Kỷ luật bằng tình yêu thương

GD&TĐ - Kỷ luật là biện pháp giáo dục không thể thiếu trong trường học. Tuy nhiên, kỷ luật như thế nào để thúc đẩy học trò tiến bộ?

Một tiết học của cô trò Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NTCC
Một tiết học của cô trò Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội). Ảnh: NTCC

Đó là trăn trở của nhiều nhà giáo trên hành trình xây dựng trường học hạnh phúc; mang lại hạnh phúc cho thầy và trò.

Thức tỉnh học trò

Với hơn 20 năm đứng trên bục giảng và nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, cô Nguyễn Thu Hường - Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) gặp vô số tình huống liên quan đến kỷ luật học sinh. Nhớ lại tình huống về một học sinh cá biệt từ lớp khác chuyển sang, cô Hường cho biết, cả lớp đều thực hiện tốt các nội quy, quy định của trường, lớp đề ra. Tuy nhiên, em này không thực hiện, hoặc thầy cô phải nhắc nhở nhiều lần mới chấp hành. “Trước mặt thầy, cô giáo, em tỏ ra vâng lời nhưng đằng sau là sự chống đối, lôi kéo học sinh khác vi phạm. Nhiều lúc nản, tôi muốn đưa bạn ấy ra hội đồng kỷ luật, buộc phải chuyển trường khi kết thúc học kỳ I”, cô Hường kể lại.

Câu chuyện không dừng ở những lỗi vi phạm hằng ngày. Một hôm cô Hường nhận được điện thoại của phụ huynh xin cho con nghỉ học một tuần. Lý do là con phải đi viện phẫu thuật viêm ruột. “Tôi đồng ý và báo cáo trường hợp với nhà trường. Khi em nghỉ, tôi vẫn nhắn tin hỏi thăm và động viên thường xuyên. Hết một tuần, em trở lại lớp. Tôi gửi quà hỏi thăm của cô chủ nhiệm và lớp, kèm lời chúc mau chóng hồi phục. Tuy nhiên, qua theo dõi, tôi nhận thấy em không giống người vừa phẫu thuật xong. Tôi tự điều tra mới biết, học sinh nhờ làm giấy ra, vào viện; trong thời gian nghỉ học, em đi làm kiếm tiền”, cô Hường cho biết.

Lúc đó, cô Hường cảm thấy bị xúc phạm, sự uất ức dâng trào. Thay vì báo cáo hội đồng kỷ luật của nhà trường hoặc cơ quan chức năng về việc làm giả mạo giấy tờ, cô Hường kìm nén cảm xúc và phân tích điều hơn, lẽ phải để học trò nhận thức được lỗi lầm của mình. Sau đó, em xin lỗi và mong cô bỏ qua để có cơ hội sửa sai. “Đánh kẻ chạy đi chứ ai đánh kẻ chạy lại” nên cô Hường một lần nữa tha thứ cho học trò.

Từ sau lần đó, học trò “đặc biệt” dần thay đổi, trở thành học sinh ngoan, học tập tiến bộ. “Nhiều lúc nghĩ lại, nếu ngày ấy tôi đưa học trò ra hội đồng kỷ luật thì không biết bây giờ ra sao? Nhưng với sự kiên trì và tình yêu thương, tôi đã giúp học trò thức tỉnh. Giờ đây, em trở thành công dân có ích, có công việc làm ổn định với mức lương khá. Ngày 20/11 hàng năm, em vẫn về thăm tôi và lúc nào cũng nói: “Cô đã làm con thức tỉnh, để con có ngày hôm nay”, cô Hường chia vui.

Cô trò Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định). Ảnh: NTCC

Cô trò Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định). Ảnh: NTCC

Để cô, trò cùng hạnh phúc

Từ trải nghiệm thực tế, cô Hường nhìn nhận, giáo viên giữ vai trò quan trọng trong quá trình học tập và rèn luyện của học sinh. Quyết định kỷ luật có thể mang lại động lực to lớn cho học sinh nhưng ngược lại cũng có thể làm cho các em xấu hổ, tuyệt vọng; thậm chí dẫn đến suy nghĩ tiêu cực.

