Kỷ luật học sinh: Sao cho hiệu quả?

GD&TĐ - Yêu cầu về kỷ luật tích cực trong giáo dục học sinh không mới, nhưng không phải khi nào thầy cô, nhà trường cũng triển khai đúng và hiệu quả.

Giáo viên Trường THPT Tân Sơn trao đổi, quán triệt với học sinh về thông điệp nhà trường.
Giáo viên Trường THPT Tân Sơn trao đổi, quán triệt với học sinh về thông điệp nhà trường.

Tầm quan trọng của kỷ luật tích cực

Theo thầy Hà Văn Quý, Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Ninh (Quảng Bình), lứa tuổi THPT rất nhạy cảm với những thay đổi về tâm, sinh lý. Mọi biến cố dù lớn hay nhỏ đều ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý các em, có thể kéo dài cả đời. Vì thế, học sinh cần được tạo môi trường lành mạnh, ở đó không có việc người lớn hay bạn bè bắt nạt, xúc phạm bằng lời nói, hành động thô bạo... Tuy nhiên, phụ huynh, giáo viên, nhà trường nhiều khi không đủ kiên nhẫn để chia sẻ, dạy dỗ đúng cách, mà lại áp đặt để các em phải nghe lời ngay lập tức.

“Trường THPT Quảng Ninh đang cố gắng giảm các hình thức kỷ luật trước đây thường áp dụng mà nay không còn tác dụng tích cực nữa. Nhà trường tuyên truyền vận động giáo viên, phụ huynh hiểu rõ, hạn chế dùng từ ngữ xúc phạm đến học sinh, không có hành vi phạt roi, phạt đứng...

Đặc biệt, không còn mời học sinh vi phạm hàng tuần đứng lên giữa sân trường khi tổ chức sinh hoạt đầu tuần. Với vi phạm lỗi nặng như đánh nhau, giáo viên chủ nhiệm mời phụ huynh cùng đại diện đoàn trường để trao đổi, tâm sự giáo dục trẻ và thỏa thuận giảng hòa, đền bù giữa hai gia đình”, thầy Hà Văn Quý chia sẻ.

Tính kỷ luật rất cần thiết trong cuộc sống. Trước đây hai từ “kỷ luật” khiến người ta liên tưởng đến “hình phạt”. Nhưng cách làm này không phát huy hiệu quả, thậm chí đem đến “tác dụng ngược”. Vì thế, cô Nguyễn Thị Minh Huệ, Tổ trưởng Tổ Ngữ văn, Trường THPT Công nghiệp (Hòa Bình), cho rằng, triển khai kỷ luật tích cực trong giáo dục học sinh hiện nay rất cần thiết. Kỷ luật tích cực tạo cơ hội tốt nhất để học sinh tự nhận thấy lỗi và chủ động sửa chữa, tìm ra hướng phát triển tích cực của mình. Những em mắc lỗi cảm thấy được tôn trọng hơn, ít có phản ứng tiêu cực với bản thân, gia đình, bạn bè và xã hội.

“Tôi thấy việc thực hành kỷ luật tích cực còn có những trăn trở, hạn chế nhất định. Nguyên nhân về phía giáo viên, một số thầy cô chưa tìm hiểu, nắm bắt rõ tình hình, đặc điểm lớp học, tâm sinh lý học sinh để có biện pháp giáo dục phù hợp. Cũng có thầy cô cầu toàn, đặt quá nhiều kỳ vọng vào trò nên khắt khe trong cách đánh giá. Với tâm lý coi học sinh như con, đôi khi giáo viên còn bắt buộc các em phải thực hiện yêu cầu của mình (dù cách giáo dục con cái đã thay đổi nhiều so với cách giáo dục truyền thống trước đây)”, cô Huệ cho hay.

"Dù thế nào thì những hành vi ngoài quy chuẩn của đạo đức nhà giáo cũng không thể chấp nhận. Người thầy cần thay đổi cách ứng xử, điều tiết cảm xúc để xử lý tốt các tình huống, xây dựng mối quan hệ với phụ huynh để tìm được sự đồng thuận trong giáo dục", cô Đỗ Thị Hồi.

Cô Đỗ Thị Hồi, Trường Tiểu học Lạc Hòa 1 (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) nhìn nhận hiện tại nhà giáo đang chịu nhiều áp lực. Cùng với đó, ngày nay các em bị ảnh hưởng nhiều từ hoàn cảnh sống, tiếp cận với “môi trường xấu, độc” mà chưa có đủ kinh nghiệm sàng lọc thông tin nên tác động không nhỏ đến nhận thức, học tập. Lên lớp nhiều em không thuộc bài, kém tập trung, có lời nói cử chỉ thiếu tôn trọng giáo viên, nên đôi lúc làm giáo viên không kiềm chế được cảm xúc, có lời lẽ, hành động không phù hợp.

