Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh: Chạm đến trái tim để mở cửa trái tim

GD&TĐ - Từ thực tế hoạt động, mỗi nhà trường, giáo viên sẽ có những giải pháp linh hoạt, phù hợp để dạy đạo đức cho các em, điều quan trọng là phải mở được cánh cửa trái tim để khơi dậy những phẩm chất tốt đẹp.

Thầy Nguyễn Văn Hòa luôn gần gũi, chia sẻ với học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Thầy Nguyễn Văn Hòa luôn gần gũi, chia sẻ với học sinh Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Vai trò người “chèo lái”

Cô Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng: Giáo dục đạo đức cho học sinh cần bắt đầu từ đạo đức văn hóa nhà giáo của hiệu trưởng. Từ mục tiêu dạy người của tập thể nhà trường, hiệu trưởng phải biết, phải hiểu, chỉ ra đâu là vấn đề cốt lõi cần giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh của trường mình ở từng giai đoạn, từng thời kỳ. Từ đó, hiệu trưởng truyền tải những vấn đề cốt lõi đó tới cán bộ, GV, nhân viên, học sinh trong trường và các lực lượng ngoài nhà trường để cùng tìm biện pháp, tổ chức hoạt động giáo dục nhằm đạt mục tiêu chung.

Thực tế giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh chưa bao giờ là công việc dễ dàng, nhất là trong bối cảnh xã hội hiện nay càng khó. Trong mỗi vấn đề đạo đức của học sinh, xã hội nghĩ ngay đến đó là trách nhiệm của nhà trường mà chưa chú ý đến vai trò đặc biệt quan trọng của gia đình cũng như các lực lượng giáo dục khác.

Vì vậy, theo cô Nhiếp, với phụ huynh, hiệu trưởng cần hỗ trợ trong giáo dục, nắm được phương pháp và nội dung giáo dục trong gia đình, nắm được tri thức về chính sách giáo dục thông qua việc trực tiếp chia sẻ và cung cấp thông tin, mời phụ huynh cùng tổ chức và tham dự các chuyên đề về đạo đức lối sống cho học sinh…

“Là người chịu trách nhiệm chính về nhà trường, tôi nghĩ hiệu trưởng hãy chân thành và đừng ngần ngại bày tỏ mong muốn của nhà trường trong công tác giáo dục học sinh với phụ huynh” – cô Nhiếp chia sẻ.

Cũng nhờ kiên trì giáo dục đạo đức, giá trị và kỹ năng sống, coi trọng mục tiêu giáo dục vì sự phát triển của con người mà Trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận Cầu Giấy, Hà Nội) từ một trường dân lập có đầu vào học sinh “dưới chuẩn” nay trở thành một ngôi trường chuẩn quốc gia, trường chất lượng cao của Hà Nội. Ngôi trường được phụ huynh và học sinh gọi là trường học hạnh phúc. Bởi theo thầy Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch HĐQT hệ thống giáo dục Nguyễn Bỉnh Khiêm, giáo dục đạo đức học sinh của nhà trường là giáo dục ước mơ, lối sống, ý chí lập thân lập nghiệp ngay từ khi còn học ở trường phổ thông. 

Học sinh Trường THPT Yên Hòa chủ động rèn kỹ năng sống qua các hoạt động ngoại khóa.
Học sinh Trường THPT Yên Hòa chủ động rèn kỹ năng sống qua các hoạt động ngoại khóa.

Trao niềm tin cho học trò

Cô Nguyễn Lương Thiện, giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: Để giáo dục đạo đức học sinh, mỗi giáo viên chủ nhiệm phải đầu tư thời gian để tìm hiểu vì mỗi học sinh sẽ có một hoàn cảnh, một cá tính, suy nghĩ khác nhau, không thể giáo dục học sinh theo một cách mà phải vận dụng nhiều phương pháp.

Theo cô Thiện, chỉ khi chúng ta hiểu học trò, hiểu hoàn cảnh mới có thể đưa ra được những quy định phù hợp. Để thành công trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh, cô Thiện luôn hướng học sinh đến 5 tự: Tự tin, tự trọng, tự học, tự chủ và tự chịu trách nhiệm và phải làm sao để gieo cho học sinh đó một niềm tin rằng “Con có thể làm được” hoặc “Con sẽ làm được”.

