Ngôi trường miền núi vượt khó, giữ vững và phát huy phẩm chất đơn vị anh hùng

GD&TĐ - Trường THCS Kỳ Tân là đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới, là lá cờ đầu của ngành GD&ĐT Kỳ Anh (Hà Tĩnh).

Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng chúc mừng tập thể giáo viên trường THCS Kỳ Tân.
Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng chúc mừng tập thể giáo viên trường THCS Kỳ Tân.

Từ khi thành lập đến nay, trường luôn khẳng định được vị thế của mình bằng con đường đi riêng, ngôi trường có phong trào giáo dục toàn diện.

Ngôi trường với bề dày 50 năm

Kỷ niệm 50 năm thành lập trường, tổng kết 20 năm đón nhận danh hiệu AHLĐ thời kỳ đổi mới Trường THCS Kỳ Tân tiếp tục được Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhì. Đây là phần thưởng cao quý, niềm vinh dự, tự hào của các thế hệ nhà giáo, các em học sinh Kỳ Tân, Đảng bộ và nhân dân Kỳ Tân nói riêng, ngành GD&ĐT Kỳ Anh, Hà Tĩnh nói chung.

Giáo dục miền Bắc giữa những năm bảy mươi của thế kỷ XX tôn vinh Kỳ Tân về sự sáng tạo vận dụng nguyên lý giáo dục của Đảng vào thực tiễn đời sống. Đó là đưa giáo dục thể chất, quân sự hóa vào trường học. Với phương châm: “Người ra trận đánh giặc và người ở lại hậu phương sản xuất đều phải có sức khỏe”. Kỳ Tân chọn hướng đi này làm khâu đột phá và đã thành công.

Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Tân.
Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thanh Mai, Hiệu trưởng Trường THCS Kỳ Tân.

Đất nước hòa bình và thống nhất: Chiến lược giáo dục lúc bấy giờ: “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”, Kỳ Tân đã đi trước đón đầu thực hiện sáng tạo phương châm giáo dục của Đảng đưa lao động vào nội khóa, làm vườn ươm, trồng rừng hiệu quả. Năm 2000, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Đất nước đổi mới, mọi chủ trương của Đảng được đi vào cuộc sống. Trường THCS Kỳ Tân đã vận dụng xã hội hóa giáo dục, huy động mọi nguồn lực tập trung cao độ cho nhà trường. Những thành quả xuất sắc mà Kỳ Tân làm nên được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng nhiều tấm Huân chương Lao động hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất và đặc biệt là Huân chương Độc lập hạng Nhì. Thành quả ấy đến đúng vào dịp 50 năm thành lập trường năm 2021.

Những năm gần đây, thực hiện Nghị quyết 29- NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục & Đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Trường THCS Kỳ Tân lại một lần nữa lựa chọn mục tiêu và con đường đi riêng, sáng tạo cho mình đó là: Tổ chức sáng tạo các hoạt động giáo dục trong nhà trường; chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống đạo đức, kỷ năng sống; phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo của học sinh để không ngừng đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới các hình thức tổ chức dạy học.

Các đơn vị trong tỉnh đến chúc mừng nhà trường nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập.
Các đơn vị trong tỉnh đến chúc mừng nhà trường nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày thành lập.

Đặc biệt, tổ chức các hoạt động giáo dục một cách sáng tạo, toàn diện và hiệu quả. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo tâm huyết sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; xây dựng môi trường giáo dục toàn diện phấn đấu xây dựng Trường THCS Kỳ Tân thành trường học hạnh phúc.

Luôn đổi mới, đa dạng các hình thức dạy học

Trường đã da dạng hóa các hình thức dạy học như: Dạy học gắn với di sản; Dạy học gắn với làng nghề truyền thống địa phương; Dạy học gắn với hoạt động trải nghiệm sáng tạo... Việc tổ chức các hình thức dạy học như trên đã giúp nhà trường linh hoạt trong việc xây dựng chương trình, tổ chức giảng dạy một cách sáng tạo không rập khuôn kích thích được hứng thú học tập của học sinh, phù hợp yêu cầu của việc đổi mới.

