Là cha mẹ, chúng ta quan tâm nhiều đến cách trẻ giao tiếp và cư xử. Phụ huynh sẽ sửa sai khi trẻ mắc lỗi và luôn mong con mình có cách cư xử tốt thay vì thô lỗ. Tuy nhiên, không phải lúc nào các bậc cha mẹ cũng chú ý đến lời nói và hành động của bản thân.
Đánh giá cách nói chuyện với con
Chúng ta thường khó có thể nhìn nhận hành động của mình một cách khách quan. Khi xem xét câu hỏi về cách phụ huynh mô tả về tương tác với con mình hằng ngày, hãy tưởng tượng mình đang ghi và phát lại hình ảnh, âm thanh. Liệu, giọng nói của cha mẹ có đầy tính kiên nhẫn và yêu thương?
Phụ huynh liệu đã thể hiện sự quan tâm đến những gì con mình nói? Hay, phụ huynh có xu hướng kiểm soát, thay vì hoàn toàn chú ý đến trẻ? Nói cách khác, nếu “lục lại ký ức”, các cha mẹ có nghĩ mình đang giao tiếp với con ở trạng thái tốt nhất không?
Nếu câu trả lời là “Không”, hãy nghĩ xem có thể làm gì để thay đổi cách bạn giao tiếp với con mình. Giọng nói của cha mẹ có gay gắt, thiếu kiên nhẫn hoặc tức giận khi nói với con lúc trẻ mắc lỗi không? Cha mẹ có tỏ ra khó chịu với con mình ngay cả khi trẻ không làm gì sai, mà chỉ vì phụ huynh cảm thấy mệt mỏi không?
Phụ huynh hãy suy nghĩ về giọng điệu mình sử dụng và chú ý đến cách có thể dịu lại khi nói chuyện với con mình, ngay cả khi đang khắc phục một vấn đề về hành vi.
Nên sử dụng giọng điệu tích cực
Các chuyên gia đã nêu một số lý do quan trọng tại sao giọng điệu và từ ngữ mà cha mẹ sử dụng có thể khiến giao tiếp và tương tác giữa phụ huynh - con trở nên tích cực hơn.
Trẻ sẽ có nhiều khả năng lắng nghe hơn
Đây là logic cơ bản. Điều phụ huynh cần làm là trả lời câu hỏi: Chúng ta thích một người đối diện nói chuyện bằng giọng điệu gay gắt hoặc phê phán, hay bình tĩnh, hợp lý và tử tế?
Ngay cả khi có sự bất đồng hoặc phụ huynh cần sửa điều gì đó mà con đang làm, thì một giọng nói nhẹ nhàng, ngay cả khi cứng rắn, có thể sẽ thu hút được sự chú ý của trẻ hiệu quả hơn. Trẻ cũng có nhiều khả năng lắng nghe những gì cha mẹ nói hơn.
Trở nên tức giận một cách không hiệu quả
Khi la hét hoặc nói năng hung hăng với con, phụ huynh sẽ ít có được kết quả tốt và thậm chí có thể gây tổn hại cho mối quan hệ gia đình. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy, la hét có thể gây hại. Chắc chắn, trẻ có thể lắng nghe trong thời gian ngắn. Song, nếu muốn con phát triển những kỹ năng cần thiết để điều chỉnh hành vi thì việc nói chuyện tử tế rõ ràng là điều tốt nhất.
Trẻ học từ hành vi của người lớn
Cách chắc chắn nhất để khiến trẻ nói chuyện tử tế với phụ huynh là cha mẹ cần giao tiếp đúng mực với con. Nếu cha mẹ liên tục chỉ trích và nói năng gay gắt với con, thì trẻ cũng có thể làm điều đó với phụ huynh.
Quan hệ bền chặt hơn
Khi đối xử với con bằng sự tôn trọng và tử tế, cha mẹ sẽ củng cố mối quan hệ của mình hơn. Cha mẹ đừng ngại nói “Cảm ơn” khi nói chuyện với con. Sau đó, hãy giải thích rằng, cha mẹ cũng mong đợi con làm như vậy. Đối xử lịch sự và tôn trọng với nhau sẽ đưa các thành viên trong gia đình đến gần nhau hơn. Trong khi đó, những lời nói ác ý và giọng gay gắt sẽ có tác dụng ngược lại.
Trẻ sẽ được tôn trọng hơn
Khi cha mẹ sử dụng giọng nói tử tế với con ở nhà, trẻ sẽ tự nhiên làm điều này ở trường cũng như những môi trường khác. Sẽ không lâu nữa, những người xung quanh trẻ sẽ nhận xét về cách cư xử tử tế và cách nói chuyện dễ thương đó. Khi đó, trẻ sẽ tự hào về những kỹ năng này.
Các chuyên gia cho rằng, việc rèn luyện phép xã giao cho trẻ là một nỗ lực đầy thách thức, nhưng đáng giá. Phụ huynh có thể nghĩ rằng, trẻ có cách cư xử tự nhiên. Tuy nhiên, điều quan trọng là cha mẹ phải dạy và củng cố những kỹ năng quan trọng này cho con mình.
Một đứa trẻ ngoan ngoãn sẽ nổi bật vì tất cả những lý do chính đáng. Nói “làm ơn” và “cảm ơn”, tỏ ra tôn trọng, lịch sự và cư xử đúng mực trên bàn ăn sẽ khiến trẻ được giáo viên và các phụ huynh khác chú ý. Từ đó, giúp xây dựng sự tự tin, tính độc lập và lòng tự trọng của trẻ.
