Sau gần một tháng tiếp nhận đơn kêu cứu của người dân về việc người nhà bị lừa bán sang Campuchia, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Bạc Liêu đã phối hợp với các cơ quan chức năng giải cứu thành công nạn nhân.
Từ đây, đường dây mua bán người bằng thủ đoạn “việc nhẹ lương cao” nhắm vào thanh, thiếu niên ở khu vực biên giới biển được làm rõ.
Chuyên án lớn từ kêu cứu của người cha tội nghiệp
Chỉ huy trưởng BĐBP Bạc Liêu vừa có QĐ khởi tố đối với Bùi Thị Tuyết Nhanh (SN 2003) trú tại huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) và Phan Văn Hòa (SN 2000) trú tại TP Long Xuyên (An Giang) để điều tra, làm rõ hành vi mua bán người.
Trước đó, vào ngày 20/8/2022, ông T.T.H, trú tại TP Bạc Liêu (Bạc Liêu) có đơn đề nghị lực lượng Biên phòng giải cứu con mình là T.V.H (SN 2004) đang bị cưỡng bức lao động tại Campuchia.
Qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng phòng, chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) thuộc BĐBP Bạc Liêu đã phát hiện đường dây môi giới, tổ chức xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Từ đó, chuyên án mang bí số BL922p2 được thành lập để tổ chức đấu tranh với đường dây tội phạm này.
Ngày 11/9/2022, BĐBP Bạc Liêu phối hợp với Đoàn đặc nhiệm PCMT&TP miền Nam và Cục PCMT&TP, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Battambang-Campuchia và tổ chức Trẻ em Rồng Xanh giải cứu thành công nạn nhân T.V.H. Sau khi được giải cứu, ngày 13/9/2022, Bộ Chỉ huy BĐBP Bạc Liêu đã bàn giao nạn nhân T.V.H cho gia đình.
Cùng trong ngày 13/9, BĐBP Bạc Liêu đã tiếp nhận, kiểm tra, xác minh tin báo về tội phạm mua bán người từ đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh). Qua kiểm tra, xác minh có các đối tượng nằm trong đường dây lừa đảo nạn nhân T.V.H. gồm: Bùi Thị Tuyết Nhanh, Phan Văn Hòa và đối tượng tên Tài (biệt danh Khang nhỏ) cư trú ở TP Dĩ An (Bình Dương).
Hầu hết, các đối tượng này đều cư trú ngoài địa bàn, thường xuyên vắng mặt tại địa phương, thay đổi vị trí, chỗ ở, số điện thoại liên tục, gây ra rất nhiều khó khăn cho Ban Chuyên án. Đáng chú ý là nhóm tội phạm ở trong và ngoài nước có sự liên kết, tổ chức thành đường dây đưa đón hết sức chặt chẽ, khép kín từng công đoạn nên rất khó khăn cho công tác điều tra, phát hiện, bắt giữ, xử lý của các lực lượng chức năng.
Lực lượng phá án đã kiên trì thu thập chứng cứ ở các địa phương như: An Giang, Bình Dương, TPHCM, Tây Ninh, Kiên Giang. Ngày 9/10/2022, qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ, trinh sát Biên phòng phát hiện Nhanh và Hòa đang lẩn trốn tại thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh (TPHCM).
Lực lượng làm nhiệm vụ thuộc BĐBP Bạc Liêu đã phối hợp cùng Công an thị trấn Tân Túc, mời Nhanh và Hòa về trụ sở Công an làm việc, lấy lời khai, thi hành lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp. Nhanh và Hòa được áp giải về cơ quan Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bạc Liêu để điều tra về hành vi Mua bán người.