Ảnh minh họa ITN.

Ảnh minh họa ITN.

Trường nền nếp tốt mới có chất lượng giáo dục tốt

Thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Sơn (huyện Tân Sơn, Phú Thọ), nhấn mạnh điều này khi chia sẻ về triển khai kỷ luật tích cực trong giáo dục học sinh. Theo thầy Hùng, kỷ luật tích cực, không phải hình phạt, mà là phương pháp giáo dục phẩm chất học sinh, hướng đến giáo dục tính tự nguyện, tự giác thực hiện các nội quy, nền nếp nhà trường. Chú trọng việc này, nhiều năm qua, Trường THPT Tân Sơn không có em nào vi phạm kỷ luật, không có hiện tượng bạo lực học đường.

Kinh nghiệm được thầy Nguyễn Văn Hùng chia sẻ là xây dựng thông điệp nhà trường ngắn gọn, dễ nhớ và đặt tại các vị trí thuận lợi để học sinh đọc, hiểu, tự giác thực hiện. Thông điệp này như tiền đề chính để xây dựng thương hiệu nhà trường. Hiện, trường in màu bản thông điệp treo tại chân 4 cầu thang khu lớp học; đồng thời quán triệt nội dung này trong thời gian sinh hoạt tập thể mỗi đầu năm học.

“Chúng tôi duy trì tổ tư vấn học đường. Bố trí phòng riêng, đủ không gian để các em mạnh dạn trao đổi tâm tư, khó khăn vướng mắc về gia đình, trường lớp, bạn bè và bản thân… Thông tin 2 chiều giữa nhà trường và gia đình luôn được duy trì qua các kênh, điện thoại, gặp gỡ trao đổi, nhóm mạng xã hội. Nguyên tắc, phương châm khi gặp gỡ, trao đổi với học sinh có biểu hiện vi phạm được quán triệt là: Gần gũi - thân thiện - chia sẻ - đồng cảm và chân tình, hiểu tâm tư, hoàn cảnh, không dùng các biện pháp trừng phạt”, thầy Hùng nhấn mạnh.

Kinh nghiệm từ người trực tiếp giảng dạy, xử lý các tình huống, cô Nguyễn Thị Minh Huệ cho rằng, để thực hiện kỷ luật tích cực, giáo viên cần thay đổi cách cư xử trong lớp học. Khuyến khích các em phát huy thế mạnh của mình, kích thích sự tích cực của mỗi cá nhân trong lớp học. Thầy cô nên tuyên dương học sinh có tiến bộ hàng tuần, hàng tháng; có phần thưởng thiết thực động viên, khích lệ, cổ vũ trò. Nhận xét, góp ý khéo léo về những điều các em chưa làm được hoặc làm chưa tốt, hạn chế chê bai, chỉ trích; lắng nghe và gợi ý, định hướng cho học trò giải quyết khó khăn của mình.

Nội quy lớp học cần được xây dựng trên cơ sở ý kiến của tập thể lớp, cha mẹ học sinh. Học sinh là người tự đề ra nội quy và thực hiện theo nội quy đó. Trường hợp vi phạm, giáo viên nên chú trọng giáo dục, tác động, uốn nắn hành vi hơn là trừng phạt, răn đe. Nếu “phạt”, có thể cho các em đi trồng cây, chăm sóc cây trong khuôn viên của trường... Hành động này sẽ bồi dưỡng tình yêu, thái độ thân thiện với môi trường đồng thời giúp quý trọng lao động và giá trị của lao động.

“Hãy để học sinh cảm nhận được sự quan tâm, tin tưởng của thầy cô dành cho mình. Mỗi lời nói, hành động, tác phong, cách cư xử của giáo viên trên lớp sẽ tác động không nhỏ đến nhận thức, tình cảm của học trò. Cho nên, giáo viên phải là tấm gương sáng về nhân cách để học trò noi theo”, cô Nguyễn Thị Minh Huệ chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa: INT.

Truyện ngắn: Duyên muộn

GD&TĐ - Năm nay Túc đã ở hàng “băm”. Anh có “thâm niên” hơn 20 năm bươn chải nơi xứ người với nghề bán vé số dạo.

Ảnh: Quốc Bình.

Củ cải khô

GD&TĐ - Sau bao nhiêu cái đợi thì mẹ mới rinh 20 kg củ cải về để thỏa niềm mong ngóng của mấy bố con.