Dưới đây là câu chuyện về tuyển dụng của bà Hàn Thị Thu Huyền – Trưởng phòng Nhân sự Công ty Torecid Vietnam. Qua câu chuyện này, bà Huyền mong muốn các bạn sinh viên sẽ rút ra được bài học cho mình để bổ sung thêm những kỹ năng cần thiết khi tham gia phỏng vấn nhằm trinh phục các nhà tuyển dụng.
Bà Huyền dẫn giải câu chuyện: “Một ứng viên thiết kế phỏng vấn ở công ty tôi cho biết: bạn ấy đã nộp đơn ở những công ty, trong đó có 4 công ty về in ấn bao bì và công ty thiết kế gạch là công ty chúng tôi.
“Giả sử cả 5 công ty đều đồng ý mời bạn làm việc, bạn sẽ chọn công ty nào đây? - Tôi hỏi.
- Lúc đó em sẽ cần thời gian để suy nghĩ đến các yếu tố khác nữa.
Sau một hồi cân nhắc, bạn ứng viên cho biết sẽ chọn công ty chúng tôi vì môi trường làm việc tốt và có sử dụng tiếng Anh.
Nếu nhìn vào 5 công ty bạn này ứng tuyển, tôi có thể cảm thấy bạn ấy “có vẻ thích” hoặc “có định hướng” hoặc “có sở trường” liên quan đến thiết kế bao bì, in ấn. Vì vậy mà câu trả lời môi trường làm việc tốt và sử dụng tiếng Anh nghe có vẻ không liên quan lắm.
Tất nhiên cũng chẳng thể thuyết phục được chúng tôi với câu trả lời này. Bạn có thể thích một lĩnh vực và làm việc ở một lĩnh vực khác để học hỏi thêm, để thử sức mình, để làm việc gần nhà, nhưng bạn cần biết rằng khi tuyển dụng vị trí thiết kế, nhà tuyển dụng sẽ chú trọng đến các giá trị căn bản: Nhân viên này có khả năng sáng tạo như thế này, năng khiếu thẩm mỹ ra sao, các thiết kế của nhân viên này có giá trị ứng dụng thực tiễn hay không?
Nếu bạn không thể hiện là bạn nghiêm túc, gắn mục tiêu của bạn với mục tiêu của nhà tuyển dụng thì nhà tuyển dụng hoàn toàn có quyền nghi ngờ khả năng cống hiến và thái độ làm việc của bạn.
Khi mà bạn đến đây không có mục tiêu rõ ràng, điều gì sẽ đảm bảo bạn thực sự mong muốn và gắn bó làm việc ở đây? Bạn ứng viên này hoàn toàn có quyền chọn công ty chúng tôi để thử sức mình trong lĩnh vực thiết kế gạch men mới mẻ nhưng phải cho chúng tôi một lý do thuyết phục rằng, tôi cho bạn cơ hội thử sức và bạn sẽ nỗ lực như thế nào để mang lại giá trị cho công ty tôi.
Ở đây tôi không có ý là bạn không được phép ứng tuyển vào nhiều hơn một công ty. Không có nghĩa là bạn nộp đơn ở một công ty là bạn trưởng thành hơn người nộp đơn ở nhiều công ty. Mà nó có nghĩa là nếu bạn đầu tư thời gian chỉ cho một mục tiêu, bạn sẽ có nhiều cơ hội thành công hơn.
Lý do thì khá dễ hiểu. Tôi xác định sẽ ứng tuyển vào công ty A, tôi sẽ dành thời gian tìm hiểu về nó, tìm hiểu lĩnh vực hoạt động, tình hình kinh doanh hoặc thậm chí là phản hồi về môi trường làm việc của các nhân viên của công ty đó.
Tôi chăm chút cho hình ảnh của mình khi đi phỏng vấn tôi tìm hiểu phương thức thi phỏng vấn tại công ty A. Hiểu được đối tượng mà họ muốn tìm kiếm những tiêu chí đánh giá của họ, sẽ giúp tôi thể hiện bản thân đúng hướng đi hơn.
Chẳng hạn nhà tuyển dụng đang tìm kiếm ứng viên có khả năng trình bày ý tưởng, chắc hẳn bạn không thể nói rằng tôi là người siêng năng, chăm chỉ tôi sẽ cố gắng học hỏi kỹ năng đó. Cách mà bạn sử dụng từ ngữ và thái độ giao tiếp của bạn sẽ có tính thuyết phục hơn là những câu nói theo kiểu em xin hứa.