Hơn 4 tháng bị bán qua hơn 10 công ty
Đối tượng Hòa (bên phải) và Nhanh |
Tại BĐBP Bạc Liêu, Nhanh và Hòa khai nhận, thông qua kết bạn qua mạng Facebook các đối tượng đã nhắn tin dụ dỗ, lừa gạt và cấu kết với một số đối tượng ngoài tỉnh hình thành đường dây giới thiệu “việc nhẹ lương cao” làm việc tại Châu Đốc (An Giang). Tuy nhiên, sau đó các nạn nhân bị đưa sang Campuchia, các đối tượng trên được nhận số tiền 8 triệu đồng.
Trước đó, vào khoảng đầu tháng 5/2022, Nhanh nhắn tin qua messenger giới thiệu “việc nhẹ lương cao” với T.V.H. tại An Giang. Công việc chính là nhân viên đánh máy tính, ngày làm việc từ 8 - 12 giờ, 1 tuần cho nghỉ 1 ngày, 1 - 2 tháng cho về nhà 1 lần, mức lương khoảng 18 - 19 triệu đồng/tháng đầu. Sau đó tăng lương là 25 triệu đồng/tháng, ăn uống và chỗ ở công ty bao hết, không mất chi phí gì.
Theo chia sẻ của nạn nhân T.V.H., do tin lời đối tượng, ngày 11/5/2022, Nhanh, Hòa, Tài đưa xe đón anh T.V.H. và một người khác là L.M.H. (sinh năm 2000) trú tại thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Khi đến thành phố Châu Đốc, anh T.V.H. và L.M.H. được cho uống 2 chai nước suối trên xe, sau đó họ ngủ thiếp đi. Khi tỉnh dậy, họ thấy mình ở 1 công ty bên Campuchia, giáp với cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh).
“Khi sang làm việc tại xứ người thì trái hẳn với những lời hứa hẹn trước đó. Người của công ty (chủ yếu là người Trung Quốc) yêu cầu tôi lập 10 nick Facebook giả là nhân vật nữ để lừa đảo, lôi kéo khách hàng. Những người hướng đến là đàn ông trung niên, giàu có ở các nước, chào mời nạp tiền vào App trò chơi trên mạng để hùn vốn làm ăn. Người nào nhẹ dạ nạp tiền vào App công ty thì không lấy tiền lại được”, nạn nhân T.V.H. cho biết.
Cũng theo chia sẻ của nạn nhân T.V.H., trong thời gian ở bên Campuchia, anh bị bán qua hơn 10 công ty khác nhau. Việc làm ở các công ty là giống nhau, ngày làm việc với cường độ từ 17 - 18 giờ trên máy tính. Nếu không đạt chỉ tiêu sẽ bị đánh đập, nhốt, bỏ đói, còng tay, chích điện, bán đi nơi khác. Nếu muốn ra ngoài phải liên lạc về gia đình đòi 7.000 USD tiền chuộc, vì đã vi phạm hợp đồng lao động.
Theo chia sẻ của đại tá Hà Văn Thanh, Chỉ huy trưởng BĐBP Bạc Liêu, thời gian qua, các cơ quan truyền thông đã phản ánh rất nhiều thông tin về các vụ lừa đảo sang Campuchia làm việc với những lời dụ dỗ “việc nhẹ, lương cao”, không lao động vất vả vẫn có thể kiếm được nhiều tiền. Những lời mời gọi hấp dẫn đã đánh vào nhu cầu tâm lý cần việc, cần tiền của nhiều người.
Vì vậy, nhiều người dễ rơi vào cạm bẫy của những đối tượng lừa đảo, buôn người. Các nạn nhân bị đày đọa, cưỡng bức lao động, bị ép làm việc trong các đường dây tổ chức tội phạm ở Campuchia, trở thành lao động khổ sai.
“Những đối tượng buôn người không từ một thủ đoạn nào, coi con người như một món hàng để trao đổi sẽ bị trừng trị nghiêm trước pháp luật. Vụ việc cũng là lời cảnh tỉnh đối với nhiều người nhẹ dạ, cả tin đã mắc vào cái bẫy của các đối tượng”, đại tá Hà Văn Thanh nói.