Kỹ thuật “mở bài” trong giảng dạy Tiếng Anh

GD&TĐ - Để có được một giờ dạy thành công, ngay ở hoạt động đầu tiên của một giờ dạy là bước mở bài, giảng viên cần tạo ra được không khí học tập thuận lợi, cả về tâm lý lẫn nội dung cho hoạt động học tiếp theo.

Kỹ thuật “mở bài” trong giảng dạy Tiếng Anh

Những hoạt động gây không khí học tập này thường rất ngắn, khoảng 5 - 7 phút, nhưng vô cùng quan trọng. Vậy mở bài nên làm những gì và làm thế nào cho hiệu quả? Sau đây là chia sẻ của giảng viên Phạm Thị Hằng Nga (Trường ĐH Đại Nam) về vấn đề này.

Các hình thức và thủ thuật vào bài

Giảng viên Phạm Thị Hằng Nga cho rằng, phần mở bài có những nhiệm vụ căn bản sau: Thiết lập không khí thoải mái giữa thầy và trò ngay giờ phút đầu vào lớp (chào hỏi học sinh, tự giới thiệu về mình; hỏi chuyện thông thường, tự nhiên; kể chuyện vui);

Tạo thế chủ động, tự tin cho sinh viên (thăm hỏi sinh viên; tạo cơ hội cho sinh viên được giới thiệu/nói về mình, hỏi các câu hỏi đáp lại…);

Ổn định lớp, tập trung sự chú ý, gây hứng thú bằng cách bắt đầu ngay bằng một hoạt động học tập nào đó liên quan đến bài học.

Ví dụ: A short listening task; Observing a picture then ask and answer about the picture, A riddle, A language game; A challenging task on vocabulary…;

Chuẩn bị tâm lý và kiến thức cho bài mới - trong phần này, giảng viên có thể:

Khai thác kiến thức đã biết của sinh viên bằng thủ thuật gợi mở hay nêu vấn đề để cả lớp đóng góp ý kiến.

Liên hệ những vấn đề của bài cũ có liên quan đến bài mới, có thể bằng các hình thức khác nhau như hỏi các câu hỏi có liên quan, ra bài tập về các nội dung đã học có liên quan, sử dụng một trong những hoạt động gây hứng thú và ổn định lớp, dùng vốn kiến thức và nội dung bài cũ.

Tạo ngữ cảnh, tình huống, hoặc các cớ/lý do giao tiếp cho các hoạt động tiếp theo của bài. Có thể dùng các hình thức như giáo cụ trực quan (đồ vật, tranh, bưu ảnh…), các mẩu chuyện có thật hoặc tự tạo các bài đọc ngắn, các bài tập hoặc câu hỏi…

Một vài lưu ý khi thiết kế phần mở bài

Giảng viên có thể sử dụng các thủ thuật và bài tập có sẵn trong sách giáo khoa hoặc giảng viên tự sáng tạo như: dựa vào tranh ở mục đầu của bài, hỏi, gợi ý về chủ đề mới.

Cụ thể, giảng viên sử dụng tranh, ảnh, bản đồ, vật thực tự chuẩn bị thay cho tranh trong sách để gây hấp dẫn; hỏi các kiến thức bài cũ có liên quan đến bài mới;

Khai thác các kiến thức có sẵn của sinh viên; liên hệ thực tế của chính học sinh, của địa phương hay các tình huống gần gũi với sinh viên và thay thế các tình huống trong sách nếu cần.

Khi tiến hành phần này, giảng viên Phạm Thị Hằng Nga cho rằng cần chú ý một số điểm sau: Có thể sử dụng cả tiếng Anh và tiếng Việt; cần tạo cơ hội cho học sinh hỏi lại giáo viên hoặc hỏi lẫn nhau để gây hứng thú, phát huy tính tích cực của sinh viên.

Luôn quan tâm đến tâm lý lứa tuổi và sở thích của sinh viên để đưa ra những thủ thuật phù hợp, ví dụ như kích thích trí tò mò, yêu cầu đoán tranh, đoán câu trả lời…

Một chú ý khác giảng viên cần nhớ là thay đổi hình thức mở bài để gây hứng thú cho sinh viên. Không nên lặp lại quá nhiều một cách mở bài dù cách đó có hay đến đâu chăng nữa, điều này sẽ giảm mức độ hứng thú của sinh viên đối với bài học.

Bài trao đổi được biên tập từ tham luận của giảng viên Phạm Thị Hằng Nga (Trường ĐH Đại Nam) tại hội thảo "Đổi mới phương pháp giảng dạy theo định hướng phát triển năng lực người học tại các cơ sở đào tạo đại học ngoài công lập"

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