Bùi Đình Nguyên Khoa (18 tuổi, sinh viên trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia HCM) từ khi còn nhỏ đã say mê nghiên cứu và tìm tòi, lắp ráp các thiết bị điện tử. Đến năm học 2017-2018 khi đang là học sinh lớp 11 (trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành, TP Kon Tom, tỉnh Kon Tum) Khoa nhận thấy trên thị trường có nhiều thiết bị thông minh.
Đặc biệt, một số thiết bị có thể chuyển thể văn bản thành chữ nổi, kính thông minh...Tuy nhiên, những sản phẩm này của nước ngoài, giá thành cao, lại không hỗ trợ Tiếng Việt. Do đó, Khoa nảy ra ý định nghiên cứu, chế tạo “chiếc kính biết đọc" nhằm hỗ trợ người khiếm thị bớt khó khăn hơn.
Sau khi quyết định chế tạo sản phẩm này, suốt 5 tháng, những lúc rảnh rỗi Khoa tìm tòi, nghiên cứu và đã ra đời được sản phẩm đầu tiên. Tuy nhiên, thiết bị mới hoàn thành vẫn còn bị nhiều lỗi. Trong đó, còn hạn chế về chức năng, xảy ra nhiều lỗi phần mềm hoặc nhận dạng văn bản còn sai lỗi chính tả. Bên cạnh đó, thiết bị vẫn còn rất cồng kềnh, nhiều chi tiết.
Không chịu từ bỏ ý định của mình, Khoa vẫn tiếp tục tìm hiểu, khắc phục những nhược điểm mà sản phẩm mắc phải. Mỗi ngày khoảng thời gian từ 23 giờ đến 2 giờ sáng, Khoa tranh thủ mang thiết bị ra lập trình lại. Sau 4 tháng thức khuya, dậy sớm Khoa đã khắc phục được các nhược điểm gặp phải.
“Mặc dù nhiều đêm thức khuya để nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm nhưng em vẫn giữ gìn sức khỏe và chú tâm vào việc học. Khi sản phẩm “kính biết đọc” hoàn thiện em cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Bởi cuối cùng em cũng giúp đỡ được một phần nào cho những người khiếm thị”, Khoa tâm sự.
“Chiếc kính biết đọc” của nam sinh với nhiều công dụng (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Theo cậu nam sinh, “chiếc kính biết đọc” này hoạt động theo nguyên lý chụp lại hình ảnh vật thể, văn bản. Sau đó gửi lệnh và hình ảnh đến máy chủ (server) đã đăng kí tài khoản trước đó trên Google. Tại đây, máy chủ có nhiệm vụ xử lý các tác vụ nhận diện, tìm kiếm thông tin, dịch đoạn văn bản, hình ảnh thành ngôn ngữ nói. Sau đó, máy chủ sẽ gửi kết quả xử lý về cho thiết bị, lúc này thiết bị sẽ phát ra giọng nói thông qua tai nghe cho người dùng hiểu.
Không những vậy, thiết bị này có thể nhận diện vật thể; nhận diện gương mặt, miêu tả gương mặt; nhận diện ký tự, đọc báo, dịch; tra cứu thông tin trên internet…
Theo Khoa, “chiếc kính biết đọc” là một trong những thiết bị sử dụng ứng dụng trí tuệ nhân tạo và thị giác máy tính để xây dựng và tạo ra các thiết bị phân tích hình ảnh giúp ích cho cuộc sống. Ứng dụng trí tuệ nhân tạo còn tạo ra nhiều thiết bị với chức năng khác nhau để giải quyết các vấn đề trong xã hội như cảnh báo tắc đường, quản lý tội phạm, điểm danh, chấm công, làm máy đọc chữ,…”
Nói về dự định trong tương lai của mình, Khoa chia sẻ, thời gian tới nam sinh sẽ tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu bổ sung kiến thức về trí thông minh nhân tạo để phát triển hơn nữa trong lĩnh vực này. Hiện tại Khoa cũng đang hỗ trợ một học sinh của trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành nghiên cứu đề tài khoa học liên quan đến trí thông minh nhân tạo.
Nhờ những thành tích trên, sau khi hoàn thành chương trình lớp 12, Khoa đã được tuyển thẳng vào trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia HCM.
Thầy Phan Đức, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành cho biết, Khoa là một cựu học sinh ưu tú của trường đã đạt nhiều thành tích cao trong lĩnh vực Sáng tạo khoa học, kĩ thuật.
Không những vậy, Khoa còn là học sinh giỏi cấp Quốc gia và tích cực tham gia các hoạt động của trường lớp, ngoại khóa... Do đó, sau khi học xong 12, Khoa được tuyển thẳng vào trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia HCM.
Thầy Hiệu trưởng còn cho hay, vào ngày 27/11 vừa qua, thiết bị “kính biết đọc” của Khoa đã giành giải nhì Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Kon Tum. Trước đó, khoảng tháng 3/2019, sản phẩm này đã đạt giải 3 Hội thi Sáng tạo Khoa học Kĩ thuật Toàn quốc.