Ký ức tuổi thơ bên nội

GD&TĐ - Tôi thấy mình may mắn vì hồi nhỏ được sống với ông bà nội.

Ký ức tuổi thơ bên nội

Ông thường dậy lúc 4h30 sáng, nhóm lò nấu cơm cho cả nhà ăn. Hồi ấy nhiên liệu là than quả bàng. Ông có một cái ống bằng tre, nhóm lò lên xong là ghé miệng thổi phù phù vào đó. Ngọn lửa bốc to lên, than kêu tí tách, nảy ra những đốm lửa nhỏ xinh bay vút lên. Anh em tôi mắt chữ o mồm chữ a xem ông phù phép, cảm thấy sao ông tài tình như một vị thần!

Thế hệ chúng tôi dậy sớm lắm. 5h sáng là giờ tập thể dục ở phường (ngày xưa gọi là tiểu khu phố). Rồi về ăn cơm, đi học, một buổi thôi. Còn nửa ngày là ở nhà với ông bà. Bố mẹ tôi đều đi làm đến chiều tối mới về.

Ông là người dạy chúng tôi viết chữ và kèm cặp chúng tôi học hành. Chữ ông đẹp lắm! Thời ấy người cao tuổi được học chữ và có thể kèm cháu học ở nhà như ông chưa nhiều. Và người đàn ông dậy sớm nấu cơm cho cả gia đình ăn cũng chưa nhiều.

Vai vế ông tôi trong họ cao lắm. Nhưng ông đã làm tất cả để nuôi dưỡng, nâng đỡ cho con, cho cháu. Đức tính khiêm cung của ông khiến cho cả họ mạc nội ngoại đều kính nể.

Tôi chưa nhìn thấy bà tôi đọc và viết bao giờ. Nghe nói bà thời trẻ là một người phụ nữ tần tảo. Có thể bà không biết chữ, nhưng sao bà thuộc rất nhiều ca dao và truyện cổ tích.

Sau mỗi bữa cơm, dù trưa hay chiều, tôi đều được nằm khểnh nghỉ ngơi trên tấm phảm mát lạnh với ông bà. Tay bà cầm chiếc quạt phe phẩy, miệng bà ngân nga mấy câu ca dao, hay kể một câu chuyện gì đó. Và tôi chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Tôi không có nhiều ký ức về việc bố mẹ giảng dạy cho chúng tôi về chữ hiếu, hay cung cách giữ phép lễ độ với người trên như thế nào. Có lẽ vì chúng tôi còn quá nhỏ. Chúng tôi cứ nhìn cách bố mẹ và các cô chú trong họ kính trọng, trân quý đức hy sinh của ông bà, và nhìn cách ông bà kính lễ tổ tiên mà học theo nếp đó thôi.

Tôi chỉ nhớ rằng những tháng ngày được ở bên ông bà cảm giác như mình được che chở, bao bọc nhiều lắm. Trong lòng đứa trẻ như tôi thấy an nhiên, không hoang mang sợ hãi, cảm nhận rất rõ ràng sự vững chãi của gia đình, có thể vì ông bà đã giúp con trẻ kết nối được với tổ tiên, nguồn cội. Tôi biết ơn ông bà nhiều lắm!

Đến khi tôi có con, bọn trẻ cũng được ở gần gia đình hai bên nội ngoại. Làm mẹ rồi, nên tôi ý thức được rõ ràng hơn sự may mắn của cả cha mẹ lẫn trẻ nhỏ khi được gần gũi với ông bà.

Chỉ ông bà mới có thể công phu dạy cho trẻ biết cảm ơn cả những người mà mình trả tiền cho họ. Chỉ ông bà mới có đủ sự kiên trì để luyện cho con đi vòng ra phía sau người lớn chứ không đi qua trước mặt đến khi thuộc lòng. Chỉ ông bà mới có thể tỉ mỉ dạy con trẻ khi vào bữa mời từng người một trong gia đình theo thứ tự từ trên xuống dưới chứ không dùng từ “mời mọi người ăn cơm” để mời người lớn tuổi hơn mình. Chỉ ông bà mới có thể thư thả cho con đi chơi công viên, gần gũi với thiên nhiên hàng ngày, nghe những câu chuyện không đầu không cuối của con, vui cười với những niềm vui nhỏ bé của con.

Ông bà là người có thể cho các con thời gian, sự hiện diện trọn vẹn, sự cảm thông và bao dung, bình tĩnh giảng giải phân minh cho con trẻ hiểu chuyện - những món quà vô giá giúp tưới tắm đủ đầy tâm hồn những đứa trẻ trong lúc bố mẹ chúng vắng nhà. Tôi biết ơn bố mẹ nhiều vô kể. Sự yểm trợ của bố mẹ đã gánh đi bao nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống cho cái, mang lại sự vững chãi trong tâm hồn cho trẻ thơ.

Bây giờ khi làm bà, tôi mới hiểu thêm một điều rằng chăm sóc một đứa trẻ giúp cho tâm hồn mình trong trẻo lại, để có thể nhìn cuộc đời này thật đơn giản vô tư, biết yêu thương và bao dung, hàm ơn từ những điều nhỏ bé nhất. Khi chăm con trẻ, tôi thấy mình là hiện thân của ông bà, bố mẹ ngày xưa.

Tôi thấy biết ơn vì gia đình đã cho mình một nếp sống như vậy, một con đường tiếp nối. Mong muốn của tôi là những gì tốt đẹp mình được nhận từ thế hệ trước thì sẽ cố gắng trao truyền cho thế hệ sau. Cùng với sự thay đổi hài hoà cho hợp với hoàn cảnh hiện tại, mình hoàn toàn có thể yên tâm bước đi, đồng hành với con cháu mà không phải hoang mang, suy nghĩ nhiều.

Sau tất cả, tôi cầu mong cho mọi gia đình được gần gũi bên nhau cả ba bốn thế hệ.

Có thể không nhất thiểt ở cùng nhau dưới một mái nhà, nhưng giữ được sợi dây tình cảm, kết nối với nhau mật thiết. Để cùng nuôi dưỡng tình thương yêu và lòng biết ơn. Cho những đứa trẻ luôn vững vàng vì có gốc có rễ. Giúp người lớn tuổi an vui vì được làm điểm tựa cho thế hệ tiếp nối của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