(GD&TĐ) - Bản thân thơ không có tội. Họa chăng (nếu có) thì cái tội lớn nhất của thơ là tội có sức quyến rũ mê hoặc đối với số đông nhiều người. Số đông ở đây là những người có tâm hồn và có chút năng khiếu sáng tác thơ. Phàm đã là kẻ ít nhiều thẩm thơ được thì kẻ đó cũng ít nhiều “lên đồng” thăng hoa được dăm ba câu. Loay hoay thế nào, có vị bô lão đếm đi đếm lại đã ngót dăm bảy chục bài thơ. Thế là thao thức ao ước được in thơ, cho ra mắt đứa con tinh thần của mình!
Có những “nhà thơ” như vậy đã ra đời…
Bạn tôi, đang yên lành làm sếp phó của một Viện khoa học, quản lý rất tốt, tỉnh táo trong điều hành và ứng xử. Đùng một cái, ngẩn ngơ bởi vừa cho ra đời một loạt những bài thơ hoài cổ. Tôi hỏi lý do bạn vì sao nên nỗi như vậy, chị lắc đầu, trong trạng thái mộng du:
- Mình chẳng biết, những làm thơ cứ như người hối thúc vậy, ở trong tâm hồn mình vậy. Mà cũng lạ, bao nhiêu khắc khoải, yêu thương từ thưở nào bỗng đùng đùng trở về. Cứ như thời đang yêu vậy. Mình thấy cần phải ghi lại. Ai ngờ bọn trẻ cơ quan mình đọc được, chúng khen nức nở, lâm ly. Chúng phân tích, bình luận rôm rả. Ô hay, mà mình thấy chúng nói đúng! Thơ mình hay thật hay sao ấy bà ạ!
Tôi giật mình nhìn mặt bạn ngơ ngác như thể mộng du, không biết trả lời ra sao.
Bạn gửi qua email cho tôi chùm thơ viết về mưa, về tình yêu và về con gái. Đoạn, nhờ tôi thẩm bình hộ và đề nghị cho in trên báo nhà.
Đọc xong, tôi chết lặng. Thơ như thể các cụ viết cho mình, dạng tự sự mà đề tài xoay quanh con cháu, tình yêu, quê hương… Bạn viết ở dạng thể loại nửa đường thi, nửa tự do, thỉnh thoảng lại “đá” vào mấy câu lục bát phá vần.
Tôi gọi cho bạn và nói rằng thơ bạn chưa thể in được vì những lý do ngô nghê, chưa nhuyễn về cảm xúc và thể loại. Bạn bảo cứ sửa cho bạn, sửa thoải mái, khi nào in được thì thôi.
Thú thật đọc mấy “bài thơ” của bạn, tôi thức trắng một đêm để sửa, để cuối cùng cho in được… 1 bài.
Không ngờ sau khi in xong, bạn phấn khởi lắm, làm luôn 17 bài để tôi đọc tiếp, sau khi cho photo mấy chục bản bài thơ đã in trên báo để đem đi tặng.
Chưa kịp ráo mồ hôi bởi lo âu, sửa thơ và tìm cách in cho bạn bè; thì đùng một cái, tôi nhận được một tập bản thảo thơ của một cụ ông, trong CLB thơ Hương ngoại ô gửi đến, với thư ngỏ thiết tha: “Tôi viết những bài thơ này, không nhằm mục đích nổi tiếng, chỉ nhằm mục đích coi đây là món quà để tặng cho con cháu muôn đời sau. Cho con cháu của cải không bằng cho con cháu những giá trị tinh thần quý giá. Tôi mong BBT sửa chữa và góp ý, nếu có thể cho in một chùm trên báo cho các cháu mừng”.
Tôi lướt qua những trang thơ được đề rất cẩn thận và viết bằng bút mực xanh (bây giờ rất ít người viết thơ bằng tay và nét chữ đẹp, cẩn trọng như cụ ông này).
