Dạy con cách ăn lịch sự

GD&TĐ - Có những kỹ năng cha mẹ cần dạy trẻ để hình thành thói quen lịch sự khi ăn uống.

Bố mẹ nên dạy trẻ cách ăn uống lịch sự trước, trong và sau bữa ăn. Ảnh minh họa.
Bố mẹ nên dạy trẻ cách ăn uống lịch sự trước, trong và sau bữa ăn. Ảnh minh họa.

Hình thành thói quen trước bữa ăn

Nhiều phụ huynh phàn nàn về thói quen ăn uống không tốt của con như biếng ăn, vừa ăn vừa chơi điện thoại, ăn uống rơi vãi nhiều… Việc hướng dẫn cho con trẻ ăn uống ngay từ nhỏ là rất cần thiết để uốn nắn trong quá trình hình thành kỹ năng sống.

Cách ăn uống cũng là một yếu tố để người khác đánh giá được tính cách của con người.

Theo cô Vũ Thu Trang, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Hồng (Hà Nội), không chỉ trong lúc ăn uống mà trước bữa ăn cũng có những nguyên tắc cần dạy trẻ như vệ sinh chân tay sạch sẽ. Bởi tính hiếu động và ham chơi nên tay bé tiếp xúc với vi khuẩn và bụi bặm, việc vệ sinh tay trước mỗi bữa ăn nhằm bảo vệ chính sức khỏe của bé.

Bên cạnh đó, một số bé khi còn quá nhỏ còn chưa ý thức được nhiều nên dùng tay bốc đồ ăn, đồ chơi và nhiều thứ khác nữa. Nếu không vệ sinh tay trước khi ăn có thể tăng khả năng bị nhiễm khuẩn hoặc các bệnh về đường tiêu hóa. Cha mẹ hãy nhắc nhở trước mỗi bữa ăn và cùng bé rửa tay, dần dần sẽ tạo thành thói quen cho con.

Cô Trang cũng cho rằng, phép lịch sự trong bữa ăn mà bé cần biết chính là chờ đợi người khác ngồi vào mâm cơm, đặc biệt là người lớn. Thường nhiều cha mẹ cho rằng trẻ con đói bụng có thể được ưu tiên ăn trước. Điều này vô tình sẽ gây ra cho con sự ỷ lại và hình thành thói quen xấu, không biết tôn trọng người lớn.

“Bữa cơm là thời gian quây quần, mỗi người nên có ý thức chờ đủ người rồi mới dùng bữa, tránh trường hợp người ăn trước người ăn sau sẽ không phù hợp và giảm đi tính gắn kết giữa các thành viên trong gia đình”, cô Trang nhấn mạnh.

Lời mời trước bữa cơm là quy tắc và phép lịch sự cơ bản mà người lớn nên dạy sớm cho bé. Khi trong bàn có người lớn như ông, bà, anh, chị… bé nên mời mọi người trước khi ăn. Cha mẹ hãy làm gương bằng cách mời cả nhà ăn cơm, các bé sẽ có xu hướng làm theo. Sau đó hãy giải thích cho bé việc mời dùng cơm thể hiện sự lễ phép, lịch sự và tôn trọng với người lớn, dần dần bé sẽ hiểu và tự giác cho những lần sau.

an lich su.png
Ảnh minh họa.

Phép lịch sự trong bữa ăn

Trong các bữa ăn dù là trong gia đình thân thiết hay với người ngoài thì vấn đề ngồi ngay ngắn, lịch sự cũng nên được chú ý. Các bé thường hay nghịch ngợm, thích chạy chơi trong khi ăn, ngay từ thời gian đầu cha mẹ nên nghiêm khắc về vấn đề này.