Từ đó, kiến thức mà các em học được vận dụng vào cuộc sống một cách linh hoạt. Đó là những vấn đề gần gũi, thiết thực trong cuộc sống hàng ngày buộc các em phải vận dụng kiến thức học tập của các môn học vào trong việc giải quyết các vấn đề giúp bố mẹ các em, giúp bà con nông dân phát triển kinh tế, phát triển làng nghề nâng cao thu nhập xây dựng nông thôn mới một cách bền vững.

Các hoạt động ngoại khóa tại trường được đánh giá là sáng tạo, hấp dẫn.
Các hoạt động ngoại khóa tại trường được đánh giá là sáng tạo, hấp dẫn.

Với đề tài: “Chiếc nón lá quê hương đưa ta về với cội nguồn dân tộc và những giải pháp duy trì nghề làm nón lá ở Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh” của em Dương Thị Kim Oanh học sinh lớp 6 đã đạt giải Quốc gia.

Hay em Nguyễn Đức Anh và em Nguyễn Quang Đức cũng học sinh lớp lại có suy nghĩ sâu sắc về người dân quê Kỳ Tân sau khi xã Kỳ Tân về đích nông thôn mới thì việc nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế bền vững trên vùng đất khó khăn Kỳ Tân là điều trăn trở của các cấp chính quyền.

Các em đã tìm ra hướng giải quyết nhằm nâng cao thu nhập cho các hộ dân nơi đây đó là phát triển cây hoa Đào - làm cây kinh tế chủ lực của các “vườn mẫu, thôn mẫu” tại xã Kỳ Tân và nhân rộng mô hình toàn xã nhằm quảng bá cây hoa đào phai nhiều hoa, nhiều lộc là loại cây cảnh mà nhà nhà chưng tết. Đề tài: “Hoa Đào – Tết đậm đà hồn quê xứ Nghệ và những giải pháp tròng hoa đào đạt hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập; phát triển nông thôn mới tại Kỳ Tân – huyện Kỳ Anh” đạt giải Nhất huyện, giải Nhì cấp tỉnh.

Em Đào Thị Mỹ Duyên và em Đào Thị Ngọc Ánh (học sinh lớp 9) lại có ý tưởng đột phá đó là phát triển nghề làm nước mắm sạch ở Kỳ Ninh (Kỳ Anh) gắn với du lịch tâm linh. Các em đã vận dụng các kiến thức của các môn học đã học trên lớp để giúp bà con ở xã Kỳ Ninh – thị xã Kỳ Anh phát triển làng nghề làm nước mắm sạch và quảng bá thương hiệu nước mắm sạch bằng con đường “du lịch tâm linh gắn với việc mua sắm”.

Mỗi du khách khi đến thắp hương tại đền Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu thì không quên mua sắm quà về cho người thân đó là nước mắm sạch được làm từ làng nghề truyền thống: Kỳ Ninh – Kỳ Anh.

Ngoài ra, trong các giải pháp để duy trì làng nghề mà các em đưa ra để phát triển và quảng bá thương hiệu các em còn đề xuất giải pháp đó là cần phát triển du lịch địa phương. Đó là du lịch tâm linh gắn với các di tích lịch sử, làng nghề của địa phương Kỳ Anh. Chẳng hạn như: Bắt đầu từ Lủy Đá (Kỳ Lạc) xuôi thuyền về Chùa Dền (Kỳ Châu) đến Đền Bích Châu Hải Khẩu; Mua sắm nước mắm sạch, hải sản, nón lá làm quà cho người thân…

Ngoài ra, nhà trường luôn chú trọng các hoạt động dạy học bằng hình thức mới mẻ hơn, linh hoạt hơn. Từ những chủ điểm hoạt động hàng tháng theo năm học nhà trường đã lựa chọn xây dựng theo 5 chủ đề xuyên suốt cả năm học.