Chỉ khi học trò có niềm tin vào chính mình, tin vào thầy cô mới có động cơ để thay đổi. Và một điều hết sức quan trọng là giáo viên phải kiên trì và nhẫn nại bởi không có học sinh nào có khó khăn mà thay đổi trong một sớm một chiều. Quá trình thay đổi phải có thời gian, phải đi từ nhận thức đúng rồi đến điều chỉnh hành vi đúng và từ đó phải rèn luyện để trở thành một thói quen.

“Làm thế nào để việc dạy người trở nên hấp dẫn, lôi cuốn, thú vị và hào hứng, nhuần nhị mà thấm thía, tự nhiên mà hiệu quả, biến quá trình giáo dục thành tự giáo dục một cách tự chủ, tự giác” là câu hỏi khiến cô Lưu Thị Thu Hà, giáo viên dạy Văn Trường THPT Việt Đức (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) luôn trăn trở.

Lấy mục tiêu chạm đến trái tim học trò làm đích đến, cô Thu Hà đã chuyển tải nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh theo nhiều cấp độ và hình thức khác nhau như lồng ghép uyển chuyển qua các tiết học đọc hiểu văn bản hay qua việc chọn lọc, sử dụng ngữ liệu và nêu các vấn đề phù hợp với tâm lý lứa tuổi...

Với tinh thần giảm áp lực, tăng hứng thú cho học sinh, cô Thu Hà ấp ủ thực hiện một số dự án hướng tới giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong đó dự án “Chuyện kể lớp mình” đã có những thành công đáng khích lệ. Dự án khuyến khích học sinh trong lớp kể cho nhau nghe những điều mình quan tâm, trăn trở, xúc động. Nhờ thế, học sinh cả lớp đều có ý thức cập nhật, nắm bắt các vấn đề trong cuộc sống…

Đã nhiều năm chủ nhiệm lớp 9 cô Nguyễn Thị Thanh Huệ, giáo viên Trường THCS Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, Hà Nội) luôn gần gũi tìm hiểu và lắng nghe tâm tư nguyện vọng của học sinh, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh, từ đó tất cả lớp cô chủ nhiệm đều có tiến bộ vượt bậc về ý thức đạo đức và học tập.

Để hạn chế mặt trái của mạng xã hội, cô chủ động xây dựng nhóm kín của lớp trên mạng xã hội, tăng cường tương tác với học sinh, xây dựng hộp thư bí mật giúp các em giải đáp thắc mắc về sức khỏe, giới tính, tâm sinh lý lứa tuổi, cách sử dụng mạng xã hội.

Cô còn khuyến khích phụ huynh tham gia vào nhóm lớp để hiểu thêm về con em mình. Từ đó các em được bộc lộ tâm tư tình cảm, chia sẻ những khó khăn cũng như mong muốn của mình, được truyền kinh nghiệm học tập thi cử và động lực vươn lên trong cuộc sống, không khí lớp luôn đầm ấm, đoàn kết và giờ sinh hoạt trở thành giờ tâm sự của những thành viên trong gia đình.

“Xây dựng văn hóa Nguyễn Bỉnh Khiêm chúng tôi đã làm từ nhiều năm nay và đó là nét khác biệt. Trường học thân thiện, thầy cô thân thiện, học sinh thân thiện. Thầy cô thay đổi, học sinh thay đổi, cha mẹ học sinh thay đổi. Trường học hạnh phúc, thầy cô hạnh phúc, học sinh hạnh phúc, cha mẹ hạnh phúc. Khi tạo ra được bầu không khí hạnh phúc thì học sinh vui vẻ, hết mình phấn đấu rèn luyện để trở thành con người tốt” – thầy Nguyễn Văn Hòa nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Israel trưng bày mảnh vỡ của tên lửa Iran.

Tên lửa 18 tấn đã được phóng vào Israel

GD&TĐ - Cuộc tấn công của Iran vào Israel ngày 1 tháng 10 đã sử dụng tên lửa đạn đạo hiện đại hạng nặng có khả năng phá hủy hoàn toàn một tòa cao ốc.