Kỳ tích ở ngôi trường miền núi

GD&TĐ - Trường THPT DTNT Ngọc Lặc (Thanh Hóa) xếp thứ nhì toàn tỉnh về số lượng điểm 10 tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024...

Thầy và trò Trường THPT DTNT Ngọc Lặc (Thanh Hóa) trong giờ ôn tập. Ảnh: PV
Thầy và trò Trường THPT DTNT Ngọc Lặc (Thanh Hóa) trong giờ ôn tập. Ảnh: PV

Lấy khó khăn làm động lực

Thành lập tháng 8/2017, học sinh Trường THPT DTNT Ngọc Lặc chủ yếu là con, em đồng bào dân tộc thiểu số của 11 huyện miền núi Thanh Hóa. Tuy nhiên, những năm gần đây, chất lượng giáo dục nhà trường luôn nằm trong tốp đầu khối THPT cả tỉnh.

Tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Trường THPT DTNT Ngọc Lặc có điểm trung bình đạt 7,57 (xếp thứ 7 toàn tỉnh); tăng 33 bậc so với chất lượng đầu vào và có 25 điểm 10 (xếp thứ 2 toàn tỉnh).

Cô Hà Thu Dung - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, tuổi đời non trẻ cùng đặc thù trường chuyên biệt nên công tác quản lý và giảng dạy còn nhiều lực cản.

Một trong những lực cản mà nhà trường phải đối diện là chế độ chính sách còn nhiều bất cập, sự chuyển giao giữa Chương trình GDPT 2006 và Chương trình GDPT 2018 gây ra những thay đổi không nhỏ. Ngoài ra, thực hiện song song hai chương trình ở ba khối lớp, nên cán bộ, giáo viên nhà trường có những lúng túng nhất định... Tuy nhiên, khó khăn chính là động lực để ban giám hiệu và đội ngũ giáo viên nỗ lực, tìm giải pháp gỡ khó nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.

Với đa số học sinh vùng sâu, việc tiếp nhận kiến thức có phần hạn chế nên nhà trường bố trí đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên giảng dạy, công tác theo quy định, đảm bảo nhu cầu dạy và học hai Chương trình GDPT 2006 và Chương trình GDPT 2018. Cùng đó, ban giám hiệu tạo điều kiện tốt nhất cho công tác dạy học, ôn luyện đại trà và mũi nhọn; có cơ chế, chính sách để khuyến khích, động viên học sinh, giáo viên.

“Đối với giáo viên đứng lớp, các ban chuyên môn yêu cầu phải xác định từng nhóm học sinh, để lựa chọn nội dung, mức độ ôn tập. Quá trình ôn tập, giáo viên nắm chắc cấu trúc, phạm vi nội dung đề thi; thường xuyên cho học sinh làm quen các dạng đề, đặc biệt chú trọng hướng dẫn các em thực hiện tốt những câu hỏi khó, nâng cao. Giáo viên luôn quan tâm, động viên và đồng hành cùng học sinh suốt quá trình ôn tập”, cô Dung chia sẻ.

Đối với học sinh khối 12, ngay đầu năm học, ban giám hiệu cùng ban chuyên môn thường xuyên gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với nhóm có nguy cơ đạt điểm thấp và khả năng đạt điểm cao trong từng môn học. Ngoài phụ đạo ôn tập, giáo viên sẽ nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để định hướng phù hợp cho mỗi học sinh.

Nhờ sự đồng hành của giáo viên, các em phát huy tối đa khả năng bản thân với những môn có thế mạnh, biết lắng nghe, tiếp thu những nội dung giáo viên hướng dẫn. Sự thay đổi của các em dễ dàng nhận thấy ở giai đoạn “nước rút” khi biết tận dụng tối đa thời gian để học tập, nghiên cứu bài vở, nhất là tập trung luyện đề, chú trọng những câu hỏi khó, mang tính phân loại cao...

