Hà Tĩnh: Trường học chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh

GD&TĐ - Ngành Giáo dục Hà Tĩnh xác định việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh là nhiệm vụ quan trọng, mang tính lâu dài.

Trường tiểu học Bắc Hà, TP Hà Tĩnh luôn đồng hành, khuyến khích kịp thời cho những học sinh chăm ngoan, học giỏi.
Trường tiểu học Bắc Hà, TP Hà Tĩnh luôn đồng hành, khuyến khích kịp thời cho những học sinh chăm ngoan, học giỏi.

Hiệu quả từ những mô hình

Bám sát nội dung, mục tiêu của Nghị quyết số 29-NQ/TW, trong thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều giải pháp sáng tạo, phù hợp, từng bước tạo chuyển biến tích cực trong công tác giáo dục, đào tạo; Đặc biệt quan tâm, chú trọng nhiệm vụ giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Những học sinh xuất sắc tại trường THCS Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh trong lễ tổng kết năm học 2020-2021
Những học sinh xuất sắc tại trường THCS Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh trong lễ tổng kết năm học 2020-2021

Tại trường THCS Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh được nhà trường thực hiện và duy trì thường xuyên.

Không chỉ triển khai đồng bộ việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong các bộ môn văn hóa, nhà trường còn đẩy mạnh tổ chức các hoạt động, mô hình, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” để thu hút học sinh tham gia, rèn luyện.

Thầy Lê Ngọc Anh, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du, chia sẻ: Tại trường, “Giờ chào cờ bổ ích” với hình thức sân khấu hóa để tuyên truyền các chủ đề phòng, chống bạo lực học đường, nâng cao văn hóa giao tiếp, ứng xử, an toàn giao thông, pháp luật, cách sử dụng mạng xã hội an toàn... được duy trì đều đặn hằng tuần.

Cùng với đó, các buổi sinh hoạt nói chuyện chuyên đề, tọa đàm về việc hình thành, rèn luyện đạo đức, lối sống cho học sinh được tổ chức thường xuyên tại mỗi lớp học và trường học.

Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, tham quan  di tích lịch sử, địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố cũng được nhà trường đẩy mạnh. Từ đó, tạo môi trường, phương pháp giáo dục học sinh đa dạng, phong phú, giúp các em có trải nghiệm thực tế, nâng cao nhận thức, hình thành hành vi, hành động đúng, lối sống đẹp.

Tại Trường tiểu học Bắc Hà (TP Hà Tĩnh) việc quan tâm, định hướng giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh đã được nhà trường ưu tiên, xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

Theo đó, nhà trường bố trí một phòng thư viện để trưng bày  tư liệu, tranh ảnh, sách, truyện, video... về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ nhằm tạo cho học sinh có không gian học tập thật sinh động, gần gũi.

Hoạt động ngoại khóa được tổ chức khá đều tại Trường tiểu học Bắc Hà.
Hoạt động ngoại khóa được tổ chức khá đều tại Trường tiểu học Bắc Hà.

“Khi dịch bệnh Covid-19 chưa bùng phát, hàng tuần, mỗi lớp học đều dành từ 2-3 buổi cho học sinh đọc sách, biểu diễn văn nghệ, thi kể chuyện, đọc thơ về Bác Hồ” – cô Trịnh Thị Ánh Tuyết, Hiệu trưởng Trường tiểu học Bắc Hà cho hay.

Cô Tuyết cũng nhấn mạnh: Từ việc tạo ra không gian học tập về Bác, nhà trường muốn dùng phương pháp nêu gương để giáo dục học sinh. Cùng với đó, chính mỗi giáo viên thông qua việc giảng dạy, truyền đạt kiến thức về Bác cho học sinh sẽ tự soi lại mình, rèn luyện mình mẫu mực hơn trong tác phong, lối sống.

Mối quan hệ nhà trường – gia đình – xã hội

Có thể thấy, bằng những giải pháp cụ thể, trong những năm qua ngành giáo dục Hà Tĩnh đã nỗ lực, đổi mới, không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.

Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của môi trường xã hội, sự suy thoái đạo đức của một bộ phận người dân, trách nhiệm quan tâm, giáo dục chưa đúng mức của gia đình... đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành đạo đức, lối sống của học sinh, thanh thiếu niên hiện nay.

Trước thực trạng đó, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều quyết sách, đề ra các giải pháp, huy động sự vào cuộc của toàn xã hội như: Chỉ thị số 42-CT/TW; Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn viên, thanh niên; tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi giai đoạn 2018-2022” của Ban Thường vụ Trung ương Đoàn...

Những cuộc thi về giáo dục, đạo đức lối sống được các trường học tại Hà Tĩnh quan tâm.
Những cuộc thi về giáo dục, đạo đức lối sống được các trường học tại Hà Tĩnh quan tâm.

Cuối tháng 7 vừa qua, phiên họp của Ủy ban đổi mới GDĐT giai đoạn 2016-2021 và Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực nhiệm kỳ 2016-2021, đã tập trung thảo luận về công tác giáo dục, đạo đức lối sống cho học sinh phổ thông.

Chủ trì phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: “Đồng ý là cần sự phối hợp của gia đình, nhà trường, xã hội nhưng nhà trường phải làm trước, Đoàn Đội cũng phải làm tốt hơn. Phong trào là đương nhiên nhưng phải thiết thực, tránh hình thức. Tinh thần là phải làm sao trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò”.

Trên tinh thần đó, ngành giáo dục Hà Tĩnh đã tập trung đẩy mạnh việc xây dựng cơ chế phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội, chỉ đạo thực hiện cam kết giữa gia đình, nhà trường với chính quyền địa phương trong việc phối hợp, hỗ trợ giáo dục con em tại tất cả các cấp học, nhà trường, cơ sở giáo dục.

Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, cho biết: "Cùng với thực hiện tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và các đơn vị, ngành như đoàn thanh niên, công an... trong việc đa dạng hóa chương trình giáo dục phù hợp, hiệu quả cho học sinh, ngành giáo dục chủ động bổ sung các tiêu chí đánh giá chất lượng dạy và học với cả giáo viên và học sinh thông qua chính kết quả trong công tác giáo dục đạo đức, lối sống".

Sở cũng đang kiện toàn đội ngũ, xây dựng các phòng chính trị - tư tưởng từ Sở đến cơ sở để tăng cường công tác theo dõi, đánh giá, chấn chỉnh học sinh trong việc rèn luyện đạo đức, lối sống. Đồng thời, tiếp tục duy trì hiệu quả các phong trào thi đua, đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW gắn với Nghị quyết số 11-NQ/TU của Tỉnh ủy Hà Tĩnh.

"Tin tưởng, với sự vào cuộc, chung sức của toàn xã hội, công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh tiếp tục có những chuyển biến rõ nét, giúp học sinh phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, xây dựng thế hệ trẻ có đủ năng lực, phẩm chất, đáp ứng yêu cầu hội nhập của đất nước trong thời kỳ mới" - ông Quốc Anh nhấn mạnh. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.