Từng bài cụ viết cho con cháu và bạn bè, theo thể đường luật thất ngôn bát cú. Rất nghiêm về thể thơ, cũng 4 phần đề, thực, luận, kết. Nhưng tác giả đã thổi luồng sinh khí mới của đời sống gia đình hiện đại vào từng bài thơ. Vì vậy, yếu tố đông, tây, kim, cổ đan chen rất ấn tượng. Tuy nhiên, không thể gọi đây là những “bài thơ” được. Bởi chúng đã mất đi yếu tố cơ bản nhất của thơ. Đó là tính nghệ thuật. Từng câu diễn giải dưới dạng tự sự, tâm sự chia sẻ với người thân và bờ sông, giếng nước, con đường. Tâm trạng hoài cổ cũng hiện lên rất rõ qua từng câu, từng bài.
Người đọc có cảm giác đây là những câu nói được ghép lại trong vần điệu một cách khiên cưỡng. Hình ảnh vợ già, cháu ốm, con cái đỗ đạt đã được thể hiện trong hầu hết tập thơ. Cá biệt, có mấy bài xướng họa của các cụ trong CLB thơ.
Số điện thoại trong tập bản thảo là số của gia đình và con trai. Nếu đọc thấy ưng, kể cả không dùng được, cũng cần phải liên lạc với cụ và con trai cụ. Tuy nhiên, dẫu thế nào đi chăng nữa, tập thơ này cũng sẽ ra đời trong thời gian sớm nhất. Nó sẽ là món quà vô giá để tặng cho con cháu trong ngày mừng thọ cụ 80 tuổi. Còn nữa, nó là sự ra mắt rất đường bệ của tác giả trong CLB thơ. Mà chủ nhân, ít hay nhiều cũng là niềm ngưỡng mộ trong nhóm thơ Hương ngoại ô mà cụ vừa vinh dự được xếp trong đội ngũ.
Vào một ngày đẹp trời, bỗng nhiên tôi nhận được điện thoại từ một người bạn từ bao lâu rồi thất lạc tin nhau. Bạn cho biết vừa ra mắt một tập thơ, in ở NXB địa phương. Vì có tập thơ này mà bạn được vinh danh đứng trong đội ngũ những người làm thơ trong Hội địa phương. Nghe đâu, bạn sẽ là ứng cử viên số 1 của tỉnh để tham dự tác phẩm ở Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Trung ương về thơ.
Tôi không biết số phận tập thơ của bạn sau này ra sao, vì tế nhị, không tiện hỏi (nếu có tin vui bạn đã khoe rồi). Nhưng có một lần, tôi tình cờ biết bạn cùng một nhóm thi sĩ Trung ương vi hành đến một vùng xa xôi. Nghe đâu bạn đi thực tế để tìm thi hứng, cho ra đời những tác phẩm mới “sống mãi với thời gian” như có lần bạn nói với tôi.
Cách đây không lâu, con gái bạn gọi điện đến, hỏi thăm tôi rằng “bác có biết mẹ cháu đi đâu không”, tôi trả lời không biết. Cô bé băn khoăn, lo lắng, bảo “mẹ cháu đi làm thơ ở đâu đó. Mang cả laptop đi bác ạ”. Thì ra là như vậy, bạn tôi đã “nghiện thơ” nặng tới độ cao rồi.
Tôi chậc lưỡi: “Thôi thì cũng tốt, nghiện thơ vô hại, sống vô tư, thành thật và nhiệt thành hơn bất kỳ nghiện thứ gì. Trong sự hỗn mang của lòng người và tạo vật, thì đến với thơ ca, há chẳng phải là đến với cái cao cả và nhân văn hơn đó sao?”.
Tuy nhiên, trên đây tôi mới chỉ là đơn cử chung chung mấy biểu hiện “phê thơ” ở một số người. Cái tội mê thơ, nghiện thơ, ngang với tội trời đày còn biểu hiện cụ thể ở một số người - mà khả năng “cai” là bất khả thi.
(Còn nữa)
Sa Mộc
Kỳ 2: Ngông nghênh thơ một cõi…