Cùng với hoạt động chính khóa, nhà trường tổ chức nhiều nội dung giáo dục ngoài giờ lên lớp, giáo dục hướng nghiệp dạy nghề, chú trọng giáo dục văn hóa các dân tộc, kỹ năng sống, tích hợp liên môn.

“Nhờ phương pháp phù hợp, học sinh nhà trường tiến bộ rõ rệt. Quá trình học, các em mạnh dạn, tự tin trao đổi và giãi bày với thầy cô những nội dung liên quan đến bài học, đề thi. Các em cũng tích cực học tập, nỗ lực để đạt nguyện vọng. Kết quả tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, phần nào đã phản ánh chất lượng giảng dạy của nhà trường thời gian qua”, cô Dung thông tin.

ky tich o ngoi truong mien nui (1).jpg
Lễ kết nạp đảng viên cho học sinh Trường THPT DTNT Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Ảnh: NTCC

“Quả ngọt” cho thầy và trò

Lữ Hà Trung - dân tộc Thái (trú huyện Quan Sơn) là 1 trong những học sinh đạt điểm 10 tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Điểm tổ hợp xét đại học của Trung cũng rất cao với 29 điểm, trong đó 2 điểm 10 môn Lịch sử và Địa lí; 9 điểm môn Ngữ văn.

Chia sẻ về học trò, cô Hoàng Thị Liên - giáo viên chủ nhiệm tự hào cho biết: “Lữ Hà Trung là lớp trưởng gương mẫu, có tinh thần xây dựng tập thể, được thầy cô, bạn bè tin yêu, quý mến. Bằng sự quyết tâm, nỗ lực ở năm học cuối, Trung đạt thành tích xuất sắc trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Đặc biệt, ngày 31/5/2024, em vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng”.

Được biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Trường THPT DTNT Ngọc Lặc có tỷ lệ học sinh đạt điểm 10 là 14,2%; tỷ lệ học sinh đạt 27 điểm trở lên là 48,3% (cao nhất khối THPT toàn tỉnh).

Đối với tổ hợp xét tuyển đại học, trường có 150 học sinh đạt 24 điểm trở lên. Trong đó, 4 học sinh đạt 29 điểm trở lên; 37 học sinh đạt 28 điểm trở lên và 44 em đạt 27 điểm trở lên.

Thầy Lê Văn Thảo - Phó Hiệu trưởng (phụ trách chuyên môn) thông tin, để có được kết quả cao tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT và trong năm học, nhà trường xác định chất lượng giáo dục là uy tín, danh dự. Do đó, ban giám hiệu yêu cầu các tổ chuyên môn phải phân công giáo viên vững chuyên môn giảng dạy, đặc biệt đối với lớp 12.

“Trường cũng tổ chức các kỳ thi khảo sát để đánh giá, phân loại học sinh. Những ưu, khuyết điểm và kết quả sẽ đều niêm yết trên bảng tin để trò thấy được mà phấn đấu nhằm đạt kết quả cao hơn trong các kỳ thi sau. Qua đó, giáo viên cũng điều chỉnh cách ôn tập để nâng cao kết quả giảng dạy tại các lớp được phân công”, thầy Lê Văn Thảo chia sẻ và nhấn mạnh:

Có được thành tích trên còn nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với phụ huynh. Ban giám hiệu luôn động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường cố gắng vượt qua khó khăn, phối hợp thật chặt chẽ với phụ huynh để đồng hành cùng con em. Đó là nền tảng vững chắc, giúp học sinh yên tâm, cố gắng phấn đấu vươn lên trong học tập.

“Những kết quả trên là quả ngọt cho sự nỗ lực vượt khó của tập thể cán bộ giáo viên nhà trường trong công tác giáo dục. Đó cũng là nguồn động viên tinh thần to lớn, tạo động lực cho trường giữ vững và phát huy tinh thần thi đua ‘Dạy tốt học tốt’, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong năm học tới”, thầy Lê Văn Thảo bày tỏ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