Tuy nhiên, việc dạy cách cư xử tốt cho trẻ có thể hơi khó khăn. Có thể khó thuyết phục một đứa trẻ tuân theo các phép xã giao cơ bản khi bạn cùng lứa ở trường hoặc trên mạng có thể không làm như vậy. Tiến sĩ Siggie Cohen - nhà trị liệu trẻ em và gia đình ở Los Angeles, California (Mỹ), cho biết: Cách tiếp cận lý tưởng là kết hợp sự hướng dẫn trực tiếp, mô hình hóa hành vi mà phụ huynh muốn thấy và củng cố những kỳ vọng bằng lời khen ngợi, đưa ra hậu quả nếu cần.
Lời khuyên dạy trẻ cách cư xử
Khi đã đưa ra danh sách các cách cư xử muốn trẻ thấm nhuần, phụ huynh có thể bắt đầu dạy cho con mình. Điều quan trọng là phải hiểu rằng, cách cư xử chỉ đơn giản là những hành vi mà phụ huynh muốn thấy ở con mình. Ông Arthur Lavin - bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Akron ở Beachwood, Ohio (Mỹ), cho biết, công việc của phụ huynh là thiết lập những kỳ vọng về hành vi cho con, bằng cách dạy chúng những gì nên và không nên làm.
Cung cấp hướng dẫn rõ ràng
Người lớn có thể thấy rõ ràng rằng, chúng ta nên nhìn thẳng vào mắt mọi người và dành toàn bộ sự chú ý cho họ khi nói chuyện. Chúng ta có thể biết rằng, việc há to miệng nhai hoặc gác chân lên bàn ăn là hành vi không tốt. Song, trẻ em có thể không biết hoặc không hiểu được điều này nếu không ai nói rõ ràng. Tiến sĩ Cohen nói: “Không cần khiến trẻ xấu hổ hay bối rối. Thay vào đó, chỉ cần cho trẻ biết chính xác những mong đợi của cha mẹ là gì”.
Theo chuyên gia này, phụ huynh không cần phải dài dòng chỉ trích hay tranh luận về những điểm tốt trong cách cư xử. Trẻ cũng không cần phải đồng ý hay hài lòng với những kỳ vọng của cha mẹ. Tuy nhiên, trẻ sẽ có nhiều khả năng làm theo hơn nếu hiểu lý do.
Giữ kỳ vọng phù hợp với lứa tuổi
Phụ huynh nên điều chỉnh kỳ vọng theo độ tuổi và mức độ phát triển của con. Trẻ mới biết đi có thể bắt đầu với những điều cơ bản như nói “làm ơn”, “cảm ơn” và “xin lỗi”. Cha mẹ cũng có thể rèn luyện tính kiên nhẫn của trẻ.
Khi trẻ ở độ tuổi 12 hoặc thiếu niên, phụ huynh có thể tập trung vào những cách cư xử khó hơn, như các kỹ năng giao tiếp phức tạp. Tuy nhiên, trẻ sẽ mắc lỗi về cách cư xử. Khi đó, cha mẹ hãy coi những sai lầm là cơ hội để trẻ học hỏi.
Đôi khi, sẽ rất hữu ích khi thực hiện từng lĩnh vực một, chẳng hạn như cách cư xử cơ bản trên bàn ăn, trước khi chuyển sang các kỹ năng khác như nghi thức cần có khi đi ăn ngoài. Tiến sĩ Cohen cho biết, nếu phụ huynh giao cho con mình quá nhiều thứ để học cùng một lúc, trẻ có thể bị choáng ngợp.
Sử dụng lời khen ngợi
Thông thường, trẻ muốn làm hài lòng cha mẹ. Càng nhận được sự chú ý tích cực về cách cư xử của mình, trẻ càng có nhiều khả năng biến điều đó thành thói quen. Vì vậy, phụ huynh hãy khen ngợi con mình khi bắt gặp trẻ có những hành vi tốt.
Phụ huynh có thể đưa ra sự củng cố tích cực ngay lập tức hoặc đợi một khoảnh khắc riêng tư. Lưu ý rằng, một số trẻ, đặc biệt là thanh thiếu niên và những trẻ mắc chứng lo âu xã hội, có thể cảm thấy xấu hổ và thích được khen ngợi mà không phô trương quá nhiều. Phụ huynh cũng có thể khen ngợi nỗ lực của trẻ ngay cả khi con làm không chính xác. Có thể, trẻ sẽ mất một thời gian để thành thạo những kỹ năng này và trở thành thói quen. Chỉ cần nhận thấy rằng, trẻ đang cố gắng, phụ huynh cũng có thể giúp thúc đẩy con mình tiếp tục phát huy.
Thực hành các tình huống mới
Tiến sĩ Cohen cho biết, cách tốt nhất để giúp rèn luyện cách cư xử tốt là cho trẻ nhiều cơ hội để thực hành những kỹ năng xã hội này. Việc nhập vai giúp trẻ có cơ hội thử những hành vi này trong một môi trường an toàn. Cha mẹ và con có thể tạo ra các tình huống khác nhau và phân biệt vai trò của mỗi người. Đây có thể là một chiến lược hữu ích khi cha mẹ bước vào một tình huống mới, chẳng hạn như nếu con bắt đầu đi học và sẽ gặp nhiều người.
Ngoài ra, chẳng hạn, để chuẩn bị cho bữa tiệc sinh nhật của con mình, phụ huynh có thể đóng vai cách cư xử khi mở quà. Nhắc nhở con mình cảm ơn từng đứa trẻ và thể hiện sự nhiệt tình, cũng như trân trọng món quà, ngay cả khi đó là thứ mà trẻ không thực sự yêu thích. Ngoài ra, hãy thực hành cách trò chuyện với từng vị khách và đảm bảo rằng, mọi người đều cảm thấy được chào đón.