Câu chuyện về gương sáng trong học tập, đời sống trở nên gần gũi qua lời kể, minh chứng, thậm chí trao đổi trực tiếp giữa học sinh với nhân vật.
Những mô hình sáng tạo
Tại Trường THCS Bãi Cháy (TP Hạ Long, Quảng Ninh), công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho giáo viên và học sinh được nhà trường thực hiện và duy trì thường xuyên.
Không chỉ triển khai đồng bộ việc lồng ghép, tích hợp nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh trong các bộ môn văn hóa, nhà trường còn đẩy mạnh tổ chức các hoạt động, mô hình, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” để thu hút học sinh tham gia, rèn luyện.
Cô Nguyễn Kim Ngọc - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Bãi Cháy - chia sẻ: Từ nhiều năm nay, nhà trường duy trì hoạt động “Giờ chào cờ bổ ích” với hình thức sân khấu hóa tuyên truyền về các chủ đề phòng, chống bạo lực học đường, nâng cao văn hóa giao tiếp, ứng xử; tuyên truyền về an toàn giao thông; tuyên truyền ngày pháp luật; cách sử dụng mạng xã hội an toàn... được duy trì đều đặn hằng tuần.
Cùng với đó, các buổi sinh hoạt nói chuyện chuyên đề, tọa đàm về việc hình thành, rèn luyện đạo đức, lối sống cho học sinh được tổ chức thường xuyên tại mỗi lớp học.
Ngoài ra, các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm, tham quan di tích lịch sử, địa chỉ đỏ trên địa bàn thành phố cũng được nhà trường đẩy mạnh. Từ đó, tạo môi trường, phương pháp giáo dục học sinh đa dạng, phong phú, giúp các em có trải nghiệm thực tế, nâng cao nhận thức, hình thành hành vi, hành động đúng, lối sống đẹp.
Trường Tiểu học & THCS Đông Lai (huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình) là một trong những ngôi trường thực hiện tốt công tác giáo dục truyền thống cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh trong những năm vừa qua.
Cô Nguyễn Thị Giang - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Giáo dục truyền thống cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh được nhà trường thực hiện trong tiết chào cờ sáng thứ Hai hằng tuần; hoạt động ngoại khóa, ngoài giờ lên lớp gắn với các ngày lễ lớn, chủ điểm theo tháng; trong tiết sinh hoạt tại lớp vào cuối tuần.
Đối với học sinh THCS, nhà trường tổ chức cho các em làm báo tường, thi vẽ tranh chủ đề chào mừng Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đối với học sinh bậc tiểu học, các cô giáo dạy học sinh thuộc từ 1 đến 2 bài thơ về bộ đội Cụ Hồ. Ngoài ra, Đài tưởng niệm liệt sĩ của xã khá gần với trường nên nhà trường thường xuyên tổ chức cho học sinh dâng hương và vệ sinh, quét dọn.
Em Nguyễn Thị Minh Hoa, học sinh Trường Tiểu học & THCS Đông Lai - tâm sự: Thông qua hoạt động phong phú, chúng em được hiểu thêm về truyền thống, lịch sử anh hùng của dân tộc và ý nghĩa của cuộc sống hòa bình hôm nay. Chúng em cũng thấy rõ hơn trách nhiệm của mình trong kế thừa truyền thống. Em cố gắng học tập, rèn luyện để trở thành những công dân có ích cho xã hội.
Đa dạng hóa hình thức dạy học
Theo bà Nguyễn Thị Thúy - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh, trong những năm qua, các trường học, cơ sở giáo dục trong tỉnh đều chú trọng, triển khai tích cực hoạt động giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh.
Các đơn vị đều thực hiện nghiêm túc việc tổ chức hát Quốc ca trong Lễ chào cờ, phát huy hiệu quả công tác Đoàn, Đội trường học thông qua việc phân công học sinh trực nhật, vệ sinh lớp hàng ngày, xây dựng cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp.
Bên cạnh đó, các trường học còn xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa phù hợp với tình hình, đặc điểm của đơn vị. Thông qua việc thực hiện quy tắc ứng xử, cán bộ quản lý, viên chức, nhân viên trong đơn vị đã gần gũi với học sinh, thực hiện nếp sống cởi mở, trách nhiệm, trung thực, dân chủ, đúng mực trong giao tiếp với cha mẹ học sinh, đồng nghiệp, khách đến trường.
Công tác phối hợp nhà trường, gia đình, xã hội trong quản lý, giáo dục trẻ em, học sinh ngày càng được tăng cường. Các trường đã tích cực phối hợp với Ban Đại diện cha mẹ học sinh nhằm tạo thông tin hai chiều, kịp thời uốn nắn, giáo dục học sinh chưa ngoan, học sinh có nguy cơ bỏ học. Nhiều trường sử dụng hiệu quả sổ liên lạc điện tử để giáo viên chủ nhiệm thông báo về gia đình kịp thời hoạt động của con em tại trường.
Còn ông Bùi Văn Hải - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Lạc (Hòa Bình) - cho hay: Bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy và học, ngành Giáo dục đặc biệt chú trọng công tác giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, với nhiều hình thức đa dạng, góp phần vào quá trình hình thành và phát triển nhân cách của học sinh.
Phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các trường tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Tăng cường giáo dục kỹ năng sống, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông, tăng cường công tác xã hội trong trường học.
Các nhà trường lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống trong các chương trình học và hoạt động giáo dục; quan tâm việc giáo dục quốc phòng an ninh; giáo dục truyền thống nhà trường, lịch sử địa phương; giáo dục chuyển đổi hành vi về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực trong gia đình, nhà trường.
“Huyện Tân Lạc có nhiều di tích, danh lam thắng cảnh nên các trường thực hiện tốt việc sử dụng di sản văn hóa trong dạy học. Qua đó, giúp các em không chỉ được trang bị kiến thức, kỹ năng mà sẽ hiểu hơn về truyền thống anh hùng của dân tộc, tự hào về lịch sử của đất nước, địa phương để có ý thức học tập, rèn luyện tốt hơn” - ông Hải nhấn mạnh.