương pháp ôn tập là điều cần làm ngay.

Theo đó, những em có nguyện vọng vào trường đại học tốp trên thường nắm vững kiến thức, kỹ năng 3 môn theo khối và các môn thi tốt nghiệp hoặc thi chứng chỉ ngoại ngữ nên việc ôn tập 7 môn (chủ đạo là Toán, Ngữ văn và Lý - Hóa - Sinh, Sử - Địa) không khó. Đề thi có 50% câu hỏi ở mức độ nhận biết, thông hiểu và vận dụng thấp, câu hỏi vận dụng cao để phân hóa điểm giỏi.

Theo các chuyên gia, kiến thức và kỹ năng làm bài thi đánh giá năng lực rộng hơn và dễ hiểu hơn bài thi truyền thống. Điều quan trọng nhất là thí sinh cần có năng lực hiểu biết cơ bản của nhiều môn và phải tư duy, suy luận và vận dụng hiểu biết của mình để giải quyết tình huống thực tiễn đề bài hỏi. Ôn thi đánh giá năng lực giúp các em tự tin vượt qua luôn 6 môn tốt nghiệp.

Từ phương pháp học giải bài, viết bài, học tủ, học lệch, ôn thi đánh giá năng lực giúp các em rèn tập phương pháp tư duy, suy luận và cách đọc hiểu các loại văn bản. Các em sẽ dành quỹ thời gian viết bài luận, dành thời gian cho môn trái ban và luyện đề mẫu để củng cố kiến thức, kỹ năng.

Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM năm 2021. Ảnh: INT
Thí sinh làm thủ tục vào phòng thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TPHCM năm 2021. Ảnh: INT

Bí kíp ôn phần định tính Ngữ văn

Đọc hiểu văn bản

Lợi thế thuộc về thí sinh nào biết đọc nhanh và hiểu đúng ngữ liệu của đề. Các em cần đọc lướt và đọc chậm mỗi câu hỏi: Đề cho biết gì và hỏi vấn đề gì. Câu hỏi dù ngắn hay dài cũng trả lời đầy đủ.

Tiếp đó, tìm từ khóa và gợi ý đáp án trong ngữ liệu đề bài. Các em cần tự tin, không vội vàng tránh nhầm lẫn.

Hệ thống hóa kiến thức cơ bản

Phần năng lực ngôn ngữ tiếng Việt cần ôn tập và nhận biết: Từ vựng, ngữ pháp, tu từ, phong cách ngôn ngữ, phương thức biểu đạt, đoạn văn, liên kết đoạn, quy tắc chính tả, hàm ý… Có nội dung các em đã biết làm được ngay, có thứ phải suy luận logic.

Phần văn học gồm: Thể loại văn học thơ, truyện, nội dung đoạn, biện pháp nghệ thuật, cách hiểu từ ngữ, chi tiết, hình ảnh, nhân vật… Các em chỉ cần bình tĩnh suy luận để chọn trong 4 gợi ý đáp án nào đúng nhất.

Mỗi thí sinh một đề bài riêng. Đề bài dài hàng chục trang với câu hỏi dễ hiểu và gần gũi cuộc sống. Các dữ liệu trong sách giáo khoa hoặc mới lạ đều phù hợp với trình độ và tâm lý học trò.

Xử lý dữ liệu đề bài

Nội dung bài thi tích hợp đầy đủ cả về kiến thức và khả năng tư duy với hình thức cung cấp số liệu, dữ liệu với những công thức cơ bản, từ đó đánh giá khả năng suy luận và giải quyết vấn đề của mỗi thí sinh, bài thi không đánh giá khả năng ghi nhớ.

Ưu thế của bài thi đánh giá năng lực là học sinh không phải thuộc lòng, nhớ lâu, không phải viết bài luận như đề truyền thống. Các em cần đọc kỹ đề và dùng năng lực hiểu biết và tư duy, phán đoán, suy luận để phân tích dữ liệu, tìm đáp án chính xác nhất.

Sử dụng “các mẹo hay” làm đề trắc nghiệm (chọn đáp án, điền khuyết, loại trừ, phỏng đoán, phân chia thời gian, làm lần lượt…). Câu dễ, chắc chắn làm trước và dùng phép loại trừ logic làm hết câu hỏi khó còn lại.

Chiến thuật cuốn chiếu

Nắm vững dạng câu hỏi, phạm vi kiến thức của bài thi đánh giá năng lực Văn học và Ngôn ngữ. Các em có thế mạnh tư duy logic sẽ thích loại câu hỏi trắc nghiệm này.

Thực hiện chiến thuật cuốn chiếu, ôn dứt điểm từng phần, chương theo trình tự từ lớp 10. Tự ôn tập kiến thức cơ bản và tự làm bài thi mẫu, ghi lại những nội dung mình chưa hiểu, hỏi thầy cô, bạn bè để củng cố. Tranh thủ đọc tài liệu để thu thập mở mang kiến thức và kỹ năng liên môn và từng môn.

Lập kế hoạch cá nhân theo từng giai đoạn, kế hoạch thi thử và luyện đề trên máy. Chăm lo sức khỏe, cân bằng tâm lý học tập, tích cực phòng chống Covid.

Chuyển đổi cách học và cách thi mới là một quyết định khó khăn. Các em đã chọn thi đánh giá năng lực và tư duy cần tự tin, kiên trì và quyết tâm, không dao động để ôn tập và thi hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