Kinh nghiệm xây dựng Rubric để dạy tiếng Anh hiệu quả

GD&TĐ - Dưới đây kinh nghiệm của cô Trương Thị Nhung - giáo viên Trường THPT chuyên Nguyễn Tất Thành (Sở GD&ĐT Yên Bái) khi xây dựng Rubric để dạy tiếng Anh.

Kinh nghiệm xây dựng Rubric để dạy tiếng Anh hiệu quả

Tốt cho thầy và trò

Theo cô Nhung, Rubric giúp việc đánh giá bài viết khách quan hơn, giảm thiểu khả năng đánh giá chủ quan, chung chung gây thiệt thòi cho người học.

Khi xây dựng Rubric người dạy đồng thời có cái nhìn tổng thể cả về việc dạy học của bản thân, đã có tính trọng tâm chưa? đã chia nhỏ kỹ năng viết thành các nhiệm vụ cụ thể cho học sinh dễ lĩnh hội hơn.

Sau quá trình đánh giá sử dụng Rubric người dạy đồng thời có thể tổng hợp các thông tin kết quả học tập của học sinh nhanh chóng và thuận tiện hơn theo từng tiêu chí, đánh giá được điểm mạnh và yếu của từng học sinh, của cả lớp, từ đó có các thay đổi trong chiến lược dạy và nội dung dạy cho phù hợp.

Cùng theo cô Nhung, Rubric cũng giúp người học nắm rõ hơn, chi tiết hơn yêu cầu bài viết cần đạt tới. Khi mục tiêu đã rõ thì chiến lược học tập sẽ tốt hơn.

Như vậy học sinh định hướng viết tốt hơn, chủ động hơn trong việc đánh giá bài viết của mình trước khi nộp bài và hiểu rõ điểm mạnh điểm yếu của bản thân sau khi nhận được đánh giá của giáo viên.

Đặc biệt Rubric cho học sinh niềm tin vào bản thân có thể tiến bộ trong môn viết vì các tiêu chí đánh giá đã được cụ thể hóa và ưu tiên một số nội dung nhất định, tạo điều kiện cho học sinh thấy rõ mình đã tiến bộ ở nội dung cụ thể nào, nội dung nào còn cần tiếp tục luyện tập.

Kinh nghiệm từ thực tiễn

Theo kinh nghiệm của cô Nhung, trước hết giáo viên cần xác định rõ mục tiêu bài học sau đó mới xây dựng Rubric đánh giá bài viết của học sinh phù hợp với mục tiêu đó.

Ví dụ nếu bài học tập trung vào phần viết câu mở đầu của đoạn thì tiêu chí đánh giá câu mở đầu (có cả topic và controlling ideas) cần thể hiện rõ ràng trong Rubric và điểm cho tiêu chí này cần được nâng lên để thu hút sự tập trung của học sinh và khuyến khích các em luyện tập từng kỹ năng nhỏ một.

“Với một số lỗi cơ bản mà học sinh thường xuyên mắc phải như sự hòa hợp giữa chủ ngữ và động từ, mạo từ, số của danh từ, lỗi chính tả, giáo viên có thể tăng điểm cho phần này đến mức khiến học sinh thật sự tập trung, nỗ lực nhằm đạt được kết quả mong muốn.

Giáo viên nên tránh việc khi dạy thì tập trung vào một kỹ thuật hoặc nội dung cụ thể song khi đánh giá thì tiêu chí chấm điểm không thay đổi, không rõ ràng; hệ lụy là giáo viên sẽ không khuyến khích được học sinh tích cực thực hành nội dung vừa học, học sinh phân tán vào nhiều thành tố của kỹ năng viết, sẽ càng thấy viết khó hơn” – cô Nhung trao đổi.

Ngoài ra cô Nhung cho biết, giáo viên cũng cần cung cấp và giải thích rõ cho học sinh về từng tiêu chí chấm điểm để các em hiểu rõ mình cần tập trung vào kỹ năng nào khi viết, khi tự sửa bài trước khi nộp, khi rút kinh nghiệm cho các bài viết sau.

Nếu không làm được điều này, điểm bài viết sẽ luôn là điều bí ẩn lớn với học sinh và các em luôn có cảm giác không biết bắt đầu cố gắng từ đâu để tiến bộ.

Trước khi học sinh viết bài, giáo viên cần cung cấp trước cho các em Rubric, tốt nhất là giản lược ở dạng Checklist để các em thuận tiện kiểm tra lại, sửa lại bài trước khi nộp, hình thành thói quen tự đọc lại bài (Rubric 2).

Giáo viên có thể bố trí Rubric chấm cho giáo viên hoặc Checklist cho học sinh ngay trên cùng một tờ giấy với bài làm của học sinh. Như vậy sẽ thuận tiện trong quá trình học sinh tự kiểm tra lại bài trước khi nộp bài và quá trình lưu giữ tập bài làm sau này của học sinh.

Để tăng cường cơ hội học sinh học hỏi lẫn nhau, hợp tác trong học tập, hình thành và phát triển tư duy phê phán, Rubric dạng Checklist còn được dùng cho cả việc học sinh đánh giá bài làm của bạn (Rubric 3). Việc cho học sinh làm việc theo cặp, chữa bài của bạn không mới.

Tuy vậy, theo quan sát của tôi, các em thường sửa theo cảm tính. Nếu sử dụng Rubric khi sửa bài cũng sẽ giúp các em định hướng tốt hơn khi đọc.

“Đặc biệt nếu giáo viên yêu cầu học sinh tự viết lại bài sau mỗi lần được giáo viên đánh giá (bản nháp 1, bản nháp 2 trước khi hoàn thiện bản cuối cùng, giáo viên có thể kết hợp tất cả các lần đánh giá của giáo viên chung vào một Rubric (Rubric 1).

Rubric này sẽ cung cấp cho học sinh cái nhìn rõ ràng nhất về quá trình tiến bộ của bản thân, động viên các em nỗ lực tiếp tục cố gắng ở các nội dung khác của môn viết. Việc cho phép học sinh tự sửa lại bài dựa trên cơ sở các gợi ý của giáo viên bước đầu sẽ làm tăng phần việc của giáo viên.

Tuy nhiên về lâu dài hình thành cho các em thói quen tự đánh giá bài viết của bản thân, chủ động đưa ra các phương án sửa lỗi, nhờ vậy tiến bộ bền vững hơn” – cô Nhung cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