Dạy con ăn uống lịch sự từ việc ngồi đúng tư thế, không được rung đùi hoặc đạp chân lung tung tránh ảnh hướng đến người khác. Ngoài ra, phụ huynh cũng nên căn dặn thêm về các lưu ý như: Không được bốc tay hoặc làm rơi vãi đồ ăn, không được vừa ăn vừa chơi, không vừa ăn vừa nói chuyện hoặc gây ra tiếng động khi ăn…

Đồng thời, trẻ cũng cần được dạy phép lịch sự trong bữa ăn như học cách nhờ người khác lấy giúp thức ăn thay vì rướn người ra để cố lấy. Khi ấy con có thể sẽ làm ảnh hưởng đến người bên cạnh hoặc dễ làm rơi đồ ăn, gây mất vệ sinh và khó chịu cho người khác. Đừng quên dạy bé cách nói cảm ơn khi nhận được sự giúp đỡ từ mọi người.

Cô Vũ Thu Trang chia sẻ, một số cha mẹ cho rằng không nên ép bé ăn nhiều, tuy nhiên nếu để thừa lại đồ ăn dần dần sẽ tạo thành tính lãng phí và không biết trân trọng thức ăn. Thay vào đó, phụ huynh có thể dặn bé lấy lượng thức ăn vừa đủ và ăn hết phần thức ăn của mình. Đây không chỉ là việc dạy con ăn uống lịch sự, mà còn tạo nên thói quen tiết kiệm, không phung phí và tôn trọng người nấu.

Ngoài ra, phụ huynh có thể cho con tham gia cùng nấu ăn để bé cảm nhận được việc nấu ăn tốn thời gian và công sức như thế nào.

Theo cô Trang, hành động xới, lựa chọn đồ ăn được cho là vô cùng bất lịch sự trên bàn ăn. Nếu món ăn đó mình không thích thì có thể lựa chọn món khác hoặc quan sát trước khi gắp. Bố mẹ nên dạy trẻ cách ăn uống lịch sự không làm lộn xộn đĩa thức ăn gây vung vãi, mất mỹ quan.

Cũng theo cô Trang, quan niệm từ xưa cho rằng việc cắm đũa thẳng lên bát cơm chỉ dành để cúng lên tổ tiên. Cho đến nay nhiều người vẫn tin vào quan niệm này và không cho người khác cắm đũa như vậy. Hay việc gõ đũa vào bát để phát ra tiếng kêu, hành động này gây ồn ào và ảnh hưởng đến người xung quanh. Do vậy, người lớn cần nói cho con hiểu để tránh những hành động đó.

Khi ăn cơm chung với người khác nên gắp thức ăn bỏ vào bát riêng của mình chứ không nên đưa thẳng vào miệng. Hành động này có thể làm rơi vãi đồ ăn, gây mất vệ sinh và nhìn không được lịch sự.

Thường nhiều người có thói quen trong bữa ăn sẽ kể chuyện. Việc này không hẳn là không được nhưng cũng nên hạn chế. Đôi khi vừa ăn vừa nói sẽ làm rơi vãi thức ăn lung tung, những người xung quanh cũng không nghe được những gì mình nói. Cha mẹ nên nhắc bé từ sớm vì trẻ con hiếu động, nói chưa rõ và ăn uống cũng chưa được thuần thục nên có thể gây ra tình huống khó chịu cho người xung quanh.

Sau bữa ăn, có thể có những món ăn không phù hợp với khẩu vị của mình nhưng không nên chê bai, thay vào đó hãy cảm ơn vì họ đã bỏ tâm huyết ra nấu cho mình.

Được xem là một phép lịch sự cần thiết, khi ăn xong cha mẹ hãy nhắc trẻ xin phép đứng lên trước và mời mọi người tiếp tục dùng cơm. Dù là hành động nhỏ nhưng cũng thể hiện được sự tinh tế của mình, dần dần tạo cho bé thói quen và sẽ được nhiều người đánh giá cao hơn. Đồng thời, các bé có thể chủ động lấy tăm và hoa quả cho người thân, điều này thể hiện sự yêu thương và lễ phép đối với mọi người.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.