Mỗi chủ đề hoạt động gắn với thực tiễn cuộc sống và điều kiện nhà trường, điều kiện địa phương: Chủ đề giáo dục truyền thống; Câu lạc bộ, Hoạt động từ thiện nhân đạo, hoạt động hướng nghiệp nghề, hoạt động nghiên cứu khoa học...

Trong những năm qua, Trường THCS Kỳ Tân đã có nhiều dự án, đề tài được đánh giá khá cao ở các cuộc thi, hội thi cấp Quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện.

Từ những phong trào đó thúc đẩy, phát triển năng lực tự nghiên cứu của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong nhà trường, thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm tạo cho học sinh có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, biết giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thăm và làm việc tại trường.
Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh thăm và làm việc tại trường.

Mặt khác, thông qua việc tìm kiếm những ý tưởng khoa học mới lạ, độc đáo đây cũng là sân chơi bổ ích giao lưu trí tuệ và khoa học của học sinh và giáo viên Trường THCS Kỳ Tân.

Hoạt động nghiên cứu khoa học; vận dụng các kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn ở Trường THCS Kỳ Tân thực sự là hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho giáo viên và học sinh là sân chơi trí tuệ giúp mỗi thầy cô giáo nâng cao kiến thức chuyên môn bằng con đường tự nghiên cứu khoa học, giúp học sinh biết vận dụng các kiến thức đã học của các môn học vào thực tiễn cuộc sống. Đó chính là yêu cầu của việc đổi mới dạy – học trong nhà trường hiện nay.

Với những hoạt động giáo dục cụ thể như trên, Trường THCS Kỳ Tân hy vọng sẽ đào tạo ra những thế hệ học sinh có định hướng tương lai rõ ràng với đầy đủ trí tuệ và thể chất, biết vận dụng tích cực những kiến thức đã học vào thực tế; biết chia sẻ, quan tâm đến cộng đồng và biết trân trọng những giá trị đích thực của cuộc sống.

Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên chất lượng

Song song với việc tham mưu xây dựng CSVC, nhà trường quan tâm đến công tác xây dựng đội ngũ nhà giáo vừa hồng, vừa chuyên. Đó là xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo viên luôn đoàn kết, nhất trí, có tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn trong nhà trường, luôn là tấm gương sáng cho học sinh, đồng nghiệp noi theo. Xây dựng khối đoàn kết nội bộ tốt trong nhà trường để tạo sức mạnh tổng hợp, vượt qua khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Để làm tốt điều này, BGH nhà trường cần tạo điều kiện thuận lợi cho CB-GV-NV học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, phát huy khả năng, sở trường công tác; phối hợp với các tổ chức trong nhà trường có chính sách hỗ trợ giáo viên khó khăn để giáo viên an tâm công tác tốt; thực hiện nghiêm túc các đợt tập huấn chuyên môn, các hội thảo chuyên đề do ngành tổ chức nhằm giúp đội ngũ giáo viên học tập thêm những kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm giảng dạy đem lại hiệu quả cao.

Áp dụng các hình thức sinh hoạt chuyên môn để xây dựng các chủ đề dạy học ở các môn học, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận dụng các hình thức phương pháp, kỷ thuật dạy học tích cực. Sử dụng hình thức sinh hoạt chuyên môn của không gian “Trường học kết nối” để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm. Từ đó nhiều đề tài, giải pháp ra đời và được ứng dụng vào thực tiễn.

Phòng truyền thống của Trường THCS Kỳ Tân.
Phòng truyền thống của Trường THCS Kỳ Tân.

Với những nỗ lực hết mình của BGH nhà trường, trong 5 năm liên tục trường đạt danh hiệu "Tập thể lao động xuất sắc", là một trong những đơn vị dẫn đầu cấp THCS tỉnh Hà Tĩnh. 8 em HSG Quốc gia, 50 em HSG tỉnh, hơn 500 em HSG cấp huyện.

Trải qua chặng đường 50 năm xây dựng và trưởng thành, Trường THCS Kỳ Tân đã khẳng định được vị trí đặc biệt của mình trong phong trào “Dạy tốt, học tốt” của GD&ĐT Hà Tĩnh và cả nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