Kon Tum: Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua hoạt động trải nghiệm

GD&TĐ - Thông qua các hoạt động trải nghiệm, tình huống gần gũi với cuộc sống, giáo viên vùng cao Kon Tum mong muốn học trò của mình thay đổi nhận thức để thoát nghèo.

Học sinh vùng cao huyện Kon Plông tự giác trong việc dọn dẹp, vệ sinh cá nhân.
Học sinh vùng cao huyện Kon Plông tự giác trong việc dọn dẹp, vệ sinh cá nhân.

Tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm

Thầy Bùi Hữu Duy, Hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Đăk Ring (xã Đăk Ring, huyện Kon Plông, Kon Tum) cho biết, năm học 2021-2022 toàn trường có 220 học sinh với 23 cán bộ, giáo viên giảng dạy.

Theo thầy Duy, học sinh đều là đồng bào dân tộc thiểu số nên điều kiện sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Mặc dù các em có ý thức học tập, chăm chỉ đến lớp nhưng việc tiếp thu kiến thức còn nhiều hạn chế. Do đó, giáo viên thường xuyên thay đổi, linh hoạt trong giảng dạy để giúp việc tiếp thu kiến thức của học sinh được thuận lợi hơn.

Thầy Duy cho hay, bên cạnh việc truyền dạy kiến thức cho học sinh trên lớp, nhà trường cũng thường xuyên tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho các em.

“Thông qua các tiết dạy, giờ chào cờ, sinh hoạt cuối tuần nhà trường tích cực tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống cho các em. Những hoạt động này vô cùng ý nghĩa và quan trọng bởi các em học sinh đang trong giai đoạn phát triển”, thầy Duy nói.

Trường PTDT bán trú THCS Đăk Ring tuyên truyền, giáo dục học sinh thông qua các băng rôn, khẩu hiệu.
Trường PTDT bán trú THCS Đăk Ring tuyên truyền, giáo dục học sinh thông qua các băng rôn, khẩu hiệu.

Cũng theo vị hiệu trưởng, trong những năm học qua, nhà trường thường xuyên phối hợp với lực lượng CSGT tuyên truyền về an toàn giao thông cho học sinh. Ngoài ra, nhà trường tổ chức cho học sinh trải nghiệm trồng cây xanh, chăm sóc, bảo vệ môi trường. Những hoạt động này gần gũi, thiết thực trong đời sống hàng ngày nên giúp các em dễ dàng tiếp cận.

“Các em học sinh cấp THCS đang ở độ tuổi mới lớn nên tâm sinh lí sẽ có nhiều thay đổi. Chính vì vậy, thông qua các buổi sinh hoạt, nhà trường cũng tuyên truyền, giáo dục cho học sinh về giới tính, luật giao thông và kĩ năng bảo vệ quyền lợi bản thân… Qua đó, nhà trường mong muốn giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh để các em phát triển và ngày càng hoàn thiện bản thân”, thầy Duy tâm sự.

Cũng theo thầy Duy, sau khi ổn định trường lớp, nhà trường sẽ phân công các lớp, nhóm học sinh chăm sóc vườn rau, chăn nuôi heo, gà và cây xanh. Qua đó, giúp các em có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, dạy cho các em tính tự lập để có thể phụ giúp gia đình trong cuộc sống hàng ngày.

Thay đổi nhận thức để thoát nghèo

Tương tự, thầy Nguyễn Trọng Kỷ, giáo viên Khoa học tự nhiên cho biết, đối với các em vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là học sinh đồng bào dân tộc thiểu số thì việc giáo dục đạo đức, lối sống rất quan trọng.

“Đan xen vào chương trình học trên lớp tôi thường xuyên tuyên truyền, động viên học sinh có ý thức đối với gia đình và mọi người. Qua đó, dạy các em cách sống, cách làm người và ứng xử với mọi người trong cuộc sống. Tôi hy vọng rằng, sau này các em sẽ sống tốt và biết yêu thương, sẻ chia với mọi người”, thầy Kỷ chia sẻ.

Thông qua các tiết học, cô Hồ Thị Thu Hà đan xen giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Thông qua các tiết học, cô Hồ Thị Thu Hà đan xen giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Để giúp học sinh phát triển, tự giác hơn trong học tập cũng như cuộc sống, cô Hồ Thị Thu Hà, giáo viên điểm trường Đăk Púk – Trường PTDT bán trú Tiểu học Đăk Nên (huyện Kon Plông, Kon Tum) thường xuyên hướng dẫn cho học sinh những kỹ năng sống.

Theo cô Hà, bên cạnh việc học trên trường lớp cô mong muốn học sinh nâng cao tinh thần tự chủ, tự học và tự giác. Do khu vực các em sinh sống chủ yếu là sông suối, đồi núi nên cô thường xuyên hướng dẫn, chỉ dạy các em kỹ năng phòng chống bão lũ, sạt lở và đuối nước. Qua đó, giúp các em có thể tự bảo vệ bản thân khi gặp những tình huống bất trắc.

“Với mong muốn các em có thể tự lập trong cuộc sống, mình thường xuyên hướng dẫn các em tự vệ sinh cá nhân. Bên cạnh đó, tạo cho các em thói quen về việc học tập, sinh hoạt điều độ và biết giúp đỡ gia đình. Đồng thời, thông qua các hoạt động ngoại khoá, mình đưa những chủ đề liên quan đến giáo dục đạo đức, lối sống vào để giúp các em hình thành kỹ năng sống.

Ngoài ra, mình cũng cho các em hoá thân thành nhân vật, đóng tình huống cụ thể để giúp các em chủ động giải quyết vấn đề khi gặp những vụ việc tương tự. Mình hy vọng rằng, bên cạnh việc học thì giáo dục đạo đức, lối sống sẽ giúp học sinh thay đổi nhận thức. Sau này, nếu không có cơ hội học lên cao thì các em cũng có những thay đổi về nhận thức để học nghề, phát triển kinh tế”, cô Hà nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mật ong

Mật ong

GD&TĐ - Mẹ hối sớm về quê, chẳng phải vì mẹ nhớ nhung gì nó đâu mà là chú mới gửi từ Điện Biên về chai mật ong rừng.
Lần đầu tiên, cuốn 'Ký họa trong chiến hào' được xuất bản tại Việt Nam. Ảnh: Kim Đồng.

Bộ sách kể chuyện Điện Biên Phủ

GD&TĐ - 17 tác phẩm kể chuyện Điện Biên Phủ vừa được NXB Kim Đồng giới thiệu nhân kỉ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024).