Từ kinh nghiệm bản thân, cô Hường tâm niệm, kỷ luật tích cực, phải xuất phát từ trái tim yêu thương, lòng nhân ái, bao dung và tôn trọng học trò. “Tôi nghĩ lớp học hạnh phúc là nơi “học sinh được phép sai lầm” và có cơ hội thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực. Còn kỷ luật tích cực là biện pháp giáo dục nhân văn, nhằm xây dựng trường học hạnh phúc, lớp học hạnh phúc. Qua đó, học sinh luôn có cảm xúc tích cực và cảm thấy an toàn khi đến trường”, cô Hường trao đổi.

Nếu dùng biện pháp “bêu gương” khi học sinh mắc lỗi thì không phải là kỷ luật tích cực. Cô Nguyễn Thị Lan Phương - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Cầu (Đống Đa, Hà Nội) nhìn nhận đồng thời cho rằng, học sinh cần được tìm hiểu nguyên nhân, phân tích đúng sai để nhận ra thiếu sót và tự rút kinh nghiệm. Giáo viên cần động viên để học trò không tái phạm.

Giáo dục kỷ luật tích cực không phải là buông thả, để học sinh muốn làm gì thì làm. Giáo dục là quá trình lâu dài, đòi hỏi thầy, cô giáo kiên trì, nhẫn nại, có đầy đủ yêu thương, nhiệt huyết. Giáo viên không những giỏi về chuyên môn, hiểu biết về cuộc sống xã hội, mà cần gần gũi, cảm thông với học trò, với phương châm “luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”.

Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hạ Hòa, Phú Thọ) từng có nhiều học sinh cá biệt, thậm chị “đội sổ” của lớp, trường nhưng bằng tình yêu thương chân thành, các thầy, cô giáo đã dìu dắt, định hướng cho các em trở thành người có ích. Theo cô Hiệu trưởng Luyện Thị Tĩnh, không phải vi phạm, lỗi lầm nào của học sinh cũng áp dụng kỷ luật nghiêm khắc. Tùy từng trường hợp mà áp dụng biện pháp “cương - nhu” để uốn nắn.

“Chẳng hạn, với học sinh cá biệt, không phải lúc nào cũng áp dụng theo nguyên tắc, bởi nếu cứng nhắc có thể phản tác dụng. Tôi luôn nhắc giáo viên, đừng để học sinh cảm thấy bị đẩy vào bước đường cùng. Thay vào đó, hãy kéo các em trở lại, để các em cảm nhận được sự yêu thương và những điều tốt đẹp sẽ đến. Đó chính là kỷ luật tích cực. Chỉ khi kỷ luật tích cực thì thầy, trò mới được hưởng hạnh phúc” - cô Tĩnh nhận định.

Khẳng định, nếu không vận hành kỷ luật tích cực sẽ không ra được trường học hạnh phúc, TS Nguyễn Ngọc Ân - Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam nhấn mạnh, biện pháp giáo dục này sẽ mang lại hạnh phúc cho thầy, trò, để mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Muốn vậy, hãy bắt đầu từ những điều giản dị; mà ở đó, hiệu trưởng và giáo viên, học sinh phải thay đổi để tạo ra môi trường hạnh phúc. Trên hết là giúp học sinh có cơ hội được sáng tạo, phát triển và thành công trong học tập cũng như cuộc sống.

Theo TS Nguyễn Ngọc Ân, trường học không chỉ là nơi cung cấp các nhu cầu giáo dục, mà phải tạo ra hạnh phúc và được kiến tạo từ kỷ luật tích cực. Một đứa trẻ hạnh phúc có ý nghĩa không kém, thậm chí còn có ý nghĩa hơn một người trưởng thành hạnh phúc. Vì các em là “mầm hạnh phúc” của xã hội trong tương lai.

Theo cô Nguyễn Thu Hường, giáo dục kỷ luật tích cực dựa trên nguyên tắc vì lợi ích tốt nhất của học sinh; không làm tổn thương đến thể xác và tinh thần của các em. Bản chất của kỷ luật tích cực là sáng tạo của tình yêu thương dành cho học trò. Khi có tình yêu thương, thầy - trò sẽ hạnh phúc mỗi khi đến trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.