Học cách “làm người” ở ngôi trường miền núi

GD&TĐ - Đóng chân trên địa bàn vùng sâu, vùng xa huyện lỵ, Trường Tiểu học Trà Nham (xã miền núi Trà Nham, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi) không chỉ là một điểm sáng của ngành GD-ĐT địa phương về thực hiện đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn có những hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống và ý thức tự học, tự rèn luyện cho con em HS đồng bào dân tộc.

Học cách “làm người” ở ngôi trường miền núi

Ấn tượng với những điều đời thường, bình dị nhất

Đến với Trường TH Trà Nham (xã miền núi Trà Nham, huyện Tây Trà, tỉnh Quảng Ngãi), chúng tôi được sống chung trong bầu không khí vui tươi, đầm ấm của tình thầy trò. Ngôi trường nằm vắt vẻo trên sườn ngọn núi cao. Đứng ở sân trường có thể quan sát cả được một góc làng người Cor.

Trường TH Trà Nham có ba dãy phòng học, hai dãy được xây dựng bán kiên cố, dãy còn lại được xây dựng theo kiểu nhà lắp ghép lợp tôn. Khu nhà ăn HS cũng còn rất tạm bợ. Hôm chúng tôi đến, khu nhà ăn bị gió cuốn bay mất phần mái, chỉ còn trơ khung tre nứa chưa được khắc phục lại vì điều kiện khó khăn.

Khác hẳn với các trường học vùng miền núi mà chúng tôi đã được đến trước đây, khung cảnh Trường TH Trà Nham hết sức ngăn nắp, sạch sẽ đến từng căn phòng, lối đi đã thể hiện được bàn tay chăm chút, sắp xếp của giáo viên, HS.

Các em HS ăn mặc gọn gàng, sạch sẽ. Gặp ai, các em cũng vòng tay chào. Chúng tôi càng bất ngờ hơn khi đến giờ ăn trưa, các em HS đều tự tay chuẩn bị sắp đặt bàn ghế, vị trí ngồi ăn cơm cho mình.

Các em ngồi ăn cơm hết sức nghiêm túc, nề nếp. Sau khi ăn xong, các em tự lau dọn, xếp đặt lại bàn ghế và tự mỗi cá nhân gom thức ăn thừa, rác thải về khu xử lý. Các em HS cũng tự giác xếp hàng chờ đến lượt để sử dụng nước uống, hay nước vệ sinh.

Tuyệt nhiên không có cảnh tranh nhau, hay xô đẩy người khác. Đến giờ ngủ trưa, các em cũng tự tay sắp xếp bàn ghế, trải chiếu, lấy gối và nằm ngủ hết sức nghiêm túc mà không có bất cứ sự chỉ bảo, hướng dẫn nào của thầy cô giáo… Tất cả đều thực sự gây ấn tượng bất ngờ đối với chúng tôi khi tình cờ đặt chân đến với ngôi trường này.

Trò chuyện với cô giáo Ngô Thị Hoa - Hiệu trưởng Trường TH Trà Nham, chúng tôi mới thấu hiểu được để hình thành từng hành động, sinh hoạt nề nếp cho HS là cả một quá trình hết sức dày công của đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường.

Bởi vì, với 100% HS là con em đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, công tác giáo dục con em HS gần như khoán trắng cho nhà trường, cho nên, bên cạnh dạy kiến thức cho HS thì giáo dục đạo đức, lối sống, nề nếp cho các em là điều hết sức khó khăn đối với cán bộ, giáo viên.

Nỗ lực tạo dựng nề nếp HS

Cô Ngô Thị Hoa tâm sự, so với HS vùng đồng bằng, thành thị, HS vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thiếu thốn đủ bề, không có đủ điều kiện để phát triển trí tuệ, năng lực và kỹ năng giao tiếp, hành động và sinh hoạt.

Hầu hết các em khi bước vào lớp Một có năng lực giao tiếp tiếng Việt còn rất hạn chế. Các em đều rất rụt rè trong giao tiếp, nhất là đối với người lạ, hay tự ái và luôn cảm thấy xấu hổ trước mọi người… Đây thực sự là những lý do khiến cho công tác giáo dục của thầy cô, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.

Từ kinh nghiệm giảng dạy, làm công tác quản lý của mình, ngay từ khi được phân công về phụ trách Trường TH Trà Nham, cô giáo Ngô Thị Hoa lấy công tác xây dựng nề nếp trường học, tạo dựng các kỹ năng sống, sinh hoạt, giao tiếp cho HS làm nền tảng, điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục.

“Trên cương vị là người quản lý trường học, tôi luôn tâm niệm, làm sao để “trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”. Để giáo dục nhân cách, lối sống cho HS, thầy cô giáo thật sự là những tấm gương sáng mẫu mực”, cô Hoa chia sẻ.

Nói về kinh nghiệm trong giáo dục đạo đức, lối sống HS, cô Hoa cho hay: Để có những ngày học tốt, giờ học hiệu quả thì trường học, lớp học phải có nề nếp tốt. Nề nếp trường lớp có ổn định thì không chỉ góp phần nâng cao chất lượng dạy học, mà còn tạo ra môi trường giáo dục, hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống cho HS.

Qua đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên càng hoàn thiện bản thân mình hơn. Bởi vậy mà trong thời gian qua, Trường TH Trà Nham đã có nhiều hoạt động giáo dục hiệu quả về nề nếp, ý thức sinh hoạt, học tập cho con em HS.

Những hoạt động mà nhà trường giáo dục HS đều mang tính chất đời thường, gắn với cuộc sống thường trực của con người như: Văn hóa, thái độ ứng xử trong trường học, giữa HS với thầy cô, cha mẹ, anh chị, giữa HS với HS, bạn bè; cách vệ sinh thân thể, giữ gìn vệ sinh cá nhân; ý thức tự giác đảm bảo vệ sinh môi trường trường lớp học; giúp đỡ bạn bè khi gặp khó khăn hay trong học tập…

Các nội dung giáo dục hết sức gần gũi, đời thường được nhà trường, giáo viên lồng ghép một cách linh hoạt trong mọi hoạt động mang tính giáo dục trên lớp và hoạt động ngoài giờ.

Cô Hoa cho biết thêm: Để công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS hiệu quả thì đội ngũ giáo viên có yếu tố quyết định. Công việc là cả một quá trình, đòi hỏi người giáo viên vừa có kiến thức vững vàng, kỹ năng sư phạm tốt, hiểu tâm sinh lý HS; vừa thực sự có tấm lòng bao dung, nhân hậu, biết sẻ chia, yêu thương HS và luôn có ý thức tự hoàn thiện bản thân để làm gương cho các em HS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...