Kỳ thi tay nghề thế giới: Tạo tiềm năng cho những nghề mới

GD&TĐ - Chuẩn bị tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới năm 2019 tại Kazan (Nga) ở nghề công nghệ sơn ô tô, Trường TC nghề Giao thông Công chính đã phối hợp với Công ty TM và SX Hóa chất Sơn MT cùng huấn luyện thí sinh. Đây là lần đầu tiên có sự gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp tổ chức, tài trợ huấn luyện thí sinh bằng nguồn kinh phí xã hội hóa.

Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Hồng Minh trao đổi công tác huấn luyện với Nguyễn Xuân Lực, thí sinh nghề công nghệ sơn ô tô.
Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Hồng Minh trao đổi công tác huấn luyện với Nguyễn Xuân Lực, thí sinh nghề công nghệ sơn ô tô.

Luyện thi tại doanh nghiệp

Để trở thành thí sinh tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới nghề công nghệ sơn ô tô, trước đó, Nguyễn Xuân Lực đã tham dự Cuộc thi tay nghề ASEAN năm 2018 được tổ chức tại Bangkok (Thái Lan). Tại kỳ thi này, Lực đứng thứ 4 trên 8 thí sinh dự thi. Trao đổi về quá trình luyện thi, Lực cho biết: Đề thi tại Kỳ thi tay nghề thế giới chắc chắn sẽ có yêu cầu chuyên môn cao hơn, khó hơn so với Kỳ thi tay nghề ASEAN.

Quá trình luyện thi, em được sự hướng dẫn, giảng dạy nhiệt tình của các chuyên gia, thầy giáo. Các kỹ năng nghề cơ bản, nâng cao và kỹ thuật, chiến thuật trong quá trình thi đều được đưa vào tình huống cụ thể để có thể nhanh chóng tiếp cận và xử lý vấn đề một cách hiệu quả nhất. Đặc biệt, các chuyên gia cũng đã trao đổi các vấn đề khí hậu, múi giờ và các vấn đề liên quan, nhằm giúp em chuẩn bị trạng thái tâm lý thi đấu tốt nhất. Bên cạnh đó, em cũng tin vào khả năng sử dụng tiếng Anh của mình trong cả chuyên môn và giao tiếp.

Điểm mới của chương trình luyện thi nghề sơn ô tô là thực hành luyện thi tại doanh nghiệp. Trường TC nghề Giao thông Công chính và doanh nghiệp đã hỗ trợ cung cấp thiết bị, hướng dẫn, đào tạo sử dụng những thiết bị mới nhất của nghề này. Hiện tại, chương trình ôn luyện đã đạt được khoảng 70% đề luyện thi. Theo kế hoạch, trong thời gian tới thí sinh sẽ tham gia kỳ thi thử ở Thái Lan để hệ thống lại toàn bộ chương trình và xử lý những thiếu sót, hạn chế để đáp ứng tối đa yêu cầu chuyên môn, cũng như hoàn thiện những kỹ năng cần thiết, kỹ năng mới trong nghề, để có thể sẵn sàng cho Kỳ thi tay nghề thế giới sắp tới.

Đồng hành với thí sinh

Giám đốc Công ty MT, chuyên gia trưởng nghề công nghệ sơn ô tô Nguyễn Xuân Mạnh cho biết, là một công ty có bề dày hoạt động chuyên ngành về hóa chất sơn, MT đang đại diện phân phối độc quyền cho một hãng sơn lớn của Đức tại Việt Nam. Chia sẻ kinh nghiệm về nghề công nghệ sơn ô tô, MT muốn đồng hành với thí sinh tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới, để tạo ra bước phát triển mới cho nghề này tại Việt Nam.

Huấn luyện thí sinh tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới, công ty đã phối hợp với đối tác nước ngoài để chuẩn bị chương trình đào tạo và tổ chức hỗ trợ đào tạo riêng đối với các nhà nhập khẩu tại châu Á - Thái Bình Dương, như vậy ngoài phần đào tạo tại Việt Nam, thí sinh sẽ tiếp tục được chuyên gia nước ngoài huấn luyện để có thể nâng cao chất lượng kỹ năng nghề theo tiêu chuẩn châu Âu.

 Lần đầu tiên Việt Nam tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới với số lượng 19 nghề, quy mô gần gấp đôi so với kỳ thi trước, công tác chuẩn bị cũng được thực hiện tốt hơn. Vì vậy, kỳ vọng Việt Nam sẽ có được những kết quả khả quan tại kỳ thi này và có thể “đổi màu” huy chương.
Tổng cục trưởng Nguyễn Hồng Minh chia sẻ.  

Công tác huấn luyện chuyên môn được cho là khá thuận lợi, các chuyên gia của đối tác nước ngoài rất tích cực trong việc huấn luyện thí sinh. Về phần thí sinh, vẫn còn một vài khó khăn về tâm lý thi đấu và kinh nghiệm tham gia vào cuộc thi lớn. Vì vậy, bên cạnh việc huấn luyện chuyên môn, chương trình huấn luyện khác về sức khỏe, kỹ năng mềm… cũng được doanh nghiệp chú trọng, tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh.

Đánh giá cao chương trình hợp tác giữa doanh nghiệp và nhà trường trong đào tạo nghề nói chung và việc huấn luyện thí sinh tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới nói riêng, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cho rằng: Mô hình gắn kết này mở ra những tiềm năng mới trong đào tạo ra một đội ngũ lao động lành nghề, có đầy đủ kiến thức, kỹ năng mới đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường lao động thành phố Hà Nội cũng như cả nước, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay.

Tiềm năng của nghề mới

Công nghệ sơn ô tô được xem là một ngành còn khá mới mẻ. Đây là lần đầu tiên nghề này được lựa chọn là một nghề thi tại Kỳ thi tay nghề thế giới. Bên cạnh công tác huấn luyện thí sinh, giữa doanh nghiệp và nhà trường còn có chương trình hợp tác trong đào tạo học sinh, sinh viên bảo đảm cho các em có được tay nghề vững vàng ngay sau khi tốt nghiệp, từ đó sớm có việc làm ổn định cho thu nhập cao. Thi tay nghề là hoạt động tiên phong trong phát triển kỹ năng nghề, cũng như đào tạo kỹ năng nghề đỉnh cao, giao lưu học hỏi quốc tế về giáo dục nghề nghiệp.

Trao đổi thông tin về Kỳ thi tay nghề thế giới, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Hồng Minh cho biết: Những năm đầu tham dự kỳ thi đều sử dụng toàn bộ kinh phí của Nhà nước. Cho đến nay, ngày càng có sự tham gia nhiều hơn của doanh nghiệp, xã hội. Năm 2017, nguồn kinh phí xã hội hóa chỉ 30% thì đến năm nay, nguồn kinh phí xã hội hóa đã tăng lên 68%.

Nhà nước bảo đảm kinh phí cho 6 nghề dự thi, còn lại 13 nghề do tài trợ, trong đó có sự tham gia của doanh nghiệp, ngoài những doanh nghiệp, tập đoàn truyền thống như Samsung, Denso… thì các doanh nghiệp trong nước đã tích cực cùng tham gia xã hội hóa công tác huấn luyện thí sinh tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới. Những chuyển động tích cực này cho thấy, doanh nghiệp đang ngày càng quan tâm hơn đến việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đưa công nghệ mới của thế giới vào đào tạo tại Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