Không ghi hình thức kỷ luật vào học bạ
Theo lãnh đạo Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT): Thi đua khen thưởng đối với học sinh phổ thông là nội dung quan trọng trong hoạt động chỉ đạo đối với cơ sở giáo dục.
Trong thời gian qua, những vấn đề về khen thưởng, kỷ luật học sinh đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, Thông tư có cách đây 30 năm đã không còn phù hợp, nhiều quy định, chính sách đã thay đổi.
Việc rà soát để sửa đổi một số quy định về công tác khen thưởng, kỷ luật học sinh dựa trên các nội dung tại Luật Trẻ em 2016 và Luật Giáo dục 2019. Bên cạnh đó, một số nội dung về khen thưởng cũng cập nhật các nội dung tại Luật Thi đua khen thưởng mới được Quốc hội ban hành.
Theo đó, lần đầu tiên sau 30 năm, sẽ không còn hình thức kỷ luật học sinh như: Buộc thôi học và cảnh cáo học sinh trước lớp, trước trường. Thông tư sẽ khuyến khích các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực đối với học sinh mắc khuyết điểm.
Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi, nhà trường xem xét thực hiện các hình thức kỷ luật khác như khiển trách, cảnh cáo, tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng với học sinh vi phạm.
Hình thức kỷ luật cao nhất theo Thông tư 08 năm 1988 là “đuổi học một năm” nhưng trong dự thảo Thông tư mới đã thay từ “đuổi học” thành “tạm dừng học tập trên lớp” với mức tối đa giảm xuống còn 2 tuần đối với những vi phạm như: Đánh nhau có tổ chức, sử dụng vũ khí gây thương tích nặng cho người khác; xâm phạm nhân phẩm, thân thể của giáo viên, học sinh khác…
Việc thực hiện quyết định kỷ luật phải bảo đảm quyền lợi hợp pháp của học sinh. Đặc biệt, nhà trường lưu giữ hồ sơ liên quan đến kỷ luật học sinh, không ghi hình thức kỷ luật vào học bạ.
Nhiều năm làm công tác chủ nhiệm, cô Trần Thị Hải Yến - giáo viên Trường THPT Trí Đức (Hà Nội) cho biết: Học sinh phạm lỗi là vấn đề muôn thuở. Lỗi của học sinh cũng rất đa dạng, ở nhiều phương diện. Tuy nhiên, giáo viên không ghi lỗi của học sinh vào học bạ mà chỉ ghi vào sổ theo dõi.
Theo cô Yến, việc ghi lỗi của học sinh vào học bạ có thể sẽ khiến các em bi quan, không tự tin và mất hướng phấn đấu. “Khi học sinh phạm lỗi, thầy cô sẽ phân tích để các em nhận ra và sửa sai. Không ghi vào học bạ là để mở đường cho các con hoàn thiện bản thân”, cô Yến cho hay.
Ủng hộ kỷ luật tích cực
Nhấn mạnh nguyên tắc kỷ luật phải bảo đảm bảo tính giáo dục, phù hợp với đặc điểm tâm lí, giới tính, thể chất của từng học sinh, thầy Hà Trung Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT Trí Đức (Hà Nội) cho rằng: Các thầy cô cần giúp học sinh nhận ra khuyết điểm, thay đổi nhận thức, tự giác rèn luyện để tiến bộ.
Ủng hộ hướng kỷ luật tích cực được thể hiện trong thông tư, theo PGS.TS Nguyễn Hồng Thuận - Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, thực hiện kỷ luật học đường là quá trình bao gồm biện pháp giáo dục toàn diện làm sao học sinh và các thành viên trong trường học cùng đồng thuận, tuân thủ, tạo môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh và hiệu quả chứ không phải là thực hiện khung hình phạt và khen thưởng.
Thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội) nhìn nhận: “Khi đã đưa ra quyết định đuổi học học sinh có nghĩa là nhà trường đã bất lực. Tôi cho rằng làm sao để học trò vi phạm dù ở mức độ nào cũng cảm thấy được tha thứ chứ không phải sẽ bị trừng trị. Vì thế tôi ủng hộ việc áp dụng những biện pháp mềm để giải quyết”.